Thứ Ba, 15/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên và tầm nhìn của vua Quang Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên và tầm nhìn của vua Quang Trung

Trần Ngọc Châu

(TBKTSG Online) - Mùng 5 Tết, ở Thăng Long - Hà Nội, lễ hội tái hiện bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cách đây 231 năm (1789 -2020) đã được tổ chức. Tôi không đến Hà Nội. Tôi quay trở lại Quy Nhơn, quê hương của vị anh hùng áo vải cờ đào.

Là một nhà giáo và nhà báo, mỗi lần đến Quy Nhơn, tôi đều đến thăm bảo tàng Quang Trung, đứng rất lâu trước câu nói của vị anh hùng: “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp” (dựng nước lấy việc học làm đầu, cầu trị lấy người tài làm gấp).

Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên và tầm nhìn của vua Quang Trung
Một lớp học thời xưa. Ảnh: giaoduc.net

Đi trong thành phố quê hương của vua Quang Trung tôi nhìn thấy nhiều khẩu hiệu, nhưng không có mấy những trích dẫn của ông về những quy tắc ứng xử phổ quát của công cuộc phát triển đất nước dựa trên giáo dục.

Khi máy bay gần đáp xuống Quy Nhơn, anh tiếp viên hàng không nói nhầm: “Xin quý vị về chỗ ngồi, gấp bàn ăn, thắt chặt dây an toàn… Chúng ta chuẩn bị đáp xuống sân bay Phú Bài”. Anh lặp đi lại chữ Phú Bài cho đến khi máy bay tiếp đất. Trên máy bay cũng không ai chú ý sự nhầm lẫn từ phi trường “Phù Cát” (Quy Nhơn) thành phi trường Phú Bài (Huế) của anh, cũng không ai tưởng lầm mình đáp nhầm xuống thành phố Huế.

Nhưng với tôi, cả hai địa danh này đều gợi nhớ đến triều đại Tây Sơn. Phú Bài gắn với Phú Xuân - thủ đô đầu tiên của nhà Tây Sơn. Còn Phù Cát thuộc thành Quy Nhơn - triều đình của Thái Đức Nguyễn Nhạc.

Hình như sân bay dã chiến Phù Cát của Quy Nhơn đã bị quên lãng quá lâu. Mới đây các nhà nghiên cứu Nhật Bản thực hiện một điều tra về ký ức con người và đưa ra kết luận: “Ký ức có thể thay đổi mà ta không hề biết. Có ký ức giả (fake memory). Nguyên nhân sự quên lãng của con người là do ký ức giả. Não bộ thường xuyên trộn lẫn ký ức với thành kiến. Khi ta nhớ lại (hay quên đi), ý thức, kinh nghiệm, định kiến can thiệp làm méo mó ký ức”. 

Như vậy, việc gọi nhầm tên hay quên gọi tên của anh bạn tiếp viên cũng có thể bắt nguồn từ ký ức giả của anh? Tuy vậy, một sân bay bị quên lãng, dù đáng tiếc, cũng không đáng tiếc bằng sự vô ơn của chúng ta với tiền nhân. Mặc cảm là kẻ vô ơn lặp lại trong tôi khi đứng trong nhà bảo tàng Quang Trung và đọc thấy những câu văn nói về mô hình kiến tạo đất nước: “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp".

Trong sách “La Sơn Phu tử”, tác giả Hoàng Xuân Hãn còn ghi rõ ý nhà vua: Huệ nói rằng: "Tôi mà dẹp được giặc Tàu xong thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn không dụng gì, cũng chẳng mua gì của nước Tàu". Nguyễn Thiếp thưa: "Chỉ có thuốc Bắc phải dùng của Tàu mà thôi”.

Trong chiếu “Cầu hiền” vua Quang Trung cũng nhiều lần nhắc nhở việc trọng dụng nhân tài, không phân biệt thành phần giai cấp, thậm chí ông còn nhấn mạnh tới việc mà ngày nay chúng ta gọi là “bảo lưu”những ý kiến bất đồng.

“Trước đây bốn phương nhiều việc phải phòng trị, việc học không được sửa sang, khoa cử bỏ lâu, nhân tài ngày càng thiếu thốn. Trẫm khi vừa mới bình định đã có nhã ý hậu đãi nhà nho, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia. Vậy ban chiếu xuống cho dân các xã nên lập học xã, chọn nho sĩ có học thức, hạnh kiểm làm thầy dạy, giáo dục học trò xã mình. Ban chiếu xuống quan liêu lớn nhỏ và dân chúng… ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép dâng thư bày tỏ công việc. Lời có thể dung được thì đặc cách bổ dụng, lời không dung được thì để đó chớ không bắt tội. Những người có tài nghệ gì có thể dung được cho đời đều được tiến cử, trọng tài bổ dụng".

Quang cảnh một lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa ở Gò Đống Đa (Hà Nội) nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung cùng các tướng sĩ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc. Ảnh: TTXVN

Ngay khi trở thành nhà lãnh đạo đất nước - một nước nhỏ, dân số còn thưa thớt, thanh niên thì hầu hết là lính tráng mới trở về từ chiến tranh, Nguyễn Huệ đã nhận thức rõ tầm quan trọng sống còn của giáo dục và tập trung ưu tiên vào việc phát triển giáo dục, coi đó là nền tảng của tất cả các chương trình phát triển khác. Nhưng ông vẫn thất bại vì nhiều lý do, trong đó chắc chắn phải có việc các quần thần chỉ biết hưởng lạc sau chiến tranh, không hết mình chăm lo thực hiện chỉ dụ của nhà vua: khai mở giáo dục, sử dụng nhân tài.

Năm 1971, nhà nghiên cứu Alexandre Woodside trong tác phẩm “Việt Nam và mô hình Trung Hoa” (Vietnam and the Chinese model) đã cho rằng: “Lịch sử hiện đại Việt Nam đã mở ra từ cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn”. Và như trên đã nói, không có giáo dục, không có lịch sử. Vua Quang Trung đã thấy rõ điểm yếu của vương triều, đó là giáo dục và trí thức.

Trong luận án tiến sĩ “Nhà Tây Sơn” (mà một phần được trích in thành sách và dịch ra Việt ngữ dưới tựa “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn”, DTBooks phối hợp với NXB Tổng hợp thành TPHCM, 2018), tác giả George Dutton đã cho thấy vua Quang Trung có hẳn một chiến lược thu hút và trọng dụng “các bậc trí thức Đàng Ngoài", tức miền Bắc.

“Cuối cùng, vua Quang Trung trọng các học giả miền Bắc vì sự hiểu biết của họ về những khó khăn của nhân dân miền Bắc, một vùng rộng lớn mà Quang Trung không hiểu gì vì ông vốn xuất thân từ miền Trung. Chính vì vậy ông đã chịu ảnh hưởng và thường xuyên tham khảo ý kiến, sự hiểu biết của các trí thức miền Bắc” (sđd, trang 111, bản tiếng Anh).

Tác giả viết: “Tuyệt đối, các nhà trí thức miền Bắc theo về với Tây Sơn, dù chủ động hay thụ động, cũng rất quan trọng với nhà vua, vì đã cho ông niềm tin và sự hỗ trợ đắc lực trong hành động cũng như tư tưởng để cai trị vùng đất mới".

Đặc biệt vua Quang Trung đã lắng nghe ý kiến của Ngô Thì Nhậm trong việc xây dựng nhiều dự án giáo dục như phục hồi các khoa thi tuyển dân sự, đến kế hoạch xây dựng hệ thống trường học của nhà nước, và đặc biệt dự án dịch các sách của Khổng Tử ra tiếng Nôm. Vua Quang Trung đã cho thấy một tầm nhìn chiến lược về giáo dục khi thu phục và sử dụng giới trí thức miền Bắc. Phần lớn họ theo về với ông vì tin vào mục tiêu xây dựng một nền giáo dục đặc thù Việt Nam, thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhiều người vẫn cho rằng nhà Tây Sơn vốn xuất thân từ nông dân sao lại chọn giáo dục làm nền tảng kiến tạo quốc gia? Hoặc chỉ chọn một cách chiếu lệ theo tham mưu của các quân sư nho sĩ.

Thật ra cả ba anh em Tây Sơn đều có nền tảng giáo dục “văn võ song toàn”. Theo sách “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn - Quách Giao (Alpha Books, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015) thì cả ba anh em đều theo học thầy Trương Văn Hiến - một nhà nho uyên thâm, bất mãn với sự thối nát lộng quyền của Trương Thúc Loan, trốn vào Quy Nhơn dạy học.

Thầy Hiến dạy cả văn lẫn võ. Ai có đơn xin học văn thì phải học thêm võ và ngược lại vì “bởi có văn không võ thì nhu nhược, có võ không văn thì thường hay cường bạo. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững” (Quách Tấn-Quách Giao, Nhà Tây Sơn, NXB Văn hóa Văn nghệ 2015, ebook trang 17). Thầy giáo Trương Văn Hiến đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Đạo đức của ông cũng sáng ngời sử sách khi nhiều lần từ chối chức quan cao mà Nguyễn Nhạc đề nghị tưởng thưởng cho ông.

Tuy nhiên, như lịch sử cho thấy, nhà Tây Sơn đã thất bại trong các mục tiêu đầy tham vọng. Mặc dù không đánh giá cao sự thành công của Quang Trung, tác giả George Dutton cũng không bỏ qua ngoại lệ của các chính sách giáo dục của nhà vua.

“Ngoại lệ duy nhất có thể là các kế hoạch khá rõ ràng sau năm 1789 và thậm chí đó là kết quả dựa vào ảnh hưởng của tầng lớp trí thức Đàng Ngoài” (tr.116 George Dutton, The Tay Son Uprising - Society and Rebellion in 18th century in Vietnam, NXB University of Hawaii Press, 2006, Honolulu USA).

Hơn nữa, như bây giờ chúng ta thường nói: "trên bảo dưới không nghe” hay “trên nóng, dưới lạnh”, ngay cả các anh em của ông cũng không chia sẻ đầy đủ các ý tưởng về “giáo dục trước tiên” của ông.

“Trong khi Quang Trung bận rộn với lịch làm việc dày đặc với các trí thức ở miền Bắc thì các anh em của ông ở Quy Nhơn không thích thú lắm với các cuốn sách kinh điển của Khổng Tử” (sđd, tr.117, bản tiếng Anh). Tuy vậy, phải chăng nhờ “lấy giáo dục làm trọng” mà ngay sau khi củng cố vương triều, nhà Tây Sơn đã ra chỉ dụ (do Nguyễn Nhạc ban hành năm 1779) cho phép “tự do tín ngưỡng”, chủ yếu nhắm vào đạo Thiên Chúa.

Một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha được vua Quang Trung mời làm thầy thuốc và dạy cách chữa bệnh cho dân, chính quyền đã cho 30 lính bảo vệ và trao rất nhiều nén bạc nhưng vị giáo sĩ đã từ chối. Nguyễn Nhạc cũng cho mời “ít nhất 2 giáo sĩ người Tây Ban Nha làm thầy dạy toán và thiên văn tại triều đình của ông ở Quy Nhơn vào năm 1780” (sđd, tr.182).

Dẫn chứng này cho thấy anh em nhà Tây Sơn, từ thời đó, đã có tư tưởng cởi mở với văn minh phương Tây và những nhà truyền giáo, sẵn sàng chấp nhận ánh sáng giáo dục từ phương Tây để xây dựng và củng cố sức mạnh chính trị của triều đại.

Lịch sử phát triển của thế giới cũng chứng minh: chiến thắng một cuộc chiến tranh hay lật đổ một triều đại vô cùng khó khăn, tốn hao xương máu nhân dân, nhưng sau đó, xây dựng một chính quyền, một đất nước còn khó khăn gấp vạn lần.

Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ mà cho đến bây giờ các nhà khoa học lịch sử vẫn còn chưa khám phá hết những bí quyết chiến thắng, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục nghiên cứu những bài học thất bại trong thời gian “kiến quốc” của ông.

Một trong những bài học lớn chính là làm sao thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động, giữa lời hứa với dân và hành động vì dân?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới