Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Mỹ tăng tốc nhờ sức mạnh tiêu dùng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quí 2 trong một dấu hiệu cho thấy sức mạnh bền bỉ của tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cánh cửa để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Mỹ) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Chín vẫn chưa khép lại hoàn toàn.

Kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự báo của các nhà kinh tế

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 25-7 cho thấy, GDP quí 2 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 0,7%  so với quí 1 và tăng 2,8% trên cơ sở năm (annualised rate) sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và lạm phát.

Tốc độ tăng trưởng GDP trên cơ sở năm có nghĩa là tốc độ tăng trưởng dự phóng trong một năm với giả định GDP của 3 quí tiếp theo sẽ tăng trưởng cùng mức với quí hiện tại, tức quí 2. Cách tính GDP này khác với tính GDP hàng năm thông thường (annual rate) bằng cách so sánh GDP của quí hiện tại với GDP của cùng kỳ năm trước.

Khách hàng đi mua sắm tại một siêu thị ở bang California, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Tăng trưởng quí 2 của Mỹ  cao hơn mức dự báo tăng 2% của các nhà kinh tế và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 1,4% trên cơ sở năm của quí 1.

Tăng trưởng chi tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và hàng tồn kho mới thúc đẩy gần như toàn bộ mức tăng trưởng GDP củq quí 2. Chi tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế, tăng 2,3%, nhanh hơn với tốc độ tăng 1,5% trong quí đầu tiên. Trong quí vừa qua, người Mỹ chi tiêu rất nhiều cho hàng hóa giá trị lớn như ô tô, phương tiện giải trí và đồ nội thất.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ, không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng ở mức 2,9% sau khi tăng với tốc độ 3,7% trong quí đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, báo cáo GDP mới nhất “cho thấy rõ chúng ta hiện có nền kinh tế mạnh nhất thế giới”.

“Chúng tôi đã tạo ra gần 16 triệu việc làm, tiền lương tăng và lạm phát đang giảm”, người đứng đầu nước Mỹ nói khi ám chỉ đến số việc làm được tạo ra trong nhiệm kỳ của ông.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lặp lại thông điệp đó, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil rằng, dữ liệu mới nhất cho thấy Mỹ đang trên con đường “tăng trưởng ổn định và lạm phát giảm”.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tuần trước, Mỹ ​​sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2024, cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Trong khi đó, Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng của Fwdbonds, một công ty nghiên cứu tài chính, đánh giá, kinh tế Mỹ tăng trưởng tế ổn định, không quá nóng và không quá lạnh. Ông cho rằng, rủi ro Mỹ suy thoái đang lùi xa.

GDP quí 2 của Mỹ  tăng 2,8% trên cơ sở năm (annualised rate) sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và lạm phát. Ảnh: Financial Times

Liệu Fed có hạ lãi suất vào tháng 9?

Gần đây, các quan chức Fed bắt đầu phát đi những thông điệp mở ra triển vọng hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 9. Tuần trước, Chủ tịch Fed,Jay Powell cho biết, dữ liệu lạm phát trong 3 tháng qua vừa qua đánh dấu tốc độ tăng trưởng giá cả đã dịu lại đáng kể. Fed vẫn tin tưởng vào kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm”, theo đó, lạm phát quay trở lại mức mục tiêu mà không gây ra tình trạng mất việc làm hàng loạt.

Dữ liệu GDP mạnh mẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn về việc liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt lãi suất vào tháng 9 như dự kiến hay không. Kể từ mùa hè năm ngoái, Fed đã duy trì biên độ lãi suất 5,25-5,5%, cao nhất trong hai thập niên, để kiềm chế lạm phát.

Các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng quí 2 cao hơn kỳ vọng nhưng không nóng đến mức để kích thích lạm phát tăng trở lại và làm hỏng kế hoạch giảm lãi suất của Fed. Theo Beth Ann Bovino, nhà kinh tế của ngân hàng U.S. Bank, kịch bản Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 chưa khép lại hoàn toàn.

Các nhà kinh tế không kỳ vọng sức mạnh tiêu dùng trong nước sẽ kéo dài. Nhiều hộ gia đình thấp và trung bình của Mỹ  đang chật vật trang trải sinh hoạt cơ bản và không trả nợ đúng hạn.

Veronica Clark, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Citigroup, nhận định, Fed sẽ cảm thấy yên tâm khi chứng kiến nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, bà cho rằng, nếu nhìn vào dữ liệu hàng tháng, xu hướng vẫn là mức tiêu dùng đang chậm lại và có những dấu hiệu đáng lo ngại trên thị trường lao động. Số liệu công bố đầu tháng này cho thấy, thị trường việc làm của Mỹ bắt đầu yếu đi, củng cố triển vọng Fed giảm lãi suất.

James Knightley, nhà kinh tế của ngân hàng ING, ghi nhận kinh tế Mỹ đang bật dậy sau sau sự suy yếu trong quí đầu tiên. Nhưng ông nhận thấy, những thách thức đối với nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng.

Tốc độ phục hồi nhanh chóng của kinh tế Mỹ ở thời kỳ hậu đại gần đây đã mất đà khi chi phí đi cao, buộc các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu thận trọng. Doanh số bán nhà đang đình trệ, hoạt động sản xuất chậm lại và các nhà máy đang chứng kiến ​​nhu cầu đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất sụt giảm.

Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của TS Lombard, cảnh báo, nếu Fed không sớm hạ lãi suất, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay.

 Theo Financial Times, Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới