(KTSG Online) - Nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định khoảng 2% vào năm tới. Tuy nhiên, chính phủ mới cần phải nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát nợ công. Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất bảy lần nữa từ nay đến cuối năm 2025.
- Kinh tế Mỹ đang như thế nào trước thềm bầu cử tổng thống?
- Giữa mối lo kinh tế Mỹ suy thoái, nhà đầu tư ‘lùi về’ với cổ phiếu phòng thủ
"Sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đang tốt, đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều này giúp thúc đẩy chi tiêu dùng mạnh mẽ ", CEO Brian Moynihan của Bank of America (BofA) nói với Nikkei Asia, trích dẫn tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục 4,1% vào tháng 10 vừa rồi.
Nợ công tăng cao là bài toán khó cho chính phủ mới
Fed đã cắt giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên sau bốn năm vào tháng 9. BofA dự kiến, ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất tại cả hai cuộc họp chính sách còn lại trong năm 2024, và tiếp tục giảm lãi suất năm lần nữa trong năm 2025, tổng cộng là bảy lần.
Do tác động của cắt giảm lãi suất, các nhà kinh tế BofA dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 1,8-2% vào năm tới. Con số này sẽ thấp hơn mức tăng trưởng quí 3 là gần 3% nhưng mức tăng trưởng dự kiến sẽ phù hợp với tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Mỹ, dao động quanh mức 2%. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng hồi phục.
Moynihan cho biết, bất kỳ ai nắm quyền kiểm soát chính phủ đều phải giải quyết các vấn đề tài chính. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Mỹ khá cao và đây sẽ là vấn đề trọng tâm của chính quyền mới.
Trong năm tài chính 2024, tỷ lệ nợ công chiếm 99% GDP, tăng 20 điểm phần trăm so với năm năm trước. Các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 và chi tiêu của chính phủ là hai yếu tố góp phần làm nợ công gia tăng.
Trong các chiến dịch vận động tranh cử, cả bà Harris và ông Trump đều đưa ra các đề xuất gia hạn cắt giảm thuế, khiến thâm hụt ngân sách trầm trọng hơn. Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), tổ chức phi lợi nhuận gồm các cựu nhà lập pháp của cả hai đảng, ước tính rằng nếu các đề xuất của ứng viên thắng cử được thực hiện, hệ quả là nợ công sẽ tăng lên 134-143% GDP trong năm tài chính 2025.
Lo ngại nợ công mất kiếm soát sẽ làm gián đoạn thị trường tài chính dưới hình thức lãi suất dài hạn tăng mạnh, tương đương với giá trái phiếu giảm. Kho bạc có thể phải đối mặt với việc hạ xếp hạng tín dụng, đây sẽ là thêm một đòn giáng vào nền kinh tế.
CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase, tập đoàn ngân hàng lớn nhất Mỹ, cũng cảnh báo về những nguy cơ tương tự mà nước Mỹ phải đối mặt dưới thời tổng thống mới.
Doanh nghiệp đang chờ các đợt giảm lãi suất
Chính sách cắt giảm lãi suất của Fed cũng đã mang lại bước ngoặt trong môi trường ngân hàng. Trong lĩnh vực tiêu dùng, số dư cho vay tăng trưởng tốt qua từng năm trong lĩnh vực thẻ tín dụng và xe hơi trong quí 3-2024. Với doanh nghiệp, chính sách siết chặt tiền tệ hiện đang hạn chế việc tiếp cận tín dụng của các công ty vừa và nhỏ. Lãi suất cao là mối quan tâm lớn đối với họ, Moynihan nhận định.
Ông hy vọng, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa sẽ dẫn đến cả sự phục hồi trong nhu cầu vay vốn và tính liên tục trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Nếu lãi suất giảm, mọi người sẽ trở nên lạc quan hơn và các công ty đang có lợi nhuận sẽ có thể IPO thành công và được thị trường chấp nhận.
BofA là ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ về giá trị tài sản. Ngân hàng này giám sát khoảng 1.900 tỉ đô la tiền gửi trên toàn thế giới và nắm giữ hơn 10% tổng số tiền gửi tại Mỹ. BofA còn có 1.000 tỉ đô la tiền vay chưa thanh toán, bao gồm thẻ tín dụng và các khoản vay kinh doanh.
Trong những năm gần đây, chính phủ và ngân hàng truyền thống Mỹ đã đưa ra các quy định hạn chế cho vay đối với các công ty vừa và nhỏ có mức độ rủi ro cao. Tín dụng tư nhân, tức các công ty đầu tư cho doanh nghiệp vay trực tiếp đã nhanh chóng phục vụ thị trường này. Các ngân hàng Mỹ như Citigroup đã có động thái hợp tác với các công ty đầu tư tài sản tư nhân lớn để tiếp cận các doanh nghiệp.
Moynihan cho biết, BofA có một lượng lớn khách hàng và năng lực cho vay, đủ sức cạnh tranh với các hãng tín dụng tư nhân. Hồi tháng 9, BofA công bố kế hoạch mở mới 165 chi nhánh tại Mỹ đến cuối năm 2026. Điều nào đảo ngược hoàn toàn xu hướng đóng cửa bớt các chi nhánh ngân hàng tại Mỹ. Hiện BofA có khoảng 3.800 chi nhánh.
Mặc dù đã chuyển 95% tương tác của khách hàng sang nền tảng kỹ thuật số nhưng BofA vẫn có nhu cầu lớn về các cuộc tham vấn trực tiếp về quản lý tài sản và các vấn đề khác. "Dịch vụ khách hàng đòi hỏi cả tính tiếp xúc cao và công nghệ cao", CEO BofA khẳng định.
Theo Nikkei Asia