Chủ Nhật, 2/04/2023, 00:08
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kín phòng khách sạn mùa tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kín phòng khách sạn mùa tết

Du khách nước ngoài học gói bánh tại một khu nghỉ mát ở Mũi Né. Ảnh: Nguyên Vũ

(TBKTSG Online) – Khách sạn và khu nghỉ mát tại các địa điểm du lịch gần TPHCM, đặc biệt là các tuyến du lịch hướng biển như Nha Trang, Mũi Né, đã không còn phòng để bán do nhiều người tranh thủ du xuân cùng gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ tết năm nay.

Ghi nhận không khí tết ở một số điểm du lịch cho thấy, ngoại trừ Đà Lạt vẫn còn phòng để bán, một số khách sạn ở Vũng Tàu bắt đầu nâng giá lên rất cao trước nhu cầu khách du xuân tăng mạnh trong năm nay.

Phan Thiết: “cháy” phòng, giá không biến động

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, trong số hơn 50.000 lượt khách đến các điểm du lịch của Bình Thuận dịp Tết Canh Dần có khoảng 10.000 khách quốc tế nghỉ dưỡng tại khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, trong đó đông nhất là khách Nga, Đức, Thụy Điển, Áo, Úc và Mỹ.

Tính riêng thời điểm từ 30 đến mùng 7 tết (13 đến 20-2), “thủ đô resort” Hàm Tiến đã kín phòng, công suất xấp xỉ 100%. Tình hình không còn phòng dịp Tết cũng xảy ra tại khu du lịch Hàm Thuận Nam và Tiến Thành – Phan Thiết. Mặc dù nhu cầu đặt phòng nghỉ tại Phan Thiết dịp năm mới rất lớn nhưng nhìn chung giá phòng và dịch vụ tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né chỉ tăng khoảng 5%. Theo một số doanh nghiệp, phòng nghỉ dịp tết phần lớn được khách hàng đặt từ đầu năm nên giá ổn định. Mặt khác, do ngành du lịch phối hợp rất tốt với Hiệp hội và các doanh nghiệp chủ động giữ giá cả dịch vụ nên không có biến động trong những ngày tết.

Ông Trần Việt Hà, Giám đốc điều hành khu du lịch Seahorse, cho biết bên cạnh ổn định giá cả và đảm bảo chất lượng dịch vụ, khu du lịch còn tổ chức cho du khách quốc tế nhiều hoạt động đón tết cổ truyền Việt Nam như chương trình nghệ thuật đón giao thừa, lì xì chúc phúc du khách, phục vụ thực đơn món ăn tết của người Việt… Tương tự, tại các khu du lịch lớn như Phú Hải, Romana, Sea Lion, L’Anmien, Tiến Đạt, Sài Gòn – Mũi Né, Hoàng Ngọc, Pandanus… đều tổ chức chuỗi sự kiện dành cho du khách vừa vui tết vừa tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận, hầu hết các cơ sở lưu trú ở Phan Thiết đều tổ chức các chương trình đón tết cổ truyền cho khách du lịch. Khách nghỉ dưỡng tại thành phố biển có thể chọn lựa những tour du xuân rất độc đáo như tham quan và mua sắm tại chợ đêm Phan Thiết, thưởng thức nghệ thuật Lân-Sư-Rồng, các chương trình nghệ thuật dân gian mừng xuân; tour đón giao thừa, xem bắn pháo hoa và viếng chùa đầu năm mới; thưởng thức tiệc buffet món ăn Tết Việt, tham gia các trò chơi dân gian và xem các lễ hội truyền thống dịp đầu năm của người dân Phan Thiết.

Ngoài các khu du lịch cao cấp, các khu du lịch cộng đồng như Hòn Rơm – Mũi Né, Tiến Thành – Hàm Thuận Nam đã được đặt hết chỗ cho các ngày mùng 2, 4 và 8 tết.

Nha Trang: khách sạn đầy khách

Góc phố Nha Trang ngày cuối năm. Ảnh: Khuê Việt Trường

Cho đến nay, tất cả các khách sạn lớn nhỏ ở Nha Trang đều đầy khách đặt phòng trước, từ chối nhận khách từ mùng 2 cho đến mùng 7 tết. Ngay cả các khu du lịch cao cấp như Vinperal Land, Hòn Tằm Resort Eco Green, Ana Mandara cũng đã được khách giữ phòng từ trước tết cả tháng.

Giá cả của các khách sạn từ 3 sao trở lên không có gì thay đổi. Tuy nhiên, các khách sạn nhỏ tăng giá từ 50% đến 100%. Cụ thể giá phòng trung bình từ 350.000-800.000 đồng/người/đêm, tùy theo vị trí và chất lượng phục vụ.

Hiện các khách sạn, nhà hàng và các khu vui chơi ở Nha Trang đã trang hoàng nơi kinh doanh để chuẩn bị đón khách du lịch. Đường Trần Phú được trang hoàng lộng lẫy với những tiểu cảnh hoa, phố đi bộ nằm đối diện Quảng trường 2-4 đến đường Hùng Vương dài 200 mét cũng đã đưa vào hoạt động với các dịch vụ ẩm thực và mua sắm.

Bên cạnh đó, “con đường ánh sáng” từ khách sạn Nha Trang Lodge đến khách sạn Hải Yến ban đêm rực rỡ đèn màu, ấm áp không khí xuân. Khách sạn Yasaka Sài Gòn – Nha Trang tổ chức Lễ nấu 1.000 chiếc bánh tét, trong đó có chiếc bánh tét kỷ lục dài 35 mét và 999 chiếc bánh tét con hướng tới ngàn năm Thăng Long sẽ diễn ra chiều mùng 2 tết.

Ngoài ra, các điểm vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ mới cũng đã sẵn sàng phục vụ du khách. Khu du lịch Hòn Tằm đưa ra tour du lịch “Bay cao cùng với Hòn Tằm” với giá trọn gói là 500.000 đồng cho tour ngày, 750.000 đồng cho tour đêm. Trong đó, du khách được tham dự các trò chơi trên biển, thăm khu nhà cổ Việt, dự buổi tiệc xuân và bay cùng chiếc khinh khí cầu duy nhất ở Việt Nam lên độ cao 150 mét để ngắm toàn bộ vịnh Nha Trang.

Tại Vinpearl Land, khách đi cáp treo qua thăm đảo, tham gia các trò chơi cảm giác mạnh, thăm công viên nước, thủy cung và tham gia những trò chơi dân gian ngày tết cũng như bước chân vào khu ẩm thực Việt.

Khu du lịch Yang Bay cũng thiết kế một chương trình vui chơi hoàn toàn mới là câu cá sấu. Riêng công ty du lịch Long Phú đưa ra các tour đi đảo khỉ, suối Hao Lan, hoặc khu du lịch Nha Trang xưa tổ chức tết xưa cho du khách trong không gian làng quê thuần túy.

Vũng Tàu: đến hẹn… tăng giá

Biển Vũng Tàu ngày cuối năm. Ảnh: Thùy Vân

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đến ngày 10-2 (27 tết), nhiều khách sạn từ 3-4 sao tại Vũng Tàu như Grand, DIC Star, Cap Saint Jacques, Sammy, Medicoast… khách đã đặt khoảng 80-90% công suất phòng trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 5 tết. Riêng khách sạn Mỹ Lệ vẫn còn khoảng 40% số phòng (hơn 30 phòng) để phục vụ khách lẻ trong những ngày tết. Trong ngày mùng 1 và 2 tết, Vũng Tàu Intourco Resort cũng còn gần 40 phòng, các ngày khác đã hết.

Nhìn chung, khối khách sạn đã được xếp “sao” này có giá phòng khá ổn định, như mức công bố (từ 800.000 đồng/phòng trở lên). Trong khi đó, từ mùng 2 đến mùng 6 tết tại các khách sạn mini, nhà nghỉ tư nhân ở các tuyến đường gần khu vực Bãi Sau như Hoàng Hoa Thám, Thùy Vân, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trị, La Văn Cầu, Phó Đức Chính… lượng phòng vẫn khá dồi dào nhưng giá được hét rất cao, gấp 2-3 lần so với bảng giá niêm yết. Trung bình mỗi phòng 2 người có giá từ 700.000-800.000 đồng (mùng 2 và 3 tết); từ mùng 4 đến mùng 6 được nâng lên 1-1,2 triệu đồng/phòng. Thậm chí có khách sạn còn hét tới 1,7 triệu đồng/phòng.

Đà Lạt: đón du khách tránh nóng

Du khách đang thong thả dạo phố Đà Lạt với chiếc xe đạp đôi. Ảnh: Nhất Hùng

Ngày 10-2, giới kinh doanh du lịch cho biết hiện nhiều khách sạn ở khu vực trung tâm Đà Lạt đã kín phòng trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó phần do các hãng lữ hành ở TPHCM và Hà Nội đăng ký từ nhiều tháng trước. Nhưng nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở các tuyến đường đường như Bùi Thị Xuân, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hà Huy Tập, Phan Đình Phùng… vẫn còn trống rất nhiều phòng nên đang hồi họp chờ du khách.

Một số “cò du lịch” đầu cơ phòng khách sạn để nâng giá trong dịp tết, nhưng vì không tìm được khách nên đã trả phòng khiến nhiều chủ khách sạn gặp khó.

Bà Lê Thị Hồng, chủ một khách sạn trên đường Hà Huy Tập lo lắng lượng du khách đến Đà Lạt năm nay sẽ ít hơn mọi năm vì hồ Xuân Hương mới tháo nước để tu sửa, nâng cấp nên Đà Lạt không còn sang trọng và đẹp như năm trước. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch lữ hành dự đoán dịp tết năm nay do thời tiết các tỉnh khu vực Nam bộ và miền Trung oi bức nên du khách từ khắp nơi sẽ đổ dồn về Đà Lạt để tránh nóng. Do vậy nên nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã đầu tư mua sắm một số trang thiết bị để đón du khách trong và ngoài nước.

Hiện Đà Lạt có trên 700 khách sạn, nhà nghỉ có thể đáp ứng nhu cầu cho trên 20.000 người/ngày với mức giá trong dịp tết này chỉ tăng khoảng 30-50% so ngày thường (khoảng 150.000-200.000 đồng/người /ngày).

Ghi nhận của Nguyên Vũ, Việt Trường, Thùy Vân và Nhất Hùng  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới