(KTSG Online) - Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quí đầu năm nay tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam nhập siêu khoảng 500 triệu đô la Mỹ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm đạt 11,2 tỉ đô la, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 5,4 tỉ đô la.
Các mặt hàng chính của Việt Nam xuất sang Nhật Bản gồm phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu của Nhật Bản đạt gần 5,8 tỉ đô la, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021 với các nhóm hàng nhập khẩu chính như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu…
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản – thực phẩm nước ngoài, bao gồm cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê…
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường này. Trong năm qua, các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt như cà phê tăng 25,5%; hàng rau quả tăng 20%; hạt điều tăng 39%; hạt tiêu tăng 56%... Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng ngày càng phổ biến trên thị trường như thanh long, xoài, dừa, vải...
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hàng nông thủy sản – thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt. Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo các nhà xuất khẩu, vấn đề các đối tác Nhật Bản quan tâm hàng đầu là các yếu tố tác động đến sức khỏe, sau đó là giá cả, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Phía đối tác Nhật Bản thường đến tận nơi kiểm tra quy trình, nhà máy trước khi chính thức đặt quan hệ làm ăn.
Do vậy, hàng nông sản Việt Nam khi lên được kệ hàng Nhật Bản đồng nghĩa với việc mang lại cho doanh nghiệp cơ hội lớn tại thị trường hơn một trăm triệu dân với sức mua, sức tiêu thụ cao. Nông sản Việt Nam sau khi vào được Nhật Bản sẽ còn mang đến cho người nông dân cơ hội rộng mở hơn khi uy tín được khẳng định mở ra cho những thị trường rộng lớn hơn.
Lấy quả vải là một ví dụ. Năm 2020 khi quả vải lần đầu tiên được bán ở chuỗi siêu thị AEON, mặc dù số lượng không nhiều nhưng ngay sau đó trái vải Việt Nam đồng thời cũng đã bay sang châu Âu, Úc, Singapore…
Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải...
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số đặc điểm của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng có hiệu quả và mang tính bền vững. Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP...).
Ngoài vấn đề thuế quan, thị trường Nhật Bản mở hoàn toàn cho nông sản Việt Nam thông qua hệ thống thuế quan FTA mà hai nước cùng tham gia như CPTPP, RCEP. Tuy nhiên, khó nhất là các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao cùng nhiều loại quy định. Những tiêu chuẩn này không chỉ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu mà hàng hóa nông sản nội địa trong Nhật Bản cũng phải tuân thủ.