(KTSG Online) – Nhờ người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hàng năm 3,3% trong quí cuối năm 2023, vượt xa mức dự báo của giới phân tích.
- Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong gần hai năm
- ‘Vũ khí bí mật’ của nền kinh tế Mỹ: nhóm dân số già rủng rỉnh tiền chi tiêu
Bộ Thương mại Mỹ hôm 25-1 cho biết, GDP của nền kinh tế lớn thế giới tăng với tốc độ hàng năm được điều chỉnh theo lạm phát và theo mùa là 3,3% trong quí 4-2023. Tốc độ này chậm hơn so với mức tăng 4,9% trong quí 3, khi người tiêu dùng Mỹ chi mạnh tay cho dịch vụ và hàng hóa, nhưng vượt xa mức 1,5% mà các nhà kinh tế mong đợi, theo ước tính của FactSet. Tổng thể, mức tăng trưởng của Mỹ trong năm 2023 đạt 2,5%. Đây là một kết quả ấn tượng vì hồi đầu năm nhiều tổ chức và chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể suy thoái trong năm 2023 do đà tăng của lạm phát kìm hãm sức chi tiêu trong nước, vốn đóng góp hơn 2/3 GDP của Mỹ.
Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ trong tháng cuối năm 2023 dựa trên nền tảng rộng rãi gồm chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, chi tiêu của chính phủ, xuất khẩu và các điều kiện cải thiện trên thị trường nhà ở.
Chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng ở mức 2,8% trong quí 4, chỉ chậm lại một chút so với mức tăng trưởng 3,1% trong ba tháng trước đó. Trong khi đó, chi tiêu đầu tư kinh doanh tăng lên mức 1,9% từ mức 1,4% của quí 3.
“Nền kinh tế Mỹ có triển vọng tiếp tục hoạt động tốt trong năm nay. Người tiêu dùng đang chi tiêu vừa đủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Scott Hoyt, giám đốc cấp cao của Moody's Analytics, nhận xét trong một báo cáo.
Báo cáo GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã hạ nhiệt phần nào trong những tháng gần đây, nhưng không rõ liệu điều đó có đủ thuyết phục Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất hay không.
Trong bài phát biểu hồi đầu tháng này, Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cảnh báo nếu hoạt động kinh tế trong quí 4 không chững lại như dự kiến, điều đó có thể trì hoãn việc giảm lãi suất. Kỳ vọng của thị trường về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong tháng 3 đã tiêu tan trong những tuần gần đây.
Khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, số liệu GDP mới nhất cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế không ở gần vùng suy thoái. Người Mỹ vẫn mở ví và tâm lý lạc quan của họ đang tăng cao, chủ yếu nhờ lạm phát chậm lại. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang lên các mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây, giúp tài sản của người Mỹ về hưu trong các quỹ hưu trí tăng lên đáng kể.
Theo các nhà kinh tế, tất cả những điều đó đã vẽ nên một bức tranh sống động về bối cảnh kinh tế mạnh mẽ, có thể giúp cải thiện tỷ lệ cử tri ủng hộ cách Tổng thống Joe Biden điều hành nền kinh tế trong các cuộc thăm dò.
Trong chuyến vận động tranh cử ở bang Wisconsin hôm 25-1, Tổng thống Biden đã ca ngợi kết quả tăng trưởng GDP trong quí cuối năm. “Kể từ thời điểm tôi đắc cử, nhiều chuyên gia kinh tế quả quyết suy thoái sắp đến gần. Nhưng tăng trưởng kinh tế hiện nay mạnh hơn so với thời chính quyền Donald Trump”, ông nói.
Các nhà kinh tế và quan chức Fed đều dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay, nhưng không có dấu hiệu suy thoái. Điều đó có nghĩa là Fed vẫn có cơ hội tốt để dập tắt lạm phát mà không gây mất việc làm hàng loạt, hay còn gọi là “hạ cánh mềm”.
“Chúng tôi tiếp tục xem kịch bản kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” là kết quả có thể xảy ra nhất trong năm nay, ngay cả khi một loạt các trở ngại và rủi ro đang tạo ra xác suất suy thoái khoảng 35%”, Lydia Boussour, nhà kinh tế cấp cao của EY-Parthenon, nhận định.
“Cho đến nay, Fed đã giúp kiềm chế lạm phát mà không bóp nghẹt nền kinh tế”, Dan North, nhà kinh tế cấp cao của Allianz Trade Americas, nói và dự báo năm 2024 Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn nhưng sẽ không suy thoái.
Dù báo cáo GDP cho thấy tăng trưởng của Mỹ vẫn mạnh mẽ trong quí 4 nhưng không có bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào về lạm phát. Trong quí 4, tốc độ tăng trưởng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, giữ ổn định ở mức 2% trong quí thứ hai liên tiếp. Mức tăng này phù hợp với mục tiêu của Fed.
Tuy nhiên, các quan chức Fed lưu ý, họ có thể cần phải chứng kiến “tăng trưởng dưới xu hướng bình thường” để đảm bảo rằng lạm phát được kiểm soát bền vững. Cơ chế làm chậm lạm phát của Fed là hạ nhiệt nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất, hiện ở mức cao nhất trong 23 năm.
Trong cuộc họp chính sách tại Washington vào tuần tới, các quan chức Fed dự kiến giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp. Hàng loạt sự kiện kinh tế vào tuần tới, từ cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell cho đến báo cáo việc làm đầu tiên trong năm 2024, sẽ cung cấp manh mối rõ ràng hơn về những gì Fed có thể sẽ làm vào mùa xuân.
“Khả năng hạ lãi suất vào tháng 3 dường như ít xảy ra hơn, nhưng nhà đầu tư vẫn còn hy vọng vì có một số báo cáo quan trọng trước mắt trong vài tuần tới”, Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, bình luận.
Theo CNN, CNBC