(KTSG Online) - UBND TPHCM kiến nghị có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá xăng dầu theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường.
- Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu 'sắp chết' vì bất cập chính sách
- Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng
Đây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu trên thị trường được UBND TPHCM gửi lên Bộ Công Thương trong báo cáo tình hình cung ứng xăng dầu vào tuần vừa qua.
Theo UBND TPHCM, thời gian qua có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết xăng dầu; một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng dầu ở một số thời điểm dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ.
Làm việc với 46/48 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố, cho thấy đa số các doanh nghiệp có tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Các đơn vị cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho các cửa hàng, đại lý thuộc hệ thống phân phối, không để xảy ra trình trạng thiếu hụt, ngừng bán hàng.
Tuy nhiên, theo công văn báo cáo nói trên của Phó chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng, vẫn còn một số đơn vị vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Các đơn vị không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu; mua, bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối; không bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Qua trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, chính quyền thành phố nhận thấy có những khó khăn nhất định gây tác động, ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Cụ thể, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng và đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định.
Điều này theo các doanh nghiệp là không phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt, tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ hiện khó để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có xu hướng thu hẹp về sản lượng cung ứng, quy mô kinh doanh và chưa có được các giải pháp tối ưu cho hoạt động kinh doanh dẫn đến sự ảnh hưởng cung ứng xăng dầu để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Để khắc phục, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh thành còn đề xuất điều chỉnh giá trong vòng 24 giờ hoặc chậm nhất là 3 ngày để không ảnh hưởng đến tình hình găm hàng do biến động giá xăng dầu trên thế giới.
Tại công văn nói trên, TPHCM cũng ghi nhận các khoản chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc đầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế và đảm bảo tính đúng, tính đủ giá cơ sở hiện hành.
Nghiên cứu tỷ lệ và cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh linh động, đột xuất khi giá biến động vượt ngưỡng để đảm bảo sức chịu đựng của doanh nghiệp; qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đủ bù đắp chi phí kinh doanh và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thông tin sớm kết quả xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối, các tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu để qua đó kịp thời cảnh báo, tác động và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
Trên địa bàn TPHCM hiện có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối và 1 thương nhân làm tổng đại lý và 29 đại lý bán lẻ.