Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Hàn Quốc: ‘Phép màu trên sông Hàn’ đã kết thúc?

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhìn từ bên ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc dường như rất năng động, với những tập đoàn công nghệ tầm cỡ thế giới như Samsung, SK Hynix, LG. Nhưng cỗ máy tăng trưởng dựa vào sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc đang có dấu hiệu rệu rã.

Tăng trưởng của Hàn Quốc đã qua thời kỳ đỉnh cao. Và với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng, GDP của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đứng trước nguy cơ tăng chậm lại rõ rệt, có thể giảm về mức trung bình hàng năm chỉ 0,1% vào thập niên 1940.

Dồn lực cho bán dẫn để duy trì động lực tăng trưởng

Bên ngoài thị trấn Yongin, cách Seoul 40 km về phía nam, một đội máy đào đang chuẩn bị cho điều mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mô tả là một “cuộc chiến bán dẫn” toàn cầu.

Các máy đào này đang múc 40.000 mét khối đất mỗi ngày, xẻ đôi một ngọn núi để đặt nền móng cho một cụm sản xuất chip lớn, nơi SK Hynix đầu tư 91 tỉ đô la Mỹ. Và đây chỉ là một phần của cụm sản xuất bán dẫn lớn hơn ở Yongin với tổng đầu tư 471 tỉ đô la, bao gồm khoản đầu tư 300 nghìn tỉ won (220 tỉ đô la) của Samsung Electronics.

Công trường thi công dự án cụm sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 471 tỉ đô la Mỹ ở Yongin, cách Seoul 40 km về phía nam. Ảnh: Yonhap

Chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ các công ty bán dẫn trong nước, củng cố ngành xuất khẩu hàng đầu của đất nước vì lo ngại sự cạnh tranh giành thị phần của các đối thủ trên khắp châu Á và phương Tây soán ngôi.

Nhưng các nhà kinh tế lo ngại, quyết tâm của chính phủ nhằm hỗ trợ ngành sản xuất công nghệ, cỗ máy tăng trưởng truyền thống của Hàn Quốc cho thấy, Seoul không sẵn sàng hoặc không có khả năng cải cách một mô hình đang có dấu hiệu cạn kiệt động lực.

Hàn Quốc chứng kiến tăng trưởng trung bình 6,4% hàng năm trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2022. Nhưng năm ngoái, Ngân hàng tung ương Hàn Quốc (BoK) cảnh báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm đang trên đà giảm xuống mức trung bình 2,1% trong thập niên 2020, xuống 0,6% trong thập niên 2030 và chỉ còn 0,1% vào thập niên 2040.

Những trụ cột của mô hình tăng trưởng cũ như năng lượng và lao động giá rẻ đang trong tình trạng èo uột. Kepco, công ty độc quyền năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, đang gánh khoản nợ lên tới 150 tỉ đô la. Hàn Quốc là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất trong số 38 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chỉ đứng trên Hy Lạp, Chile, Mexico và Colombia.

Park Sangin, giáo sư kinh tế của Trường trường cao học hành chính công thuộc Đại học quốc gia Seoul lưu ý, điểm yếu của Hàn Quốc trong việc phát triển “các công nghệ cơ bản” mới đang lộ ra khi các đối thủ Trung Quốc thu hẹp khoảng cách đổi mới.

“Nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ cho rằng Hàn Quốc cực kỳ năng động. Nhưng cơ cấu kinh tế của chúng tôi vốn dựa vào nỗ lực bắt kịp các nước phát triển thông qua việc bắt chước công nghệ. Nhưng cơ cấu này đã không thay đổi về cơ bản kể từ thập niên năm 1970”, Park Sangin nói và ghi nhận thế mạnh của đất nước là thương mại hóa các công nghệ như chip và pin lithium-ion, vốn được phát minh ở Mỹ và Nhật Bản.

Những lo lắng về tăng trưởng trong tương lai của Hàn Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra. Theo dự báo của Viện Y tế và xã hội Hàn Quốc, GDP của đất nước vào năm 2050 sẽ thấp hơn 28% so với năm 2022, do dân số trong độ tuổi lao động giảm gần 35%.

Samsung và LG đang xoay sở duy trì mảng sản xuất màn hình trước sự trỗi dậy của các đối thủ Trung Quốc. Ảnh: Pulse News

Khó thoát ra mô hình tăng trưởng cũ, dựa vào các chaebol

Trao đổi với Financial Times đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok nói: “Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với những thách thức lớn nếu chúng tôi cứ bám sát mô hình tăng trưởng cũ”.

Trong khi đó, Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, hiện là nhà nghiên cứu ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định, ngành công nghiệp Hàn Quốc đang gặp khó khăn để thoát khỏi mô hình cũ.

Theo các nhà kinh tế học, một trong những lý do khiến việc cải cách trở nên khó khăn là do mô hình tăng trưởng cũ đã quá thành công.

Những thành tựu của chủ nghĩa tư bản do nhà nước chỉ đạo ở Hàn Quốc đưa nước này từ một xã hội nông nghiệp nghèo khó trở thành một cường quốc công nghệ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ. Điều này được ví von là “phép màu trên sông Hàn”. Năm 2018, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tính theo sức mua tương đương đã vượt qua Nhật Bản.

Seungheon Song, đối tác quản lý của hãng tư vấn McKinsey ở Seoul ghi nhận, Hàn Quốc đã đạt được hai bước nhảy vọt lớn. Đầu tiên, trong giai đoạn từ thập niên 1960 đến 1980, Hàn Quốc đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế sản xuất hàng hóa cơ bản sang nền kinh tế dựa vào hóa dầu và công nghiệp nặng. Tiếp đến, trong giai đoạn từ thập niên 1980 đến thập niên 2020, Hàn Quốc chuyển sang nền sản xuất công nghệ cao.

Tuy nhiên, từ năm 2005 đến năm 2022, chỉ có một lĩnh vực mới là màn hình lọt vào danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của đất nước. Trong khi đó, vị trí dẫn đầu của Hàn Quốc trong một loạt công nghệ quan trọng đã giảm dần. Năm 2012, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới ở 36 trong số 120 công nghệ ưu tiên được chính phủ Hàn Quốc xác định. Đến năm 2020, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 4.

Giáo sư Park Sangin cho biết các tập đoàn hàng đầu của đất nước do các gia tộc kiểm soát (chaebol) đã chuyển từ tư duy tăng trưởng sang tâm thế bằng lòng với sự dẫn đầu.

Với tỷ lệ sinh giảm mạnh, dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc được dự đoán giảm gần 35% vào năm 2050, khiến GDP có thể thấp hơn 28% so với năm 2022. Ảnh: AFP/Getty

Nền kinh tế hai lớp tạo ra sự bất bình đẳng

Giáo sư Park Sangin lập luận rằng, mô hình tăng trưởng hiện tại đã đạt đỉnh cao vào năm 2011. Đây là kết quả sau một thập kỷ mà lĩnh vực xuất khẩu công nghệ của Hàn Quốc được thúc đẩy nhờ cơn bùng nổ công nghệ toàn cầu. Bên cạnh đó là động lực từ các khoản đầu tư lớn của Samsung và LG để giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp màn hình từ các đối thủ Nhật Bản.

Tuy nhiên, kể từ đó, các công ty công nghệ Trung Quốc đã bắt kịp các đối thủ Hàn Quốc ở hầu hết mọi lĩnh vực ngoại trừ bán dẫn tiên tiến nhất. Đồng nghĩa với việc, các công ty Trung Quốc từng là khách hàng hoặc nhà cung cấp của các công ty Hàn Quốc, giờ đây trở thành đối thủ. Samsung và LG đang cạnh tranh để sinh tồn trong ngành công nghiệp màn hình toàn cầu mà họ vẫn còn thống trị vài năm trước.

Giáo sư Park Sangin cho rằng, các chaebol đang tự mãn với vị thế dẫn đầu và điều này đang kìm hãm sự đổi mới trong nước.

Theo ông, nền kinh tế hai lớp của Hàn Quốc, với gần một nửa GDP của đất nước được tạo ra bởi các tập đoàn chỉ sử dụng 6% lao động Hàn Quốc vào năm 2021. Đây được xem là lý do tạo ra sự bất bình đẳng xã hội và giữa các vùng. Tình trạng này càng làm gia tăng sự cạnh tranh trong giới trẻ Hàn Quốc để thi đỗ vào một ít trường đại học ưu tú và nhận được công việc lương cao ở các công ty ở Seoul và khu vực xung quanh.

Sự cạnh tranh đó đang khiến tỷ lệ sinh của Hàn Quốc suy giảm hơn nữa khi giới trẻ phải vật lộn với gánh nặng học tập, tài chính và xã hội. Hàn Quốc có khoảng cách lương theo giới tính lớn nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thành viên của OECD.

Theo Viện Tài chính quốc tế, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất trong nhóm các nước phát triển. Trung bình một cặp vợ chồng mới cưới ở Hàn Quốc có tổng số nợ là 124.000 đô la Mỹ.

Dự kiến đến năm 2070, 46% người Hàn Quốc sẽ trên 65 tuổi. Hiện nay, nước này có tỷ lệ người già nghèo cao nhất trong số các nước phát triển. “Tăng trưởng chậm lại đã khiến tỷ lệ sinh giảm, điều này sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng thậm chí còn chậm hơn. Hàn Quốc có nguy cơ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn”, Seungheon Song của McKinsey nói.

Kỳ vọng vào kỷ nguyên AI

Dự án cụm sản xuất bán dẫn ở Yongin phản ánh niềm tin rằng khoản đầu tư khổng lồ là điều cần thiết để đón đầu cơn bùng nổ nhu cầu đối với phần cứng liên quan đến AI. Trong đó bao gồm cả chip bộ nhớ Dram sử dụng để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. Cổ phiếu của SK Hynix đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua trong bối cảnh các nhà đầu tư phấn khích trước những con chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) được sử dụng kết hợp với chip xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến của Nvidia.

Tuần trước, Samsung đã công bố khoản đầu tư 45 tỉ đô la để xây dựng các cơ sở sản xuất bán dẫn ở bang của Mỹ Texas để đáp ứng nhu cầu chip liên quan đến AI. Trong khi đó, SK Hynix đang xây dựng nhà máy sản xuất chip HBM ở bang Indiana.

Tuy nhiên, về lâu dài, các lãnh đạo trong ngành bán dẫn lo lắng về việc các đối thủ Mỹ tiếp thu bí quyết của Hàn Quốc. Bên cạnh đó là nguy cơ phát triển nhanh chóng của các cụm sản xuất chip trên toàn thế giới sẽ dẫn đến tình trạng dư cung kéo dài và làm suy giảm lợi nhuận của ngành.

Một số ý kiến cho rằng, kỷ nguyên AI sắp tới là cơ hội để Hàn Quốc nâng tầm nhìn vượt ra khỏi lĩnh sản xuất công nghệ. Sunghyun Park, CEO của Công ty khởi nghiệp thiết kế chip AI Rebellions (Hàn Quốc) lưu ý, Hàn Quốc đã có sẵn năng lực ở 3 trong số 4 trụ cột cần thiết cho AI gồm chip logic, chip nhớ và dịch vụ điện toán đám mây. Hiện tại, Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận trụ cột thứ 4 là các thuật toán AI phức tạp nhất thế giới.

Inseong Jeong, cựu kỹ sư của SK Hynix và là tác giả của cuốn sách “Tương lai của các đế chế bán dẫn” cho rằng, bằng cách duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất chip tiên tiến, các công ty Hàn Quốc sẽ có nhiều khả năng hưởng lợi từ những đột phá trong tương lai về AI.

Theo số nhà quan sát, những cảnh báo về tương lai kinh tế của Hàn Quốc bị thổi phồng quá mức. Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang tạo lợi thế cho Hàn Quốc khi các đối thủ Trung Quốc trong lĩnh vực chip, pin và công nghệ sinh học bị hạn chế hoặc cấm thâm nhập vào các thị trường phương Tây đang phát triển. Trong khi đó, lo ngại về an ninh của Đài Loan thúc đẩy nhu cầu đối với các sự lựa chọn chip thay thế ở Hàn Quốc.

Các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực từ quốc phòng, xây dựng đến dược phẩm, xe điện và giải trí đã chứng tỏ sự nhanh nhạy hơn so nhiều đối tác phương Tây trong việc giảm tiếp xúc với thị trường Trung Quốc. Thay vào đó họ tìm kiếm sự tăng trưởng ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latin.

Nhưng Hàn Quốc cần cải thiện nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng. Chi tiêu cho học phí tư tiếp tục tăng khi sự cạnh tranh vào các trường đại học ngày càng khốc liệt, trong khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm. Các cải cách về lương hưu, nhà ở và y tế đã bị đình trệ. Các cuộc vận động lâu dài nhằm hạn chế sự phụ thuộc của đất nước vào các tập đoàn lớn, tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, nâng cao định giá doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách lương giữa các giới và đưa Seoul trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á đều không mấy tiến triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok vẫn giữ niềm tin rằng nền kinh tế đất nước có thể được cải cách, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Sự năng động đã gắn liền với DNA của Hàn Quốc. Chúng tôi cần thiết kế lại các chính sách để giải phóng sự năng động kinh tế đó một lần nữa. Phép màu kinh tế Hàn Quốc vẫn chưa kết thúc”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới