Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Mỹ tăng tốc, thách thức các dự báo bi quan

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong quí vừa qua, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về cơn suy thoái tiềm ẩn dù Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) liên tiếp tăng lãi suất.

Công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp xe bán tải điện F-150 Lightning của hãng xe Ford ở Dearborn, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP

Hôm 27-7, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, trong quí 2, GDP đã điều chỉnh theo lạm phát của Mỹ tăng với tốc độ hàng năm là 2,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng 2% trong ba tháng đầu năm. Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,8% theo dự báo của các nhà kinh tế.

Chi tiêu của người tiêu dùng của Mỹ cho hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn so với quí 1. Đầu tư kinh doanh cũng tăng thêm trong quí vừa qua , với nhiều công ty chi tiêu mạnh mẽ cho tay cho các tòa nhà và thiết bị.

Nhìn chung, báo cáo GDP mới nhất là bằng chứng bổ sung cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh lãi suất cao hơn. Thị trường lao động Mỹ vẫn còn thắt chặt và lạm phát đang giảm bớt.

Các nhà kinh tế hiện đang “quay xe” các dự báo của họ sau khi nhiều người nhận định suy thoái sẽ bắt đầu diễn ra vào giữa năm nay chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Fed.

Trong báo cáo mới nhất, các nhà kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Mỹ lên 1,3% trong năm nay so với mức dự báo tăng 0,6% trước đó. Trong khi đó, các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs hạ xác suất suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới xuống còn 20%.

Hôm 26-7, Fed đã nâng ãi suất chính sách lên mức cao nhất trong 22 năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell không loại trừ khả năng sẽ tiến hành một đợt tăng lãi suất nữa nếu điều đó là cần thiết để kiểm soát lạm phát.

“Rủi ro đã được đẩy lùi. Thay vì thiên về rủi ro suy thoái, kinh tế Mỹ đang được cân bằng giữa hai kịch bản suy thoái và không suy thoái”, Amy Crews Cutts, nhà kinh tế trưởng của AC Cutts & Associates nhận định.

Người tiêu dùng Mỹ đang tăng cường chi tiêu cho các trải nghiệm như du lịch và các mặt hàng đắt tiền. Thị trường lao động mạnh mẽ đã giúp tốc độ tăng lương của người Mỹ nhanh hơn so với tốc độ lạm phát vốn đang hạ nhiệt trong những tháng gần đây.

Vào đầu năm nay, người tiêu dùng Mỹ đã ồ ạt mua sắm xe cộ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô giảm bớt, giúp nguồn cung xe mới ở các đại lý tăng lên. Người dân cũng chi tiêu mua sắm trực tuyến và ăn uống tại các nhà hàng nhiều hơn.

Liệu người tiêu dùng Mỹ có duy trì chi tiêu với tốc độ tương tự vào cuối năm nay hay vẫn là ẩn số. Mức lãi suất cao sẽ duy trì trong thời gian dài, khiến xe cộ, thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác. mà người Mỹ thường vay nợ để mua sắm, trở nên đắt đỏ hơn. Các khoản thanh toán khoản vay sinh viên của người dân Mỹ cũng sẽ được nối lại vào cuối năm nay sau khi nhiều lần được đình chỉ từ kể đại dịch Covid-19. Người Mỹ đang tiêu gần hết số tiền tiết kiệm đã tích lũy được khi “bó chân” ở nhà trong thời kỳ đại dịch.

“Có rất nhiều dấu hiệu sớm cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sắp giảm xuống”, Brett Ryan, chuyên gia kinh tế cấp cao của  Deutsche Bank Securities nói.

Số liệu đầu tư cho thấy tác động của lãi suất đang ngấm dần. Giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư chậm lại kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, một số yếu tố dài hạn đang định hình xu hướng đầu tư. Ví dụ, mức chi tiêu tăng lên của chính quyền liên bang cho các nhà máy sản xuất chip và nhà máy sản xuất xe điện đang bù đắp cho một số khoản đầu tư bị cắt giảm ở khu vực tư nhân.

Tình trạng thiếu nhà ở cũng hỗ trợ cho nhu cầu đầu tư dù lãi suất vay thế chấp đang tăng tăng cao. Thị trường nhà ở của Mỹ có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Với nhiều công trình xây dựng đã được lên kế hoạch, đầu tư nhà ở của Mỹ có thể tăng trong những tháng tới.

Người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà kinh tế đang cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát đã giảm đáng kể từ mức cao lịch sử hồi năm ngoái và thị trường lao động vẫn thắt chặt, viễn cảnh về một cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ với mức lạm phát trở lại gần với mục tiêu 2% của Fed mà không có suy thoát có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Trong tuần này, tổ chức tư vấn Conference Board cho biết, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cải thiện trong tháng 7, nhiều người lạc quan hơn về tương lai. Các doanh nghiệp nhỏ cũng ít bi quan hơn về nền kinh tế.

Trong tháng 7, 37% doanh nghiệp nhỏ cho biết, doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ xấu đi trong 12 tháng tới. Đây là tỷ lệ bi quan thấp nhất kể từ tháng 2-2022, theo Vistage Worldwide, một công ty tư vấn và huấn luyện doanh nghiệp.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết, tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu trong năm nay có thể sẽ mạnh hơn so với ước tính trước đây. Sự cải thiện về triển vọng kinh tế của Mỹ phản ánh sức mạnh của thị trường lao động, mức chi tiêu mạnh mẽ cho các dịch vụ như du lịch và rủi ro bất ổn tài chính giảm dần sau cú đổ đổ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu vào đầu năm nay.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới