Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế khởi sắc vẫn lo khó đạt mục tiêu tăng trưởng

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù kinh tế TPHCM trong quí 2 có nhiều khởi sắc hơn, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% cho cả năm nay của địa phương là rất khó đạt. Nhận định nửa thời gian còn lại của năm, các chuyên gia cho là nhiều thách thức hơn là cơ hội dù kinh tế TPHCM đang từ đáy đi lên.

Doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TPHCM còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa:

Thông tin này được ghi nhận tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 vào chiều 29-6 do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.

Kinh tế TPHCM đã lấy lại đà tăng trưởng

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2023, TPHCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Đáng chú ý từ mức 0,7% của quí đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) trong quí 2 đã tăng lên 5,87%, đưa kinh tế thành phố trong nửa đầu năm nay ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cuộc họp, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), cũng cho rằng trong quí 2, thành phố đã lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể bắt đầu từ tháng 4-2023, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Đến nay, các động lực tăng trưởng này vẫn tiếp tục giữ được đà phục hồi, đồng thời một số động lực khác đã bắt đầu khởi sắc tốt hơn như đầu tư công, tiêu dùng trong nước tăng.

Dù chưa phải mức cao kỳ vọng nhưng kết quả này đã mang lại nhiều triển vọng tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2023.

Đưa ra nhận định tình hình kinh tế thành phố trong 6 tháng cuối năm, Phó viện trưởng HIDS, cho rằng kinh tế thành phố đang song hành giữa cơ hội và thách thức. "Tôi cho là thách thức nhiều hơn cơ hội", ông Phạm Bình An nhận định.

Ông An cho rằng, kinh tế thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, nhất là ở những thị trường xuất khẩu lớn có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 của thành phố.

Bên cạnh đó, có 2 cơ hội lớn: Kinh tế quí 2 bắt đầu phục hồi rõ nét, trong đó dịch vụ và du lịch phục hồi tốt. Ngoài ra, đầu tư công khởi sắc nhiều hơn so với quý I và trở tành động lựcc tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Trên thực tế trong 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại của thành phố âm và cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm này có thể sẽ tiếp tục, thâm chí gặp khó khăn hơn trong thời gian tới do các nền kinh tế lớn trên thế giới đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo chuyên gia kinh tế này, sự khác biệt trong phản ứng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang gây ra biến động tỉ giá giữa các loại tiền tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố chưa có tín hiệu khởi sắc, vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đây cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thành phố.

Còn thị trường bất động sản hiện vẫn tiếp tục ảm đảm, ảnh hưởng đến các ngành có liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng...

Đáng chú ý, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế có phần suy giảm. Thể hiện qua, doanh nghiệp thành lập mới giảm về vốn so với cùng kỳ năm trước. Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm các tiêu dùng không thiết yếu...

Còn theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, thách thức lớn nhất của thành phố là xuất nhập khẩu giảm, thêm vào đó là thu ngân sách thành phố giảm (đặc biệt là ở khối thu nội địa và thu VAT), ảnh hưởng việc bảo đảm thu ngân sách của thành phố 6 tháng cuối năm.

Ông Hoàng nhận định, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, vấn đề của thế giới và thành phố xoay quanh 5 vấn đề. Đó là biến động về lãi suất; biến động về kinh tế Trung Quốc; phi toàn cầu hóa của nền kinh tế; sự can thiệp của Chính phủ đối với các nền kinh tế và chuyển đổi năng lượng xanh.

Có thể lỡ hẹn mục tiêu 1 năm...

Sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Ảnh minh họa: TL

Góp ý tại buổi làm việc, TS. Trần Du Lịch cho rằng, kinh tế của TPHCM còn nhiều khó khăn nhưng đã có nét khởi sắc hơn so với 3 tháng đầu năm. Ngoài việc một số lĩnh vực đã phục hồi, TPHCM còn có thêm niềm vui là Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội ban hành.

"Qua tất cả diễn biến, tôi có thể khẳng định kinh tế của TPHCM đã chạm đáy tăng trưởng và đang từ đáy đi lên", chuyên gia kinh tế Lịch nhận định, và cho rằng: "Việc đi lên nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố". Tuy nhiên, cũng như ông Phạm Bình An, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng nền kinh tế TPHCM còn gặp nhiều thách thức trong thời gian tới nên rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8% trong năm nay.

Phân tích về các chỉ số tăng trưởng của quí 2, TS. Trần Du Lịch điểm lại về việc ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ đã có sự tiến triển lớn so với quý liền kề. Tuy nhiên, ngành xây dựng và ngành bất động sản tiếp tục tăng trưởng âm.

Nói về những khó khăn TPHCM phải đối diện, ông Lịch cho biết, ngoài tác động của thế giới, các doanh nghiệp tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nguồn lực của các doanh nghiệp bị bào mòn. Điểm đáng lo nhất là tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng thấy.

"Thậm chí tín dụng tăng thì các doanh nghiệp cũng khó hấp thụ nổi. Giống như việc một cơ thể đã yếu thì không thể ăn được nữa", ông Trần Du Lịch lo lắng.

Trong khi đó tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đối với một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của thành phố chưa được cải thiện đáng kể dẫn đến vừa chậm giải quyết hàng loạt vấn đề tồn đọng từ nhiều năm, vừa phát sinh trong hiện tại.

Từ những yếu tố đó, ông Trần Du Lịch đánh giá, việc TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8% trong năm nay là rất khó. Bởi lẽ tất cả giải pháp của địa phương hiện tại chưa thể có tác động tích cực ngay tới nền kinh tế, mà sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của năm sau.

"Các giải pháp của chính quyền luôn có độ trễ nhất định đối với nền kinh tế, không có giải pháp nào có thể lập tức mang lại hiệu quả", ông Lịch phân tích, và cho rằng "Sự phục hồi kinh tế của quí 2 xuất phát từ sự vươn lên của các doanh nghiệp, từ tiềm lực kinh tế của thành phố. Ngay cả công tác tháo gỡ điểm nghẽn đối với các dự án bất động sản của TPHCM thời gian qua cũng chưa thể mang lại tác dụng ngay".

TPHCM đặt mục tiêu năm 2022 của TPHCM là phục hồi, năm 2023 là tăng tốc. Nhưng theo ông Lịch có lẽ thành phố sẽ lỡ hẹn một năm. Ông cho rằng mục tiêu hiện tại là tăng tốc trong năm 2024. "Chúng ta chỉ lỡ hẹn một năm chứ đừng lỡ hẹn nhiều năm nữa", TS. Trần Du Lịch nêu.

Giải pháp cho tăng trưởng

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị. Buổi làm việc nhằm nhận diện những khó khăn, thách thức của TPHCM quãng thời gian qua và tìm hướng tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới. Chủ tịch UBND TPHCM cũng dự báo tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2023 chỉ có thể tiệm cận 7%. Ảnh: website Thành ủy TPHCM

Góp ý cho phát triển kinh tế TPHCM thời gian tới, TS Trần Du Lịch cho rằng trọng tâm của địa phương là triển khai Nghị quyết 98. Trong đó, điểm khó nhất là nâng cao năng lực bộ máy ngang tầm nhiệm vụ.

Theo ông Lịch, với doanh nghiệp, thành phố nên tập trung hỗ trợ tín dụng thông qua các định chế tài chính sẵn có. Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính, thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy cần đặc biệt chú trọng.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, ông Lịch cho rằng thành phố cần tăng cường mở rộng thị trường nội địa thông qua kích cầu tiêu dùng, giảm thuế, phí các loại.

HIDS cũng cho cần kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá. Đồng thời liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững.

Đáng chú ý, chuyên gia Lịch cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hơn nữa của thành phố là sớm triển khai Nghị quyết 98, nâng cao năng lực bộ máy ngang tầm nhiệm vụ.

"TPHCM cần tập trung tháo gỡ các dự án, công trình ngưng trệ nhiều năm, đặc biệt các dự án liên quan đất đai. Thành phố cần tạo sức bật cho thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm", chuyên gia Lịch góp ý.

Về lâu dài, TPHCM phải đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch chung thành phố, chậm nhất là trình lên trung ương trong quí 1-2024; xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế; đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; xử lý dứt điểm và đưa vào vận hành dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng; rà soát lại chương trình chuyển đổi số…

Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng của HIDS cũng kiến nghị thành phố nhanh chóng chuẩn bị các nội dung cần thể chế hóa Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp HĐND giữa năm vào tháng 7, kỳ họp HĐND chuyên đề vào tháng 9 và kỳ họp HĐND cuối năm vào tháng 12.

Thành phố cũng cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhanh chóng hoàn thành các dự án trọng điểm của thành phố, giải quyết các vướng mắc của các dự án. Đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu công.

Để phục hồi hoạt động xuất khẩu, HIDS kiến nghị cần tập trung khai thác hiệp định FTA với Israel và các Hiệp định với các đối tác khác (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa mà thành phố có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.

TPHCM cần tập trung tháo gỡ các dự án, công trình ngưng trệ nhiều năm, đặc biệt các dự án liên quan đất đai. Thành phố cần tạo sức bật cho thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì kiến nghị cần tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực (về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, hoàn thuế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất;…)...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới