Thứ bảy, 5/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh chuỗi phòng tập gym đang đi vào thoái trào?

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thời gian vừa qua, một số thương hiệu chuỗi phòng tập gym thông báo tạm ngừng hoạt động. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của  ngành gym đang gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này.

Theo số liệu từ đơn vị phân tích thị trường Vietdata, ngành gym tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 20%. Lĩnh vực này được phân ra thành nhiều phân khúc như phòng tập của các thương hiệu lớn dành cho người có thu nhập cao và phân khúc bình dân. Phần lớn thị phần vẫn đang nằm trong tay các thương hiệu cao cấp.

Dù có mức tăng trưởng bình quân khoảng 20% một năm trong thập kỷ qua nhưng hiện thị trường gym đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo dữ liệu của Vietdata, dù là trung tâm thể dục thể thao có quy mô lớn tại Việt Nam nhưng việc kinh doanh của California Fitness & Yoga thuộc Tập đoàn Fitness & Lifestyle Group (FLG) cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Doanh thu của chuỗi phòng gym này trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, trong năm 2021, chuỗi phòng gym này đạt 931 tỉ đồng giảm hơn 70 tỉ đồng so với năm 2020. Cũng trong giai đoạn này, California Fitness & Yoga cũng phải chịu những khoản lỗ hàng trăm tỉ đồng.

Các thương hiệu thuộc phân khúc trung cấp và bình dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, một số tên tuổi lớn trong phân khúc bị “bốc hơi” trung bình trên 60% doanh thu so với năm 2019. Điển hình như Getfit Gym & Yoga (61,79%), FIT 24 - Fitness And Yoga Center (65,11%), G-Boss Center (78,8%)….

Trong vài năm trở lại đây, các thương hiệu phòng tập gym đều hạn chế đầu tư mở rộng quy mô, thậm chí là ngừng hoạt động. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của ngành gym đang gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này.

Cụ thể vào đầu tháng 10 vừa qua, chuỗi phòng tập gym Fit24 hoạt động tại TPHCM đã bất ngờ thông báo tạm ngừng hoạt động tất cả các chi nhánh vì “những lý do khách quan bất khả kháng”. Trước đó, chuỗi Getfit Gym & Yoga với ba chi nhánh thông báo ngưng hoạt động vì lý gặp khó khăn về tài chính. Sau gần một tháng, hai địa điểm của thương hiệu này đã hoạt động trở lại sau khi cổ đông bơm thêm vốn.

Từ câu chuyện của một số hệ thống phòng tập gym thời gian qua, ông Đình Trường, đại diện Công ty cổ phần Ladysfit Việt Nam, đồng thời là chuyên gia tư vấn nhượng quyền thương hiệu phòng tập gym cho biết, khi phòng tập tạm ngừng hoạt động, công ty sẽ không kết thúc hoạt động ngay lập tức.

Việc đóng cửa có hai kịch bản xảy ra. Thứ nhất, là ban lãnh đạo đang tìm cách để tái cấu trúc để huy động thêm nguồn vốn. Họ sẽ tiếp tục đưa ra một chiến lược kinh doanh mới để đưa hệ thống vận hành trở lại. Trường hợp thứ hai, ban lãnh đạo của công ty không tìm ra hướng để vận hành phòng. Do đó, họ quyết định tìm cách bán hệ thống phòng tập cho một công ty khác.

Dự báo ngành gym phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Ảnh minh họa: serengeti-estates.co

Theo ông Trường, hiện phần lớn các phòng tập mở ra và đóng cửa rất nhanh. Điều này có thể nhìn thấy trong các hội nhóm chuyên thanh lý máy tập gym, hàng ngày có thể thấy rất nhiều phòng tập được thanh lý, phá sản. Thời gian vừa qua cũng có nhiều thương hiệu phòng tập gym biến mất trên thị trường.

Nói về khó khăn, một số chủ phòng tập gym tại TPHCM cho biết thời gian qua, nhiều phòng tập ở phân khúc tầm trung và cao cấp phải tung ra khuyến mãi từ 60-70% chi phí để duy trì hoạt động. Nguyên nhân chính là không có khách đến tập. Điều này dẫn đến việc thu không đủ bù chi hoặc tỷ lệ lợi nhuận, chi phí quá thấp. Bởi để mở cơ sở tập gym, vốn đầu tư ban đầu khá lớn (có thể lên đến hàng tỉ đồng), chưa kể chi phí cố định hàng tháng như tiền mặt bằng, tiền bảo trì máy móc, nhân viên… cũng hàng trăm triệu đồng.

Trước thắc mắc tại sao những hệ thống rất lớn lại đột ngột tuyên bố tạm dừng đóng cửa, ông Trường cho biết hiện có nhiều thương hiệu mới ra đời, khách hàng có thêm sự lựa chọn nên cạnh tranh rất cao. Nguồn thu dần bị thu hẹp, chi phí vận hành ngày càng tăng cao, dẫn đến áp lực lớn về tài chính cho ban lãnh đạo. Vì vậy, từ năm 2025 trở đi có thể xuất hiện những hệ thống phòng tập tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, đối với những hệ thống phòng tập có chi phí vận hành lớn; thuê mặt bằng với giá cao; bộ máy nhân sự cồng kềnh, dịch vụ không có gì khác biệt so với các công ty cung cấp dịch vụ ở bên ngoài thì sẽ có nguy cơ đóng cửa.

Để tiếp tục tồn tại và phát triển ngành gym vào năm 2025, ông Trường cho rằng chủ doanh nghiệp cần tạo ra mô hình kinh doanh khác biệt. Cụ thể là tập trung vào một thị trường nhỏ, ngách để giải quyết nhu cầu của khách hàng. Chủ doanh nghiệp cũng phải làm cho mô hình hoạt động tinh gọn hơn. Vận hành doanh nghiệp với chi phí thấp nhưng mang hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó là yếu tố tầm nhìn, chủ cần xác định tầm nhìn từ 5 đến 10 năm, công ty sẽ hoạt động như thế nào. Bởi khi xác định rõ tầm nhìn và sứ mệnh, chủ doanh nghiệp sẽ có chiến lược phù hợp và vận hành theo hướng đã vạch ra trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới