Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kiếm tiền từ sự độc bản của… rác!

Trúc Nhã

-

(KTSG Online) - Trong một dịp đi chơi với bạn bè, thấy tấm bạt bị vứt đi chỉ sau một lần sử dụng, chị Trần Kiều Anh, founder thương hiệu Dòng Dòng Sài Gòn (thuộc công ty Thong Dong Studio), đã nghĩ ra ý tưởng tái chế tấm bạt cũ thành chiếc túi đeo chéo. Từ “điểm xuất phát” đó, những tấm bạt dần được tái chế thành sản phẩm kinh doanh thu hút người dùng nhờ tính độc bản và sức bền, khả năng chống nước cao.

“Hôm đó, tôi đi chơi cùng bạn bè, vô tình thấy người ta quẳng những miếng bạt vào thùng rác. Bó bằng nhựa mà cũng còn tốt vậy, tôi thấy tiếc quá nên quyết định lấy về làm túi đeo chơi”, đó chính là khởi đầu của hành trình tái chế hàng trăm, hàng ngàn miếng bạt cũ của Dòng Dòng Sài Gòn, chị Trần Kiều Anh, founder của thương hiệu kể lại.

Sau sự việc tái chế bạt thành “chiếc túi đeo chơi”, chị Kiều Anh nhận thấy bạn bè xung quanh đều khá ấn tượng và thích thú với sản phẩm này, từ đó chị nảy ra ý tưởng thương mại hoá bạt cũ với quy trình sản xuất chỉn chu và nghiêm túc hơn.

Doanh nghiệp đã liên hệ và tìm gặp các tiệm lắp đặt bạt che tại Sài Gòn để mua lại bạt cũ hoặc bạt vụn. Đôi khi công việc “giải cứu” bạt khỏi thùng rác này được hiểu theo nghĩa đen, vậy nên các chuyến đi thu gom bạt này thường được gọi đùa là các chuyến “mót bạt”.

Phần lớn chất liệu bạt được sử dụng là mái hiên quán xá cũ, nào “vịt lộn”, hủ tíu, ốc giác, có trên mình những vết sờn xước, bạc màu. Đơn vị chọn không can thiệp vào màu sắc, bề mặt chất liệu của bạt. Những xù xì thô ráp, những sắc độ không đồng đều của tấm bạt được giữ nguyên với mục đích tạo câu chuyện và “chiều sâu” cho nguyên liệu.

Công đoạn xử lý và tái chế từng tấm bạt sẽ tùy theo tình trạng “te tua” của tấm bạt, nếu quá bẩn sẽ được ngâm nước qua đêm để rã bớt bụi lâu năm sau đó được đưa vào máy chà để vệ sinh và cuối cùng là tẩy rửa lại. Bạt thu về được tẩy rửa sạch bằng các vật liệu an toàn cho môi trường và sức khoẻ con người như baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng. Với những miếng bạt dính sơn, vết xước không thể tẩy rửa thì nhà sản xuất để nguyên, chỉ xử lý để vật liệu đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người sử dụng.

"Đôi khi những dấu vết này lại là sự độc đáo và khác biệt mà nhiều người tiêu dùng thích", chị nói và cho biết,  khó khăn nhất là ở khâu xử lý nguyên liệu còn kỹ thuật may thì cũng tương tự như kỹ thuật may chất liệu thường.

Cho những tấm bạt cũ một cuộc đời mới phải chăng chỉ có thể làm với những tấm bạt chất lượng từ khá tới tốt còn đối với những miếng bạt không đủ tiêu chuẩn thì không thể “cứu chữa”? Giải đáp cho câu hỏi này, chị Kiều Anh cho biết, nhà sản xuất cố gắng hạn chế nhất có thể việc bạt thừa bỏ đi, những tấm bạt không đủ mềm thì thương hiệu sử dụng để may thành những vật dụng nhỏ như móc khoá. Đồng thời, ngay từ khâu đầu tiên khi đi thu gom bạt, cô chủ trẻ đã phải thẩm định và đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định mua.

“Tôi ước tôi có thể tái chế được hết tất cả những tấm bạt nhưng tôi biết tính chất sản phẩm của mình và nếu muốn người tiêu dùng rút hầu bao cho sản phẩm của mình thì mình cũng buộc phải chọn lựa những sản phẩm phù hợp và chất lượng”, nữ doanh nhân bộc bạch.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, trung bình đơn vị tái chế từ 250-300 kg bạt cũ/tháng. Lượng bạt này sẽ cho ra đời hơn 2000 sản phẩm lớn nhỏ. Nhiều người nghĩ, với thời tiết nắng mưa quanh năm cùng nhu cầu sử dụng bạt lớn sẽ mang đến thuận lợi về nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế không phải vậy, dù lượng bạt cũ dồi dào nhưng do loại rác này chưa được phân loại nên việc thu gom bạt cũ là thách thức lớn. 

Để duy trì nguồn nguyên liệu ổn định, đơn vị phải mở rộng nguồn cung, “làm thân” với những chủ thu gom bạt để hợp tác lâu năm. Dù vậy, do Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu có ý tưởng tương tự như Dòng Dòng Sài Gòn nên doanh nghiệp cũng có phần thuận lợi là không phải “tranh giành” nguồn nguyên liệu đầu vào với những nhà sản xuất khác.

Về nhận định, nhờ lồng yếu tố bảo vệ môi trường vào sản phẩm nên thương hiệu của công ty có thêm lợi thế thị trường, chị Kiều Anh chia sẻ, lúc mới bắt tay vào việc tái chế bạt cũ, bản thân chỉ nghĩ là sẽ rất hay và nhiều người sẽ thích khi biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm hữu dụng. Đến khi làm thì mới thấy, đó là điểm cộng cho sản phẩm vì nhiều người ủng hộ ý tưởng mua đồ tái chế để bảo vệ môi trường. Thế nhưng, từ chuyện thích đến hành động móc hầu bao mua sản phẩm lại là chuyện khác, khiến doanh nghiệp phải tìm rất nhiều cách để thuyết phục khách hàng.

Vì vậy, khi định vị thương hiệu, doanh nghiệp thời trang này chọn cách đánh mạnh vào yếu tố độc bản và chức năng của sản phẩm. 

Dù thừa nhận, với mức giá khá cao, từ 150.000 đồng cho một chiếc ví nhỏ, móc khóa; từ 890.000 đồng cho chiếc ba lô chống sốc hay từ 1.000.000 đồng cho loại ba lô cao cấp hơn, sản phẩm tái chế khó cạnh tranh về giá nhưng trong chương trình Doanh nhân chính truyện - Signature Voice, người “thuyền trưởng” của Dòng Dòng chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn Online:

“Cái túi của mình gợi được cuộc trò chuyện về thương hiệu Việt tự mình lớn lên không vốn đầu tư, không nhiều người biết đến mà sao dám bán mức giá khó cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài như vậy”.

Cô cho rằng, việc thẩm định giá của một sản phẩm thời trang phụ thuộc nhiều ở người mua Khách nhìn thấy giá trị của sản phẩm đó nằm ở đâu, trả tiền vì điều gì. Doanh nghiệp định vị phân khúc khách hàng là những người trẻ, có cá tính và quan tâm đến sự độc đáo, khác biệt. Do đó, một chiếc túi làm từ bạt cũ không chỉ tạo được một câu chuyện hấp dẫn mà còn có tính độc bản bởi mỗi vết xước, vết sơn là duy nhất và khó có thể tìm thấy cái thứ hai như vậy. Thị trường dành cho sản phẩm xanh có lớn hơn so với nhiều năm trước khi cô khởi nghiệp nhưng hiện tại so với các nước cùng khu vực thì vẫn tương đối nhỏ.

“Tôi luôn có cảm giác mình vừa cố gắng tìm chỗ đứng của mình trong thị trường mà mình vừa nuôi nó lớn lên bằng những thông điệp nho nhỏ mỗi ngày mà doanh nghiệp đăng tải trên các kênh truyền thông. Những thông điệp đó cho nhiều người hiểu rằng, việc xài túi tái chế nó rất là thú vị và đẹp, thậm chí là bền và có chất lượng cao chứ không phải xài đồ cũ, đồ từng bỏ đi là đồ dỏm”, Kiều Anh nói.

Sản phẩm của thương hiệu này không chỉ phục vụ tệp khách hàng trẻ trong nước mà còn phục vụ nhóm khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam. Đặc biệt, những chiếc túi từ bạt cũ còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Canada, Thụy Sĩ, Singapore. 

Những chiếc túi của Dòng Dòng khi nhắm đến tệp khách hàng là khách du lịch quốc tế và thị thường nước ngoài sẽ mang câu chuyện văn hoá của Việt Nam. “Chúng tôi cố gắng đem vào sản phẩm những hình ảnh “Việt Nam” nhất có thể như 12 con giáp thể hiện Tết Nguyên Đán của Việt Nam chẳng hạn, chính những câu chuyện nhẹ nhàng nhỏ nhỏ như vậy khiến họ cảm nhận được nét văn hóa bản địa”.

Nói về những ấp ủ cho tương lai, chị Kiều Anh bộc bạch “Đối với công ty tự thân vận động như mình rất dễ bị dao động bởi những cơ hội của thị trường, mình đâu có biết là hành động nào làm cho công ty nước ngoài họ nhìn tới mình nữa, chỉ mong trong những năm tới sản phẩm của Dòng Dòng sẽ xuất hiện ở những nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản…".

Chia sẻ về những khó khăn khi điều hành công ty, doanh nhân này cho rằng, làm việc trong ngành tái chế đem đến nhiều khó khăn, chủ yếu ở quy trình sản xuất khi phải cân bằng giữa việc xử lý tỉ mẩn, công phu nguyên liệu đầu vào để thiết kế những chiếc túi độc bản với sản lượng cần đạt được để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, những đơn vị làm việc trong lĩnh vực tái chế tương tự như doanh nghiệp này cũng cần có các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ thu gom rác và quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Đến nay, Dòng Dòng đã gần 5 tuổi và câu chuyện “bạt cũ - đời mới” vẫn được tiếp tục viết trên những “trang giấy xanh”, hướng tới thời trang bền vững và xu thế hạn chế dấu chân carbon.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây