(KTSG Online) – Sự xuất hiện sân khấu âm nhạc có ca sĩ quốc tế từ đây đến cuối năm đã kích cầu làn sóng tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, mua sắm ở các thành phố. Giờ đây, chuyện đi du lịch của du khách muốn gặp “thần tượng” trong đêm nhạc không còn mới lạ mà ngày càng phổ biến. Các nhà tổ chức đã kỳ vọng vào tương lai du lịch âm nhạc, khi Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng của nhiều nghệ sĩ quốc tế.
- Charlie Puth và dàn sao Việt hội tụ tại đại nhạc hội 8Wonder
- Tổng cục Du lịch khuyến cáo doanh nghiệp cân nhắc làm tour đi Ai Cập
Loạt dịch vụ “ăn theo” sự kiện âm nhạc
Từ đầu tháng 7 đến nay, sau khi có thông tin nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink sẽ có hai đêm lưu diễn ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, lượng khách đặt phòng ở khu vực lân cận điểm diễn tăng lên vượt bậc. Theo thống kê của nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, lượt tìm kiếm nơi lưu trú tại thủ đô trong tháng 7 có xu hướng tăng hơn 10 lần so với cùng thời điểm các tháng trước. Khảo sát từ Google Trends trong gần một tháng qua, cụm từ “nhóm nhạc BlackPink” được người từ tỉnh phía Bắc quan tâm tìm kiếm nhiều, cao nhất trong tuần này.
Theo đó, ghi nhận khác từ những cửa hàng thời trang cho giới trẻ ở TPHCM và Hà Nội, một vài chủ tiệm tiết lộ doanh số đã tăng 200% khi họ bắt kịp xu hướng trang phục của người hâm mộ. Chị Trần Thị Bình, chủ cửa hàng, mở đợt hàng mới nhân sự kiện đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc từ đầu tháng, kéo dài cao điểm đến giữa tháng rồi kết thúc kho hàng bằng những ngày giảm giá cuối cùng. Theo chủ tiệm, lúc này đội kinh doanh chỉ cần đăng bài gắn từ khóa đêm diễn ở Mỹ Đình, có liên quan đến BlackPink thì lượt tương tác trên các sàn thương mại điện tử tăng lên so với ngày thường 60-70%, chưa kể khi bán hàng qua livestream, tỉ lệ chốt đơn hàng cao khoảng 80% trong hai giờ đồng hồ.
“Kinh doanh thời trang phải theo thời thế nhanh nhất có thể, đánh vào tâm lý bạn trẻ đi xem thần tượng ai cũng muốn mặc thật xinh, hợp với phong cách của nhóm nhạc nên chúng tôi cũng nương theo. Tháng này phải gọi là doanh thu đậm của ngành hàng thời trang phân khúc tầm trung, từ 100.000 - 300.000 đồng/món”, chị nhấn mạnh.
Không chỉ ngành hàng thời trang như giày dép, phụ kiện, trên trang Google Flights, vé máy bay, giá vé di chuyển đến Hà Nội cũng đang ở mức cao nhất từ đầu tháng đến nay, như chiều di chuyển từ TPHCM - Hà Nội có giá thấp nhất từ 2,5 triệu đồng.
Trước đêm diễn vào cuối tháng 7 này của ngôi sao Hàn Quốc, trước đó tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, người hâm mộ cũng đã có sự kiện âm nhạc quy tụ nhiều ca sĩ trẻ ở Việt Nam và sự xuất hiện của ca sĩ người Mỹ Charlie Puth. Đêm nhạc đã góp phần thu hút khách du lịch khắp nơi đổ về và kích cầu mua sắm, tiêu dùng ở địa phương.
Được biết, sự kiện đã đem đến cho Nha Trang gần 8.000 người. Vé tham dự đại nhạc hội ở Nha Trang đã bán hết trong vòng 24 giờ, lượng đặt phòng vào cuối tuần rồi tăng lên gấp 6 lần so với ngày thường.
Riêng trong hai tháng 6,7, Khánh Hòa đã đón lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là vào dịp cuối tuần. Tổng lượt khách đến Khánh Hòa tham quan và lưu trú trong tháng 6 là 4,3 triệu lượt khách và tháng 7 lượng khách là 4,8 triệu lượt. Doanh thu du lịch hai tháng nói trên lần lượt là 5.401 tỷ đồng và 5.793 tỷ đồng.
Thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa cho thấy công suất buồng phòng tháng 5 chỉ khoảng 41% thì tháng 6 và tháng 7 lần lượt hơn 83% và 87%. Riêng các khách sạn 4-5 sao công suất buồng phòng hơn 92%.
Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, ông Jurgen Peter Dorr - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinpearl, đơn vị tổ chức đại nhạc hội ở Nha Trang: “Ngay sau 8Wonder, chúng tôi cùng đối tác tư vấn âm nhạc hàng đầu thế giới sẽ ngay lập tức có chuyến công tác khảo sát điểm đến tiếp theo của VinWonders cho mùa 8Wonder thứ hai. Chúng tôi tin tưởng rằng trong những năm tới đây, 8Wonder và WonderFest sẽ tiếp tục mang đến những bất ngờ tại các điểm dừng chân tiếp theo, hướng đến mục tiêu xây dựng điểm đến tầm cỡ thế giới và nâng tầm cho du lịch quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Phát triển thành xu hướng lâu dài
Là một trong gần 67.000 khán giả sẽ có mặt trong đêm nhạc tới đây ở sân vận động Mỹ Đình, chị Tô Ngọc Mỹ cùng bạn đã dành toàn bộ số tiền dự kiến đi du lịch Phú Quốc trong mùa hè năm nay chuyển hướng đi Hà Nội vì là “fan ruột” của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc này.
Chị cho biết đây là quyết định chuyển hướng tức thời ngay khi có tin chính thức Việt Nam lần đầu tiên đón nhóm nhạc nữ bốn thành viên. Chị tiết lộ mình đã từng chi khoảng 15 triệu đồng một người cho chi phí ăn ở, đi lại, máy bay, mua sắm cộng thêm giá vé xem nhạc tại Thái Lan vào tháng 1 vừa qua để tận mắt gặp thần tượng. “Tôi nghĩ điều thôi thúc tôi đặt chân đến Thái du lịch đầu tiên chính là vì Idol của mình nên ngay khi biết tin nhóm nhạc sẽ trình diễn ở Việt Nam, tôi không ngại chi thêm ra Hà Nội để gặp lại ca sĩ mình yêu thích”, chị nói.
Tuy vậy, để tạo ra những sự kiện có quy mô, sức chứa lớn từ ảnh hưởng của nghệ sĩ quốc tế, các đơn vị tổ chức đêm nhạc cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Minh, Giám đốc công ty Kịch Bản Việt, đơn vị từng sản xuất nhiều chương trình gameshow, truyền hình, cho biết tổ chức được các đêm diễn có yếu tố quốc tế, địa phương đó không chỉ quảng bá hình ảnh để thu hút du lịch mà còn trực tiếp đón nhận lượng khán giả từ vùng miền trong nước đổ về, cùng đó là người hâm mộ từ các nước lân cận bay sang.
Thế nhưng, lực hút đó cũng chỉ mang tính thời điểm. Lý tưởng nhất, chúng ta phải hình thành được một thói quen, một phản xạ tự nhiên trong đầu khán giả muốn xem các show diễn “đình đám” phải đến thành phố nào đó chẳng hạn. Để làm được điều này một trong các thành phố lớn như TPHCM phải trở thành trung tâm của các show diễn mang tính định kì, có tần suất dày hơn, nhiều loại hình nghệ thuật hơn.
Về tiềm năng phát triển xu hướng này tại TPHCM, đại diện công ty Kịch Bản Việt quan niệm du lịch theo âm nhạc không có nghĩa là thu hút khán giả đến xem âm nhạc rồi ra về. Ý nghĩa của nó là giữ chân khán giả ở lại tham quan, khám phá thành phố, các vùng kết nối xung quanh.
“Tuy nhiên, chúng ta thử nhìn lại xem, có show ca nhạc nào đã từng gợi ý cho khán giả thêm một bản đồ du lịch? Có show ca nhạc nào mời các công ty lữ hành cùng ngồi lại để họ hỗ trợ phát hành vé hoặc đưa khách đến xem show. Có thể có, nhưng tính đồng bộ và phổ biến chưa cao. Chúng ta thử so sánh với show Paris By Night tổ chức ở Thái Lan, xem họ đã phối hợp với du lịch để xem show như thế nào. Tiềm năng là có nhưng với TPHCM thì có thể tiềm năng này thật sự chưa được khai phá, đánh thức một cách mạnh mẽ”, ông nói.
Nhìn nhận khách quan, cái khó lớn nhất ở TPHCM là địa điểm thực hiện. Ông Nguyễn Minh cho rằng tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp trong thời đại công nghệ cao cần một nhà hát đủ rộng, đủ tính năng, đủ độ linh hoạt… cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Khi đó, tính định kì mới đảm bảo, còn ngược lại, khi tổ chức ngoài trời hoặc ở các địa điểm “tận dụng” (như sân vận động) thì chỉ có thể mang tính thời điểm vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố (trong đó thời tiết). Chưa kể, khi tổ chức ngoài trời, chi phí tổ chức cao và sự cảm thụ nghệ thuật của khán giả ít nhiều bị tác động, khó có thể trọn vẹn cảm xúc.
Nhạc sĩ Thái Ca cũng bày tỏ quan điểm sức hút của buổi biểu diễn có nghệ sĩ quốc tế thường lớn với rất nhiều người hâm mộ trong nước nên cũng cần đặt ra các yếu tố du lịch có thể khai thác từ chương trình âm nhạc này.
Ông đưa ra ý kiến tại sao không có một gói dịch vụ được chào bán theo kiểu vé máy bay, phòng khách sạn, vé xem chương trình. Nghĩa là nếu có được một gói sản phẩm này thì tất cả các bên bao gồm vận tải, lưu trú, tổ chức sự kiện đều được hưởng lợi cùng lúc và hưởng lợi tổng thể, tránh bị phân mảng. Người mua tất nhiên cũng đỡ phải mất công thực hiện nhiều việc và có thể mua được giá tốt hơn, ông nói thêm.