(KTSG Online) - Mới đây, một quán cơm ở Khánh Hoà bị cơ quan quản lý phạt 1,5 triệu đồng vì hành vi không niêm yết giá bán hàng. Nguyên cớ dẫn đến là trước đó có một đoàn khách 10 người lớn, 5 trẻ nhỏ vào quán cơm này gọi ăn trưa với các món tôm rim thịt, gà kho, canh cá, trứng rán, rau bình thường, nhưng khi thanh toán hóa đơn là 2.630.000 đồng(1).
- Du lịch ASEAN – Không thể hồi phục bằng “chặt chém”, “sang chảnh”
- ‘Văn hóa cơ hội’ giết chết cơ hội phát triển
Ở một góc độ nào đó, có thể do quán cơm có suy nghĩ rằng đây là khách đoàn du lịch, họ đến ăn có một lần nên có cơ hội thì cứ “chặt chém". Tuy nhiên, chủ quán đã quên mất là trong bối cảnh công nghệ phát triển, nhiều người quyết định đưa sự “bực tức" ấy lên Facebook. Chỉ cần một thời gian ngắn, thông tin ấy tràn ngập trên không gian mạng với những bình luận tiêu cực.
Sau khi thông tin được lan truyền, hình ảnh hoá đơn được cơ quan chức năng tiếp nhận và tiến hành kiểm tra. Quán bị phạt và báo chí đưa tin nên mức độ lan truyền đã nhiều lại còn rộng hơn nữa.
Số tiền nhờ "hét giá" tính ra không nhiều nhưng xét ở khía cạnh kinh doanh thì đây là một hành vi có thể khiến quán cơm này “đóng cửa" vì sự tẩy chay của khách hàng trong tương lai. Thực tế, một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở Hà Nội. Cụ thể, ngày 11-7-2023, UBND phường Phương Mai, quận Đống Đa đã yêu cầu đóng cửa quán cơm trên địa bàn. Yêu cầu này được đưa ra sau khi chính quyền xác minh thông tin quán bị khách tố "chặt chém" với giá 160.000 đồng cho một suất cơm bình dân, cao hơn khoảng 3-4 lần mặt bằng chung(2).
Thực ra, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước, tình huống những nhà hàng bị thực khách tố “chặt chém" đều trở thành "chất liệu" cho báo chí. Người viết tìm cụm từ “chặt chém giá với du khách” trên google.com, màn hình hiện khá nhiều tin tức liên quan.
Trong tháng 7-2024 có ít nhất hai vụ việc “chặt chém” giá được báo chí đưa tin. Đầu tiên là ngày 17-7, tờ dailymail.co.uk có một bài viết phản ánh một nhà hàng trên đảo du lịch Mykonos, Hy Lạp(3) đã "chặt chém" du khách khi tính tiền 3 cái chân cua “gầy gò" với giá 121 euro, tương đương 3,3 triệu đồng. Tiếp theo là ngày 29-7, the sun.us đã làm đậm câu chuyện khách hàng “tố” một chuỗi cửa hàng bán gà rán tại Mỹ đã tính tiền với giá cao hơn bình thường(4).
Chuyện đáng nói ở đây là trên mặt báo không chỉ có chuyện "chặt chém" giá cao của nhà hàng mà cả những vấn đề “xấu" của chủ nhà hàng được phơi bày ra cho công chúng. Điều này được thể hiện trong câu chuyện mà tờ dailymail và the sun đăng tải nói trên.
Đây có thể xem là một dạng khủng hoảng truyền thông không lường trước mà “hậu quả" là chủ nhà hàng có thể bị thiệt hại cả về tài chính lẫn thương hiệu.
Trong kinh doanh, dù đó là sản phẩm, dịch vụ nào thì các doanh nghiệp thường xây dựng hình ảnh thương hiệu dựa trên sự tin cậy và chất lượng dịch vụ. Việc "chặt chém" khách hàng sẽ làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của quán ăn, nhà hàng. Lợi nhuận thu được từ việc "chặt chém" có thể là ngắn hạn nhưng sẽ gây ra những hậu quả lâu dài. Khách hàng sẽ không quay lại quán ăn và sẽ lan truyền thông tin tiêu cực đến những người khác.
Trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống), một nhà hàng, quán ăn muốn phát triển bền vững cần có một lượng khách hàng trung thành. Việc "chặt chém" sẽ làm mất đi cơ hội xây dựng một cộng đồng khách hàng như vậy.
Về mặt pháp lý, hành vi "chặt chém" vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, cụ thể là quyền được thông tin đầy đủ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài vấn đề tạo dư luận xấu, việc một quán ăn ở những địa điểm du lịch "hét giá" với du khách có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương vì khiến du khách e ngại khi đến đây.
Biết đâu sau thông tin về quán ăn bị tố "chặt chém" lan ra, nhiều du khách truyền miệng nhau như kiểu, đi du lịch tỉnh K. cần tỉnh táo khi đi ăn uống hay du lịch tỉnh K. hấp dẫn nhưng cẩn trọng với "bẫy giá"… rất nhiều tình huống có thể xảy ra mà không ai lường trước được.
Hy vọng, sau những câu chuyện nói trên, trong thời gian tới, tại những địa phương nổi tiếng về du lịch, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, truyền thông, để những chủ nhà hàng, quán ăn cùng nhau xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Khách hàng chấp nhận trả mức giá mà họ cảm thấy phù hợp với chất lượng và dịch vụ đi kèm hơn là có cảm giác bị “ép phải trả một giá cao” một cách vô lý, để sau đó xảy ra những khủng hoảng truyền thông không đáng có.
------------------
(4) https://www.the-sun.com/money/12052651/popeyes-customer-mad-overcharge-food