Kinh Đô bắt tay Saigon Vewong tham gia thị trường mì ăn liền
Lê Hoàng
![]() |
Kinh Đô chuẩn bị có sản phẩm mì gói. Trong ảnh là sản xuất bánh kẹo tại nhà máy của Kinh Đô -Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
(TBKTSG Online) - Nhà sản xuất bánh kẹo Kinh Đô mới đây đã tiết lộ kế hoạch hợp tác với Saigon Vewong để tham gia thị trường mì ăn liền vào quí 3 năm nay, sau một thời gian dài đề cập đến kế hoạch này.
>>> Kinh Đô gác bất động sản, tập trung vào thực phẩm
Vewong là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, được biết đến nhiều với thương hiệu A One.
Thông qua Sài Gòn Vewong, Kinh Đô sẽ mở rộng mặt hàng mì ăn liền và nước chấm hợp tác theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturer – sản xuất theo thiết bị gốc – thuê gia công) để sản xuất sản phẩm của Kinh Đô.
Theo kế hoạch, Saigon Vewong sẽ là đơn vị sản xuất mì gói, cháo, phở ăn liền cho Kinh Đô. Ngược lại, Kinh Đô sẽ giúp Saigon Vewong phân phối các sản phẩm gia vị, bột nêm. Dự kiến Kinh Đô sẽ tung các sản phẩm mì ăn liền, cháo, phở ăn liền ra thị trường trong quí 3-2014.
Đây là ngành thiết yếu được đánh giá có nhiềm tiềm năng và tốc độ phát triển rất tốt. Kinh Đô hợp tác toàn diện với Saigon Vewong - đối tác có bề dày thâm niên và chuyên môn, công nghệ về mì gói - nhằm tận dụng chuyên môn về sản xuất của đối tác, theo một nguồn tin từ Kinh Đô trao đổi với TBKTSG Online ngày hôm nay, 17-6.
Trước đây trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô, cho rằng là người đi sau, Kinh Đô sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ở phân khúc sản phẩm phổ thông đang rất nóng mà sẽ đi vào phân khúc hẹp hơn nhưng cao cấp hơn. Công ty cũng tăng cường củng cố hệ thống phân phối gồm 300 nhà phân phối và khoảng 200.000 điểm bán lẻ.
Hiện nay, thị trường mì gói Việt Nam có giá trị ước tính khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/năm, nên dù đi sau Kinh Đô tin rằng vẫn còn nhiều không gian để phát triển.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, Việt Nam được xếp vị trí thứ tư (sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản) về tiêu thụ mì gói. Sức tiêu thụ mì gói ở thị trường nội địa đã tăng mạnh, từ khoảng 4,3 tỉ gói mì vào năm 2009 lên 5,1 tỉ gói năm 2012.
Hiện nay, thị trường mì ăn liền trong nước có nhiều thương hiệu nhưng chủ yếu nằm trong tay ba doanh nghiệp lớn nhất là Acecook, Masan và Asia Food (Gấu Đỏ). Nhảy vào thị trường trong lúc cạnh tranh rất gay gắt, Kinh Đô chắc chắn cần phải đầu tư rất nhiều để nâng cao nhận diện thương hiệu và phát triển sản phẩm.
Bên cạnh tham gia ngành hàng mì ăn liền – gia vị, tham vọng của Kinh Đô là lấn sân vào thị trường dầu ăn và cà phê thông qua việc hợp tác mua cổ phần hai đơn vị trong nước. Do kế hoạch này còn trong quá trình thương thảo nên hiện nay Kinh Đô cũng chưa tiết lộ hai đối tác sắp tới trong lĩnh vực này.
Ngành dầu ăn ở thị trường trong nước cũng được đánh giá có mức tăng trưởng từ 15-20%/năm.
Sau đợt chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược mới đây, Kinh Đô có trong tay hơn 4.000 tỉ đồng tiền mặt. Bên cạnh việc hợp tác với Saigon Ve Wong trong lĩnh vực mì ăn liền, theo nhận định của công ty chứng khoán HSC, nhiều khả năng Kinh Đô sẽ mua cổ phần của một công ty dầu ăn.
Dù đang dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo, Kinh Đô nhận định ngành hàng này hiện không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu mới thành lập công ty. Ông Nguyên cho biết Kinh Đô đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược “thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor)”. Chiến lược này nhằm mục đích mở rộng chuỗi sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của mọi người để gia tăng sự hiện diện của các sản phẩm Kinh Đô trong đời sống người dân.