Chủ Nhật, 11/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh dữ liệu: cơ hội ‘vàng số’ và ranh giới tuân thủ

ThS. Trần Quốc Thái - LS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên chiến lược trong nền kinh tế số, Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng hợp pháp hóa và thương mại hóa dữ liệu. Nhưng song hành với quyền kinh doanh là câu hỏi hóc búa: đâu là ranh giới giữa khai thác “vàng số” và bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân?

Pháp luật giúp “định hình” thị trường dữ liệu

Trong thời đại kinh tế số, dữ liệu không còn là phụ phẩm kỹ thuật, hay một thứ vô tri, mà đã trở thành tài sản chiến lược, được ví như “vàng số”. Khả năng thu thập, xử lý và khai thác dữ liệu đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh với sự tăng trưởng, đổi mới và kết quả mới mẻ chưa từng thấy. Tuy nhiên, song hành với quyền kinh doanh thì những vấn đề pháp lý mới và phức tạp cũng nảy sinh: dữ liệu có thể bị lạm dụng, quyền riêng tư bị xâm phạm, và ranh giới giữa lợi ích kinh tế và đạo đức sử dụng dữ liệu trở nên mong manh.

Nhiều quốc gia đã đi trước trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm điều tiết thị trường dữ liệu một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả, có thể kể đến như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Mẫu số chung giữa các quốc gia này là sự công nhận vai trò kinh tế của dữ liệu đi cùng hệ thống pháp lý bảo vệ người dùng ở nhiều cấp độ khác nhau.

Việt Nam không đứng ngoài xu hướng đó, Luật Dữ liệu 2024 ra đời đã chính thức ghi nhận quyền kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu tại các điều từ 39-43. Ba mô hình kinh doanh dữ liệu được phép gồm:

Trung gian dữ liệu là loại hình sản phẩm, dịch vụ giúp kết nối giữa chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu và bên sử dụng, thông qua các thỏa thuận thương mại. Mục đích là để đảm bảo dữ liệu được chia sẻ, truy cập và sử dụng hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tất cả bên liên quan.

Phân tích, tổng hợp dữ liệu là quá trình xử lý dữ liệu thô thành thông tin chuyên sâu theo yêu cầu của bên sử dụng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này sẽ thực hiện phân tích, tổng hợp dữ liệu ở nhiều cấp độ để hỗ trợ ra quyết định hoặc tối ưu hoạt động kinh doanh.

Sàn dữ liệu là nền tảng phục vụ nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giao dịch dữ liệu. Đây không chỉ là nơi cung cấp tài nguyên dữ liệu mà còn thúc đẩy trao đổi, phát triển kinh tế - xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Doanh nghiệp không thể xem dữ liệu là “mỏ vàng” không rào chắn. Mỗi hành vi xử lý, lưu trữ hay chuyển giao dữ liệu cần được cân nhắc kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý.

Đồng thời, Luật Dữ liệu 2024 cũng quy định rõ về chủ thể được phép kinh doanh, tùy thuộc vào từng loại hình cụ thể. Trong đó, mô hình trung gian dữ liệu có phạm vi rộng nhất, cho phép bất kỳ tổ chức nào có đăng ký hoạt động được kinh doanh; mô hình phân tích - tổng hợp dữ liệu cũng không giới hạn chủ thể tham gia, nhưng nếu sản phẩm hoặc dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội hay sức khỏe cộng đồng, tổ chức phải thực hiện đăng ký hoạt động; riêng mô hình sàn dữ liệu lại có điều kiện khắt khe hơn khi chỉ doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập mới được phép tham gia.

Đặc biệt, Luật Dữ liệu 2024 cũng lần đầu tiên thừa nhận “quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu là quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Thuật ngữ “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu” không được định nghĩa một cách rõ ràng trong phạm vi Luật Dữ liệu 2024. Bên cạnh đó, các vấn đề về cấp phép và thủ tục hành chính phải tuân thủ trong thực hiện hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu vẫn chưa được quy định rõ. Về cùng vấn đề, Bộ Công an hiện đang xây dựng dự thảo nghị định về hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ dữ liệu (dự thảo). Một số vấn đề pháp lý đang được nêu tại dự thảo này bao gồm:

Thứ nhất, định nghĩa về “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu”, theo đó… “là sản phẩm, dịch vụ được tạo thành từ dữ liệu hoặc sử dụng dữ liệu là nguồn tài nguyên chính để phát triển, ứng dụng, giao dịch”.

Thứ hai, dự thảo đang quy định, hướng dẫn rõ điều kiện cấp phép kinh doanh, trong đó có những điểm đặc biệt đáng lưu ý:

Các tổ chức trung gian dữ liệu - đóng vai trò kết nối giữa chủ thể dữ liệu và người sử dụng - sẽ chỉ được cấp phép khi đáp ứng các điều kiện về tài chính (ký quỹ từ 5 tỉ đồng), nhân sự, công nghệ và bảo mật. Họ cũng phải tuân thủ quy trình rõ ràng về xác thực điện tử, kiểm soát truy cập, bảo vệ dữ liệu cá nhân và gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Công an.

Đối với những doanh nghiệp xử lý dữ liệu nhạy cảm hoặc có kết nối với cơ sở dữ liệu nhà nước, yêu cầu sẽ khắt khe hơn, bao gồm chứng minh phương án bảo mật, an toàn và hiệu quả. Các tổ chức trung gian cũng phải chịu trách nhiệm thông báo sự cố, bảo vệ quyền riêng tư và kiểm soát hoạt động thu thập, sử dụng dữ liệu.

Với dịch vụ phân tích - tổng hợp dữ liệu, dự thảo phân chia hoạt động thành bốn cấp độ, từ thủ công đến tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) không cần giám sát. Các dịch vụ cấp độ 3 và 4, hoặc xử lý dữ liệu cá nhân quy mô lớn, đều bắt buộc phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Những doanh nghiệp phát triển sản phẩm AI tạo sinh, ứng dụng vào sản xuất công nghiệp hoặc sử dụng dữ liệu nhạy cảm cũng có thể được cấp phép ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao. Điều kiện cấp phép bao gồm năng lực nhân sự, cơ sở vật chất, nguồn dữ liệu minh bạch và không gây rủi ro đến an ninh quốc gia hay trật tự xã hội.

Riêng với sàn giao dịch dữ liệu - nơi chào bán, môi giới và định giá dữ liệu, phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ về tài chính (ký quỹ từ 5 tỉ đồng), nhân lực, bảo mật và vận hành liên tục 24/7. Sản phẩm giao dịch trên sàn phải được xác thực nguồn gốc, công bố giá rõ ràng và đảm bảo không xâm phạm quyền riêng tư hay vi phạm an toàn thông tin. Đơn vị vận hành sàn còn phải ban hành quy chế cụ thể, giám sát toàn bộ giao dịch, xử lý tranh chấp và định kỳ báo cáo cho cơ quan quản lý.

Kinh doanh dữ liệu có xung đột với bảo vệ quyền riêng tư hay không?

Trong thời đại số, dữ liệu cá nhân không chỉ là thông tin, đó còn là tài sản có giá trị. Khi hoạt động kinh doanh dữ liệu dần được hợp pháp hóa, câu hỏi lớn đặt ra là: làm sao khai thác thương mại mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư của người dùng? Luật Dữ liệu 2024 đã tạo bước ngoặt khi công nhận quyền đối với dữ liệu là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, thuộc loại “quyền tài sản”. Điều này đặt ra bài toán cân bằng giữa khai thác thương mại và bảo vệ quyền lợi cá nhân. Luật Dữ liệu 2024 cùng dự thảo nghị định nói trên hướng tới xây dựng khung pháp lý cho nền kinh tế dữ liệu. Song song đó, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được xây dựng được kỳ vọng sẽ hoàn thiện “mảnh ghép” còn thiếu để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ quyền cá nhân - yếu tố then chốt trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Doanh nghiệp cần gì để “chơi” với dữ liệu một cách hợp pháp?

Việt Nam đã công nhận dữ liệu là tài sản có thể giao dịch, kinh doanh. Luật Dữ liệu 2024 là nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy thị trường dữ liệu phát triển theo hướng minh bạch và bền vững. Tuy nhiên, cơ hội đi kèm với trách nhiệm. Doanh nghiệp không thể xem dữ liệu là “mỏ vàng” không rào chắn. Mỗi hành vi xử lý, lưu trữ hay chuyển giao dữ liệu cần được cân nhắc kỹ lưỡng dưới góc độ pháp lý.

Với cộng đồng doanh nhân, thông điệp rõ ràng là: hãy đầu tư nghiêm túc vào năng lực quản trị dữ liệu - không chỉ để tuân thủ pháp luật, mà còn để xây dựng niềm tin với khách hàng, đối tác và xã hội trong thời đại mà dữ liệu là thước đo của uy tín và năng lực cạnh tranh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới