Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ của Philippines

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại Philippines, các doanh nghiệp siêu nhỏ được hưởng nhiều ưu đãi chẳng hạn được miễn thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh, được tiếp cận các khoản vay với lãi suất hợp lý. Họ cũng được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiếp thị, huấn luyện quản lý sản xuất và kinh doanh. Tất cả những những ưu đãi này được quy định trong Đạo luật doanh nghiệp siêu nhỏ (BMBE) ban hành năm 2002.

Đạo luật doanh nghiệp siêu nhỏ (BMBE) của Philippines miễn thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh cho những doanh nghiệp siêu nhỏ như tiệm bánh nướng, cửa hiệu sách, quầy bán cá... - Ảnh: accountaholicsph.com

Đạo luật BMBE định nghĩa doanh nghiệp siêu nhỏ là bất kỳ thực thể kinh doanh nào tham gia vào sản xuất, chế biến các sản phẩm hoặc hàng hóa, bao gồm chế biến nông sản, buôn bán thương mại và các ngành dịch vụ với tổng tài sản (không bao gồm đất nơi hoạt động kinh doanh diễn ra) không quá 3 triệu peso (1,25 tỉ đồng Việt Nam).

Những doanh nghiệp siêu nhỏ này thường là các tiệm tạp hóa gia đình, tiệm hớt tóc, tiệm giặt là, tiệm bánh nướng, quầy bán đồ ăn, cửa hàng sửa chữa điện thoại, máy tính, cửa hàng văn phòng phẩm, hiệu sách...

Các doanh nghiệp siêu nhỏ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế của đất nước vì chúng đóng vai trò là nơi ươm mầm tài năng kinh doanh của người Philippines một cách hiệu quả. Do đó, Đạo luật BMBE chủ yếu nhằm mục đích tích hợp các doanh nghiệp siêu nhỏ trong khu vực phi chính thức vào xu hướng chủ đạo của nền kinh tế bằng cách hỗ trợ để giúp họ vươn lên trở thành những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp này cũng sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm cũng giúp cải thiện cuộc sống cho người dân. Theo dữ liệu năm 2020, Philippines có tổng cộng gần 1 triệu doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó, hơn 85% là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo Đạo luật BMBE, các doanh nghiệp siêu nhỏ phải đăng ký giấy phép kinh doanh để được hưởng các ưu đãi và thủ tục cấp giấy phép hoàn toàn miễn phí. Giấy phép kinh doanh sẽ được cấp trong vòng 15 ngày. Nếu trong thời hạn đó, giấy phép vẫn chưa được cấp thì họ được mặc định đã đăng ký thành công. Giấy phép kinh doanh có thời hạn 2 năm và sau đó, cần phải gia hạn.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ có giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ được miễn thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Luật cũng khuyến khích các chính quyền địa phương miễn hoặc giảm các loại thuế phí đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp siêu nhỏ được phép trả lương cho nhân viên thấp hơn mức lương tối thiểu bắt buộc của quốc gia. Tuy nhiên, họ phải cung cấp các phúc lợi y tế và bảo hiểm xã hội cho các nhân viên chính thức.

Đạo luật BMBE yêu cầu các tổ chức tài chính như Ngân hàng Đất đai Philippines (LBP), Ngân hàng phát triển Philippines (DBP), Công ty tài chính và bảo lãnh cho vay doanh nghiệp nhỏ (SMGFC), Công ty tài chính và tín dụng nhân dân (PCFC) phải thiết lập chương trình tín dụng đặc biệt với lãi suất hợp lý để cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, huấn luyện sản xuất và quản lý cũng như hỗ trợ tiếp thị, Quỹ Phát triển BMBE đã được thành lập với khoản vốn 300 triệu peso (15 triệu đô la). Những tổ chức được yêu cầu tham gia hỗ trợ gồm Bộ Công thương Philippines (DTI), Bộ Khoa học và công nghệ Philippines (DOST), Viện nghiên cứu các ngành kinh doanh quy mô nhỏ thuộc Đại học Philippines, Cơ quan Phát triển hợp tác Philippines, Cơ quan Phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật Philippines (TESDA), Trung tâm nguồn lực công nghệ Philippines (TRC), Chẳng hạn, nếu muốn học các kỹ năng kinh doanh mới, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tham gia các khóa đào tạo nghề trong lĩnh vực kỹ thuật miễn phí của TESDA.

Đạo luật BMBE yêu cầu DTI phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân để tìm các mối liên kết hoặc hợp tác có thể giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa, nhỏ và lớn. Hàng năm, DTI phải báo cáo trước các ủy ban liên quan của lưỡng viện Quốc hội Philippines về sự phát triển và thành tích của các dự án của họ cũng như các chương trình liên quan đến chuyển giao công nghệ, huấn luyện sản xuất, quản lý kinh doanh cũng như hỗ trợ tiếp thị cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ngoài ra chính phủ Philippines, thông qua DTI, đã thành lập các trung tâm hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở tất cả tỉnh thành, thị trấn trên cả nước, có tên gọi là Trung tâm Negosyo. Hiện nay, có hơn 1.000 trung tâm như vậy ở Philippines. Các trung tâm này có nhiệm vụ hỗ trợ đăng ký kinh doanh, tư vấn kinh doanh, cung cấp thông tin kinh doanh và vận động chính sách hỗ trợ cải tiến năng suất, nâng cấp công nghệ, phát triển sản phẩm và thị trường, xúc tiến thương mại, tài trợ và phát triển doanh nghiệp.

Theo DTI Egosyo Center, Rapler

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới