Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thị trường mua bán nợ

Phan Minh Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Để xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ, nhất là nợ xấu, cần một quyết sách toàn diện trên các mặt pháp lý, quy định và tổ chức. Đây là những điểm còn chứa đựng nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng xử lý nợ xấu ở Việt Nam vẫn rất chậm chạp và không hiệu quả - nợ xấu chủ yếu chỉ chuyển loanh quanh giữa ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Nhìn vào kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới, có thể thấy vấn đề cấp thiết nhất với Việt Nam hiện nay trong việc xử lý nợ xấu là cải cách và hoàn thiện khung pháp lý và các quy định có liên quan.

Xây dựng một khung pháp lý mạnh mẽ là thiết yếu cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu. Các quốc gia đã ban hành hoặc sửa đổi luật để tối giản hóa quy trình tịch thu tài sản bảo đảm (thế chấp), tăng tốc thu hồi nợ, cải thiện quyền của người cho vay, đảm bảo đối xử công bằng với người vay; đưa ra các quy định về gán nợ, mua nợ, bán nợ, thành lập và hoạt động của các công ty quản lý nợ (AMC), chứng khoán hóa các khoản nợ xấu... Quy tắc và quy định rõ ràng sẽ tạo ra một môi trường dự đoán được cho các giao dịch nợ xấu và tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Các quốc gia có khuôn khổ pháp luật và quy định xử lý, mua bán nợ xấu hữu hiệu, có thể là một tham khảo tốt cho Việt Nam. Có thể kể đến như Mỹ (với việc ban hành Luật Thực thi pháp lý đòi nợ công bằng (FDCPA) và Luật Báo cáo tín dụng công bằng (FCRA) và các quy định dưới luật tương ứng), Anh (các quy định mua bán nợ xấu ban hành bởi Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) và Luật Tín dụng người tiêu dùng), Úc (khung pháp lý toàn diện cho việc giao dịch nợ chủ yếu được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC)), Trung Quốc (thành lập các công ty quản lý tài sản chuyên môn và phát triển thị trường thứ cấp cho nợ xấu), Nhật Bản (ban hành Luật Tài sản tài chính, gồm chứng khoán hóa nợ xấu), và Ấn Độ (Luật Phá sản và mất khả năng chi trả (IBC) giải quyết vấn đề nợ xấu và đẩy nhanh quá trình giải quyết).

Xét đến trường hợp của Việt Nam. Dù đã có những sửa đổi, cải thiện trong những năm qua nhưng luật lệ và các quy định vẫn chưa giải quyết được hữu hiệu tình trạng mơ hồ trong thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm, quy trình pháp lý kéo dài và sự hạn chế trong quyền của người cho vay cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường.

Quá trình pháp lý dài và sự không chắc chắn xung quanh các thủ tục tịch thu tài sản bảo đảm là một cản trở lớn đến sự phát triển thị trường nợ xấu. Ví dụ, việc tịch thu, xử lý tài sản thế chấp ở Việt Nam có thể mất trung bình 420 ngày - là mức tương đối cao so với các nước có thủ tục tịch thu tài sản hiệu quả hơn, theo báo cáo “Doing Business” của Ngân hàng Thế giới. Quá trình xử lý kéo dài và nhiều bất trắc này dẫn đến làm giảm sự tham gia của nhà đầu tư trên thị trường.

Đáng lưu ý là khung pháp lý hiện tại cũng hạn chế sự tham gia của một số nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, trong việc giao dịch và giải quyết nợ. Ngân hàng Nhà nước đang trình Quốc hội Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bổ sung thêm một chương về xử lý nợ xấu. Tuy vậy, dự thảo luật vẫn tập trung vào các giải pháp để ngân hàng, VAMC tự xử lý nợ xấu, mà chưa có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy trong 10 năm tính đến năm 2022, các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 1,57 triệu tỉ đồng nợ xấu, chủ yếu là bằng hình thức tổ chức tín dụng tự xử lý. Xử lý nợ xấu bằng hình thức bán nợ (bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác) chiếm 26,6%, nhưng chủ yếu vẫn là bán cho VAMC. Việc bán nợ xấu theo giá trị thị trường là không đáng kể do thị trường mua bán nợ xấu gần như không tồn tại.

Một minh họa khác cho nỗ lực bất thành trong việc đẩy mạnh xử lý, mua bán nợ xấu là việc thành lập Sàn Giao dịch nợ VAMC tháng 10-2021. Theo báo cáo, đến nay, lượng nợ xấu giao dịch trên sàn này vẫn khá èo uột. Đến thời điểm hiện tại, sàn mới thực hiện thành công các hợp đồng tư vấn với khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm đạt gần 450 tỉ đồng (lưu ý, chỉ là hợp đồng tư vấn chứ không phải các giao dịch mua bán thành công). Đây là điều đã được cảnh báo trước bởi một số chuyên gia, khi nhìn thấy viễn cảnh “chợ hoang” của nó trong cơ chế hiện tại.

Phát triển một khung pháp lý và quy định về chứng khoán hóa nợ xấu sẽ đẩy nhanh quá trình ngân hàng thoát được nợ xấu và thu hút nhà đầu tư.

Như vậy, có thể nói thị trường mua bán nợ xấu không thể ra đời sau một đêm bằng việc thành lập cái “chợ” mua bán nợ xấu như kiểu sàn trên, nếu như khuôn khổ pháp luật vẫn, ít nhất là, hạn chế, cản trở sự tham gia của những nhà đầu tư và các chủ thể chuyên môn (là tổ chức, cá nhân, trong nước và ngoài nước) có kiến thức và vốn cần thiết để giải quyết nợ hiệu quả. Mở rộng tiêu chí đủ điều kiện cho nhà đầu tư và các chủ thể khác có liên quan và loại bỏ các hạn chế không cần thiết sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh và nâng cao hiệu quả thị trường.

Song song đó, thủ tục tái cơ cấu nợ và phá sản ở Việt Nam vẫn chưa hiệu quả. Các quy trình tái cơ cấu nợ và phá sản hiện tại ở Việt Nam vẫn thường rất chậm và rườm rà. Khung pháp lý cần được cải thiện để tinh gọn và nhanh chóng các thủ tục này, giảm gánh nặng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp đồng thuận. Điều này có thể bao gồm việc giới thiệu cơ chế giải quyết ngoài tòa, tăng cường các đàm phán trước phá sản và đưa ra hướng dẫn rõ ràng về tái cơ cấu và sắp xếp lại nợ.

Cơ chế xử lý tài sản thế chấp cũng là một vấn đề lớn. Hiện tại, quy định, thủ tục, và quy trình thu giữ tài sản vẫn rất tốn thời gian và khó thực hiện, dẫn đến việc chậm trễ hoặc không thể trong việc thu hồi tài sản thế chấp. Cải cách khuôn khổ pháp luật về xử lý nợ xấu cần tập trung vào việc cung cấp cho các chủ nợ các quyền, công cụ và cơ chế hiệu quả hơn để thu giữ và bán tài sản thế chấp, đảm bảo quy trình minh bạch và hiệu quả nhằm khuyến khích việc thu hồi tài sản.

Một bất cập khác trong khuôn khổ pháp lý và quy định hiện hành liên quan đến nợ xấu là nó thiếu các cơ chế để báo cáo chính xác và kịp thời về nợ xấu, cũng như việc chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các tổ chức tín dụng, VAMC và nhà đầu tư. Vì tính minh bạch và chia sẻ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết nợ hiệu quả nên Việt Nam cần củng cố hệ thống thông tin tín dụng, thúc đẩy nền tảng chia sẻ thông tin và thiết lập yêu cầu báo cáo rõ ràng có thể cải thiện quyết định và tạo điều kiện cho các giao dịch nợ.

Ngoài ra, còn phải kể đến các hạn chế về năng lực của các tổ chức như cơ quan quản lý, tòa án và các tổ chức liên quan tham gia vào giải quyết nợ xấu. Nâng cao khả năng tổ chức thông qua đào tạo chuyên sâu, cung cấp tài nguyên và chuyên môn là điều cần thiết để xử lý hiệu quả các vụ giải quyết nợ phức tạp. Điều này bao gồm việc hỗ trợ các cơ quan quản lý và tòa án để nâng cao hiểu biết về các vấn đề giải quyết nợ xấu và cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý và quy định, việc xử lý, mua bán nợ xấu còn bị hạn chế ở Việt Nam bởi chưa có cơ chế chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Đây là chuyện chuyển đổi nợ xấu thành các chứng khoán có thể giao dịch. Quá trình này cho phép ngân hàng chuyển gánh nặng rủi ro liên quan đến nợ xấu cho nhà đầu tư, giải phóng vốn cho việc cho vay mới. Phát triển một khung pháp lý và quy định về chứng khoán hóa nợ xấu sẽ đẩy nhanh quá trình ngân hàng thoát được nợ xấu và thu hút nhà đầu tư.

Kinh nghiệm quốc tế về chứng khoán hóa nợ xấu điển hình có thể tham khảo qua trường hợp của Mỹ (chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp bất động sản (MBS), gồm cả khoản vay khó đòi thành chứng khoán rồi bán cho các nhà đầu tư), Ý (Chương trình GACS giúp các ngân hàng chuyển nhượng các khoản nợ xấu cho các công cụ phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) và phát hành chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản vay này), Tây Ban Nha (Công ty Quản lý tài sản Tây Ban Nha (SAREB) mua lại và quản lý tài sản có vấn đề từ các ngân hàng, chứng khoán hóa các tài sản mua này, bao gồm các khoản nợ xấu, và phát hành các chứng khoán thế chấp), và Ireland (với Cơ quan Quản lý tài sản quốc gia (NAMA), hoạt động tương tự như trường hợp Tây Ban Nha).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới