(KTSG Online) – Bước vào tháng 9, bức tranh kinh tế đã xuất hiện nhiều hơn những mảng màu sáng, khi ba trụ cột tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, hoạt động kích cầu và nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng vốn cho nền kinh tế vẫn là một bài toán khó.
- Xuất khẩu của Việt Nam trên đường phục hồi?
- Dấu hiệu sản xuất phục hồi nhẹ với chỉ số thu mua vượt trên mức cân bằng
- Chuyên gia kinh tế bi quan về năm 2024 do phương Tây chậm giảm lãi suất
Thêm nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế
Câu chuyện vĩ mô cũng đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn khi tháng 8 tiếp đà hồi phục của tháng 7 trước đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect, nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 2,9% so với tháng trước và 2,6% so với cùng kỳ (tháng 7 ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10-2022). Đồng thời chỉ số sản xuất PMI lên mức 50,5 điểm, sau 5 năm nằm dưới ngưỡng 50 (ngưỡng mở rộng sản xuất).
“Nhu cầu bên ngoài phục hồi nhờ áp lực lạm phát tại các nền kinh tế phát triển đã hạ nhiệt đáng kể và các chính sách kích cầu trong nước mới được thực thi, là những yếu tố thúc đẩy sự hồi phục của lĩnh vực công nghiệp”, nhóm phân tích của VNDirect nhận định.
Trong báo cáo vĩ mô gần đây, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital, đánh giá một tín hiệu đáng chú ý khác là tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu của Việt Nam cuối cùng đã “bắt nhịp” với xuất khẩu trong tháng 7 sau khi chậm lại trong nhiều tháng trước đó.
Thực tế nhập khẩu giảm nhanh hơn so với xuất khẩu trong khoảng thời gian đầu năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam giảm 17%, cao hơn so với mức giảm 10% của xuất khẩu. Lý do là vì các doanh nghiệp FDI, vốn chiếm phần lớn giá trị nhập khẩu của Việt Nam, đã cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào do không có nhiều đơn đặt hàng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI dường như đã sẵn sàng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất chuẩn bị cho mùa lễ Giáng sinh. Chuyên gia phân tích của VinaCapital dẫn lại S&P Global, cho thấy lượng hàng tồn kho nguyên liệu đầu vào của các công ty đã tăng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022. Do đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu, mua sắm nguyên liệu đầu vào, dần đẩy mạnh hoạt động sản xuất do kỳ vọng về sự hồi phục đơn đặt hàng xuất khẩu vào cuối năm nay.
“Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quí 4, chủ yếu do chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy và do nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sự phục hồi này nhiều khả năng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam từ dưới 5% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm 2024", ông nói.
Với các doanh nghiệp FDI, dòng tiền đầu tư sản xuất cũng có sự cải thiện rõ rệt trong thời gian qua. Số liệu thống kê cho thấy dòng vốn FDI đăng ký tháng 8 tăng lên 70,6% so với cùng kỳ, còn vốn FDI giải ngân tăng 5,3%. Tính trong 8 tháng, vốn FDI đăng ký và thực hiện lần lượt tăng lên 1,3% và 8,2%.
“Đón đầu nhu cầu phục hồi ở các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch cho các dự án mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI cải thiện đáng kể trong hai tháng trở lại đây”, báo cáo của VNDirect nhận định.
Ở các lĩnh vực khác, câu chuyện du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng trong mùa hè qua, trong khi đó ngành hàng tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi sớm khi nền kinh tế đi vào mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Trong cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mới đây, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI đánh giá góc nhìn chung của các doanh nghiệp là giai đoạn khó khăn nhất đã qua. “Cầu tiêu dùng đã bắt đầu hồi phục dần tuy rằng tốc độ khá chậm”, báo cáo nhận định.
Hướng nguồn vốn chảy vào sản xuất kinh doanh
Việc giải bài toán tồn kho của nước ngoài hiện được nhiều chuyên gia cho là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hồi cuối tuần, PGS.TS Trần Đình Thiên, cho rằng vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là khơi thông thị trường, vì nếu “thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được”.
Với những kỳ vọng mới về hàng tồn kho ở trên, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, nhìn vào nội tại nền kinh tế, câu chuyện tháo gỡ khó khăn không chỉ dừng lại ở phía hàng tồn kho.
Hiện nay, một câu chuyện được bàn đến nhiều là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã giảm mạnh trong thời gian qua. Thống kê mới đây của NHNN cho biết tính đến ngày 29-8, tăng trưởng tín dụng đạt 5,33% so với cuối năm 2022 và tăng 9,87% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng thấp được lý giải là vì nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm mạnh. Trong khi nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, tác động từ thị trường bất động sản, và cả việc triển khai một số chương trình hỗ trợ tín dụng (như gói 120.000 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất) cũng gặp vướng mắc.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng dư địa điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, do đó việc giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng, khả năng hấp thụ vốn sẽ phụ thuộc lớn vào cách nhìn và giải pháp tổng thể của cả hệ thống.
Trong khi bối cảnh này, lãnh đạo NHNN đề xuất bốn nhóm giải pháp “kích cầu” bao gồm nhóm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, nhóm thứ hai là các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); nhóm giải pháp thứ ba là nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhóm thứ tư mới là về tiền tệ.
Trao đổi với KTSG Online, TS. Nguyễn Hưu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học UEH, nhìn nhận hai động lực quan trọng của Việt Nam hiện nay là câu chuyện xuất khẩu và bất động sản. Xuất khẩu được đặt kỳ vọng phục hồi khi Mỹ và thế giới có nhu cầu tăng hàng tồn kho, trong khi đó bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Do đó, trong bối cảnh hiện nay khi lạm phát cũng không phải là áp lực quá lớn, các chính sách sẽ nghiêng về hướng kích cầu nhiều hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng. “Hi vọng từ giờ đến cuối năm xuất khẩu sẽ khả quan hơn, đi kèm theo đó thị tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy nhanh cuối năm, nhưng vẫn sẽ rất khó đạt mục tiêu đạt ra là 14-15%”, ông Huân bình luận. Câu hỏi tiếp theo là sẽ chính sách kích cầu và tháo gỡ khó khăn sẽ ở mức độ nào và liệu có đủ đạt hiệu quả hay không?