Thứ ba, 25/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Kinh tế đầu bạc’ và hàm ý cho Việt Nam

Khúc Văn Quý (*) - Bùi Trinh (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Trong bài phỏng vấn có tựa đề Giáo sư Trần Văn Thọ nói về năng lực xã hội và sự tin cậy Việt - Nhật cách đây không lâu, vị giáo sư đã bắt đầu bằng đôi câu thơ nổi tiếng trong bài thơ Xuân nhật yết Chiêu Lăng của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) hơn 700 năm trước: “Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”. Dịch nghĩa: “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong”.

Việt Nam đã ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về dân số người cao tuổi. Ảnh: N.K

Câu thơ nhắc nhở chúng ta về niềm tự hào dân tộc, cùng niềm kính phục đối với những người lính, anh hùng nước Việt. Quan trọng hơn, ông cho rằng những người lãnh đạo hôm nay hãy làm hết sức mình phụng sự quốc gia, dân tộc để sau này khi về hưu có thể tự hào như các vị tiền nhân “kể mãi chuyện Nguyên Phong”.

Từ câu chuyện “người lính già đầu bạc”, tác giả suy ngẫm về câu chuyện “kinh tế đầu bạc” gần đây đã được rất nhiều chuyên gia kinh tế bàn luận. Thuật ngữ nền “kinh tế đầu bạc” thường được sử dụng trong trường hợp “một môi trường mà những người trên 60 tuổi tương tác và phát triển tại nơi làm việc, tham gia vào hoạt động sáng tạo, thúc đẩy thị trường với tư cách là người tiêu dùng và có cuộc sống lành mạnh, năng động, hiệu quả”.

Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam đã ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về dân số người cao tuổi. Cụ thể, số người từ 60 tuổi trở lên đã đạt 11,41 triệu, tăng gần gấp 3 lần so với 40 năm trước và chiếm 11,89% tổng dân số. Xu hướng già hóa dân số nhanh chóng này đã dẫn đến sự bùng nổ của “kinh tế đầu bạc”, với nhu cầu tiêu dùng của người cao tuổi dự kiến sẽ tăng mạnh trong thập niên tới. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường truyền thống như thực phẩm, thiết bị gia dụng và du lịch, mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đa dạng và chuyên biệt hơn để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của nhóm đối tượng này.

Đáng chú ý, mặc dù không phải là lực lượng lao động chính tạo ra thu nhập cho nền kinh tế, các nhóm tuổi từ 0-15 và từ 64 tuổi trở lên lại thể hiện khả năng lan tỏa tiêu dùng đến giá trị tăng thêm tốt hơn so với các nhóm tuổi khác. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các nhóm tuổi này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh cấu trúc dân số đang thay đổi.

Bên cạnh đó, theo báo cáo tại Hội thảo “Thay đổi cấu trúc dân số và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam” do Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tổ chức tại Việt Nam vào ngày 27-12-2024, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Đó là mỗi người thuộc nhóm tuổi phụ thuộc (trẻ em và người già) hiện đang được hỗ trợ bởi hai người trong độ tuổi lao động. Đây là một cơ hội “lợi tức nhân khẩu học” quý giá mà Việt Nam cần tận dụng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình phát triển kinh tế - xã hội bởi cơ hội này sẽ chỉ kéo dài khoảng 14 năm (tính từ năm 2025).

Sử dụng phương pháp phân tích bảng I.O (Input/Output) kết hợp với các yếu tố nhân khẩu học (Bùi Trinh và Cộng sự, 2025), báo cáo do Tổng cục Thống kê chuẩn bị đã mở rộng các quan hệ của bảng cân đối liên ngành chuẩn của Leontief theo mô hình nhân khẩu kinh tế kiểu Miyazawa, với tiêu dùng và thu nhập chia theo các phân tổ về dân số tương ứng. Báo cáo tập trung đánh giá ảnh hưởng lan tỏa lẫn nhau của thu nhập phân tổ theo nhóm tuổi đến tiêu dùng cuối cùng phân tổ theo thành thị - nông thôn, theo giới tính và theo nhóm tuổi, đánh giá thay đổi của tiêu dùng cuối cùng và thu nhập phân theo các yếu tố nhân khẩu học đến các ngành kinh tế.

Cụ thể, phân tích dữ liệu tiêu dùng cuối cùng trong giai đoạn 2016-2022 cho thấy một xu hướng chung là tác động lan tỏa của tiêu dùng đến sản lượng giảm dần, trong khi sự lan tỏa đến giá trị tăng thêm lại gia tăng (hình 1). Điều này có nghĩa là, khi người tiêu dùng chi tiêu, tác động của họ đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngày càng nghiêng về việc đẩy giá cả lên cao hơn là thúc đẩy sản xuất tăng. Đáng chú ý, mặc dù không phải là lực lượng lao động chính tạo ra thu nhập cho nền kinh tế, các nhóm tuổi từ 0-15 và từ 64 tuổi trở lên lại thể hiện khả năng lan tỏa tiêu dùng đến giá trị tăng thêm tốt hơn so với các nhóm tuổi khác. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các nhóm tuổi này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh cấu trúc dân số đang thay đổi.

Điều rất đáng quan tâm là hiện nay nhà nước ta đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với mục tiêu là “Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách để tinh giảm biên chế” (báo Điện tử Chính phủ, 2025), điều này có nghĩa là cầu hàng hóa và dịch vụ trong nhóm đầu bạc sẽ càng tăng lên.

Việc cầu tăng lên, trong khi cung không tăng hoặc giảm đi, có thể sẽ là vấn đề đối với Việt Nam nếu lực lượng doanh nghiệp mới tham gia ít hơn vào sản xuất kinh doanh và/hoặc lực lượng lao động tham gia thay thế cán bộ đầu bạc không giúp tăng năng suất lao động. Trong nhiều năm qua, chúng ta tập trung quản lý cầu thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong khi đó các chính sách trọng cung chưa được đẩy mạnh. Khi thuế, phí, phạt cao sẽ có tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cải cách thể chế mạnh mẽ nhằm tinh gọn bộ máy để giảm chi tiêu công, trong đó, một mặt dành ngân sách cho phát triển, mặt khác giảm áp lực thu thuế, và từ đó giảm áp lực tăng thuế giúp thúc đẩy và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tóm lại, “kinh tế đầu bạc” mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay. Các kết quả từ phân tích I.O gợi mở rằng các chính sách kinh tế cần thúc đẩy cung để tạo ra sự cân bằng cung - cầu trong nền kinh tế trong thời gian tới. Nếu không, áp lực lên nhập khẩu sẽ tạo ra thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam về lâu dài.

(*) Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
(**) Trường Đại học FPT Hà Nội

Tài liệu tham khảo:
- Báo Điện tử Chính phủ. (2025). SẮP XẾP BỘ MÁY: Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách. Chinhphu.Vn. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sap-xep-bo-may-giam-toi-thieu-20-cong-chuc-vien-chuc-huong-luong-tu-ngan-sach-de-tinh-giam-bien-che-119250105184606017.htm
- Bùi Trinh - Nguyễn Việt Phong - Nguyễn Thị Thu Hương - Nguyễn Thị Bích Hồng - Khúc Văn Quý, Đàm Quang Trung. (2025). Quan hệ giữa nhóm tuổi và kinh tế thông qua mô hình nhân khẩu - kinh tế Miyazawa mở rộng. Kinh tế và Dự báo, https://kinhtevadubao.vn/gioi-thieu-tap-chi-kinh-te-va-du-bao-so-02-thang-1-895-30826.html
- TCTK. (2024). Báo cáo tác động của cấu trúc dân số theo khu vực thành thị và nông thôn, giới tính và cấu trúc tuổi đến kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2022. Thay đổi cấu trúc dân số và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=91938

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới