Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế học Phật giáo

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) - Hầu hết các nền kinh tế đã phát triển hiện nay đều hướng tới những mục tiêu như phát triển bền vững, ưu tiên chất lượng cuộc sống của người dân. Chính vì vậy mà việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, hướng đến chất lượng hơn số lượng, đề cao các giá trị trách nhiệm xã hội cũng như bình đẳng có rất nhiều ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế. Triết lý Phật giáo cũng đề cập đến những vấn đề này từ xa xưa và vì thế đã tạo ra một nhánh mới trong kinh tế: kinh tế học Phật giáo.

Một nền kinh tế phát triển hài hòa, chất lượng cuộc sống tốt cũng sẽ là nơi thu hút giới có thu nhập cao đến từ các nước phát triển. Nguồn: lonelyplanet.com

Những nguyên tắc cốt lõi của kinh tế học Phật giáo

Khi kết nối những điểm chung giữa kinh tế học và Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng kinh tế học Phật giáo nhận diện sự khan hiếm của các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Vì lẽ đó, nguyên tắc đầu tiên của kinh tế học Phật giáo là về sự bền vững (sustainability).

Kinh tế học Phật giáo cổ xúy, ủng hộ cho lối sống bảo tồn và hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ và giữ gìn thế giới mà chúng ta đang sống cho các thế hệ tương lai. Cố thiền sư Tuệ Sỹ từng viết trong một bài luận của mình(2): “Các nguồn tài nguyên có vẻ bất tận trong tầm nhìn, nhưng lại khan hiếm trong tầm với”. Điều này có thể hiểu rằng nếu chúng ta khai thác, sử dụng vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên ở hiện tại, vay mượn trước thì sẽ phải trả lại trong tương lai, như quy luật nhân quả.

Nguyên tắc cốt lõi thứ hai trong kinh tế học Phật giáo là sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence). Triết lý Phật giáo cho rằng vạn vật chúng sinh đều có sự liên kết với nhau, và có ảnh hưởng qua lại với nhau. Vì vậy mà kinh tế học Phật giáo cũng thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau thay vì đối đầu và bóc lột. Các chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu được hỗ trợ bởi các nước giàu có, đã phát triển là cũng có lý do của nó. Bởi vì các nước này nhận thức được rằng thế giới này phụ thuộc lẫn nhau, những biến đổi về khí hậu ở Nam bán cầu sẽ có ảnh hưởng đến Bắc bán cầu. Ngay cả hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc mặc dù là đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng trên nhiều vấn đề vẫn phải hợp tác, chia sẻ, và tôn trọng lẫn nhau.

Nguyên tắc đầu tiên của kinh tế học Phật giáo là về sự bền vững (sustainability). Thứ hai là về sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence). Thứ ba là về sự tiết chế (moderation). Đề cao trạng thái hạnh phúc toàn diện (well-being), cả về vật chất lẫn tinh thần, xã hội, và tâm linh, là nguyên tắc cuối cùng.

Kinh tế học Phật giáo đề cập đến nguyên tắc cốt lõi thứ ba là sự tiết chế (moderation), trong tiêu thụ và sản xuất. Phật giáo khuyến khích lối sống giản đơn, giảm phụ thuộc vào vật chất, sự đủ đầy (fulfilling) phải cả về vật chất lẫn tinh thần. Sở dĩ Phật giáo chỉ có thể “khuyến khích” bởi vì đã là con người ắt phải có tiêu thụ, mà theo Đức Phật thì có bốn loại “lương thực”: vật chất, tiếp xúc, tinh thần, và nhận thức. Dưới góc nhìn của kinh tế thì lương thực - vật chất - này chính là những hàng hóa, dịch vụ mà xã hội sản xuất và tiêu thụ.

Có ý kiến cho rằng sự tiết chế sẽ kìm hãm sự phát triển, tăng trưởng của kinh tế nhưng không hẳn vậy. Tiêu dùng ít đi nhưng chuyển từ chất sang lượng thì giá trị gia tăng vẫn được tạo ra. Theo Đức Phật, xã hội có sự tồn tại của các giai tầng xã hội, và nhu cầu của các giai tầng là khác nhau. Ở mức độ phát triển xã hội cao hơn hay ở giai tầng cao hơn thì nhu cầu sẽ dịch chuyển từ vật chất sang phi vật chất, nhu cầu hưởng thụ cao hơn. Ví dụ, cũng là phương tiện đi lại, nhà cửa, đồ dùng nhưng sẽ có những loại đắt tiền hơn, bền hơn, chỉ cần sản xuất và tiêu thụ, sử dụng một số ít. Lúc này, mặc dù sản xuất hay tiêu dùng ít hơn về số lượng nhưng giá trị tạo ra vẫn ngày càng nhiều hơn.

Nguyên tắc cốt lõi cuối cùng của kinh tế học Phật giáo là đề cao trạng thái hạnh phúc toàn diện (well-being), cả về vật chất lẫn tinh thần, xã hội, và tâm linh. Ở đây, sự bình an từ phía bên trong được xem là quan trọng không kém sự bình an đủ đầy về vật chất được sở hữu. Theo Đức Phật, của cải không chỉ là đất đai, vốn liếng, gia súc, tôi tớ, mà còn là con cái, niềm tin, đạo đức, bố thí, và trí tuệ... Đây cũng là điều thấy được ở những quốc gia, những cá nhân khi đã đủ đầy về vật chất thì họ sẽ hướng đến những giá trị về tinh thần, xã hội.

Tuy nhiên, hiểu theo triết lý Phật giáo thì cần có sự đa dạng những thứ của cải này, chứ không phải chờ đủ đầy về mặt vật chất rồi mới hướng đến những cái khác, tức là không phải đợi giàu có rồi mới phát triển về niềm tin, đạo đức, trí tuệ, bố thí. Ngoài ra, giá trị của những của cải phi vật chất cũng được tính và có giá trị quy đổi, ví dụ niềm vui trong bố thí, trí tuệ cũng có thể sánh ngang với niềm vui khi sở hữu một vật chất nào đó.

Các chính sách kinh tế theo hướng kinh tế học Phật giáo

Dựa trên các nguyên tắc cốt lõi ở trên, các chính sách kinh tế nếu mang đặc điểm kinh tế học Phật giáo thì sẽ chủ động xem lại (rethinking) mô hình tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng sẽ ưu tiên chất lượng hơn số lượng, hay nói một cách khác là không tăng trưởng bằng mọi giá, không chạy theo những con số tăng trưởng GDP ấn tượng mà phải đánh đổi nhiều thứ khác. Mô hình tăng trưởng mới cũng sẽ tìm kiếm những động lực mới đảm bảo sự thịnh vượng đi cùng sự bền vững. Vì lẽ đó mà những xu hướng như tăng trưởng xanh, kinh tế số đang là những động lực mới mà nhiều nền kinh tế đang xây dựng và thúc đẩy.

Các chính sách kinh tế theo hướng kinh tế học Phật giáo cũng theo hướng phân phối công bằng hơn, bình đẳng hơn các nguồn lực và các cơ hội. Nhiều chính phủ đang làm tốt các chính sách liên quan đến giảm nghèo, giảm bất công, giảm khoảng cách trong xã hội, đặc biệt là ở Bắc Âu với các chính sách an sinh xã hội rất tốt của mình. Một số nước khác mặc dù còn ở nhóm đang phát triển nhưng vẫn cố gắng thu hẹp khoảng cách xã hội giữa các nhóm dân chúng, nhất là khoảng cách giàu nghèo, dễ thấy nhất là ở những nước có đạo Phật là tôn giáo chính.

Kinh tế học Phật giáo cũng ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong phạm vi địa phương, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Với xu hướng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thì đây cũng là một lý do nhiều nước phát triển dịch chuyển khâu sản xuất về lại sân nhà, mặc dù điều này có thể đẩy chi phí sản xuất tăng lên.

Cuối cùng, các chính sách kinh tế hướng đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) cũng tương đồng với triết lý đạo đức, trách nhiệm trong Phật giáo. Đó là quan tâm đến người lao động, quan tâm đến môi trường, và quan tâm đến cộng đồng xã hội. Việc khuyến khích hay hạn chế thông qua các chính sách là cách mà nhiều chính phủ điều hướng các doanh nghiệp hay nền kinh tế điều chỉnh hành vi của mình, phù hợp với các yêu cầu hay chuẩn mực ESG.

Kinh tế hài hòa có khả thi với các nước đang phát triển?

Với các nước đang phát triển, mục tiêu tăng trưởng để từ đó gia tăng thu nhập bình quân đầu người là điều hết sức được khuyến khích và mong đợi. Đánh đổi lợi ích dài hạn để tăng trưởng nhanh ngắn hạn có lẽ là điều mà không nước nào chọn, nhưng liệu những nước chưa giàu này có thể hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn hướng theo các nguyên tắc cốt lõi của kinh tế học Phật giáo?

Điều này là có thể khi khoảng cách trong xã hội giữa các tầng lớp được thu hẹp nhỏ lại, tầng lớp bị yếu thế còn có thể thấy được cơ hội để vươn lên, và cuộc sống không chỉ là tồn tại cho qua ngày tháng. Thực tế cho thấy có những người, những nơi vẫn có cuộc sống hài hòa, cân bằng mà không cần phải có thật nhiều của cải hay thu nhập cao. Việc sản xuất và tiêu thụ ít hơn nhưng chất lượng và có nhiều giá trị hơn thì vẫn có thể đảm bảo được tăng trưởng cũng như sự hạnh phúc toàn diện.

Ngoài ra, một nền kinh tế phát triển hài hòa, chất lượng cuộc sống tốt cũng sẽ là nơi thu hút giới có thu nhập cao đến từ các nước phát triển, từ đó phát triển kinh tế theo hướng chất lượng thay số lượng. Lấy ví dụ như một số địa phương của Thái Lan hay Campuchia đã và đang được người nước ngoài từ các nước phát triển chọn đến làm nơi... nghỉ hưu. Và mô hình này, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được.

(1) Kinh tế học Phật giáo - Tựa một cuốn sách của GS. Clair Brown, University of California, Berkeley
(2) https://thuvienhoasen.org/a4316/nen-tang-phat-giao-cua-kinh-te-hoc-thuong-toa-thich-tue-sy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới