Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong gần hai năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm trong quí 3 nhờ cơn bùng nổ chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sức mạnh tiêu dùng này sẽ bị thử thách trong những tháng tới khi tác động của lãi suất cao ngấm dần vào nền kinh tế, đồng thời số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ cạn kiệt.

Khách mua sắm ở King of Prussia, trung tâm bán lẻ lớn nhất Mỹ ở King, bang Pennsylvania. Ảnh: Reuters

Theo ước tính sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26-10, GDP quí 3 của Mỹ tăng 4,9% tính theo cơ sở năm (annualized rate) sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và lạm phát. Mức tăng trưởng cao hơn so với mức 4,7% theo dự báo của các nhà kinh tế và đánh dấu mức cao nhất kể từ quí 4-2021.

Chi tiêu cá nhân, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, tăng 4% trong quí vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2021. Trong quí 3, chi tiêu cho dịch vụ của các hộ gia đình Mỹ tăng mạnh nhất trong hai năm, trong khi chi tiêu cho hàng hóa cũng tăng nhanh. Nhu cầu chi tiêu mạnh mẽ là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thị trường tuyển dụng sôi động, mức lương tăng ổn định và tài sản hộ gia đình tăng kỷ lục trong năm nay.

Kinh tế Mỹ vẫn vững vàng khi đối mặt với giá cả cao và chi phí vay tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ liên tục vượt xa dự báo của các nhà kinh tế, giúp làm lắng dịu các lo ngại suy thoái. Động lực chính cho khả năng chống chịu tốt của Mỹ là sức mạnh bền bỉ của thị trường việc làm, giúp tiếp tục thúc đẩy nhu cầu của các hộ gia đình.

Dữ liệu GDP có thể không có tác động đến chính sách tiền tệ ngắn hạn của Mỹ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt và tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán, đang giúp thắt chặt các điều kiện tài chính. Đầu tuần này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 5% lần đầu tiên sau 16 năm. Tại cuộc họp vào tuần tới, các nhà hoạch định chính sách của Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất. Họ cần thận trọng vì chi chi phí vay của chính phủ đang tăng nhanh.

Cho đến nay, dữ liệu cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, giảm xuống mức 2,4% trong quí 3. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ không bao gồm nhà ở và năng lượng, một thước đo hẹp hơn được các quan chức Fed theo dõi chặt chẽ, tăng 3,6%, cao hơn một chút so với quí trước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, các dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế đang hoạt động rất tốt và có dấu hiệu ‘hạ cánh mềm’, tức lạm phát giảm bớt nhưng tăng trưởng không suy yếu rõ rệt bất chấp lãi suất cao. Bà tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, dù có thể không còn mạnh mẽ như quí vừa qua.

Các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ xác định liệu có nên tăng lãi suất thêm một đợt nữa hay không sau khi đánh giá tăng trưởng của quí 4 này. Nhiều nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm do chi phí vay cao, khiến người tiêu dùng hạn chế việc mua các mặt hàng có giá trị lớn. Hơn nữa, bắt đầu từ tháng 10, 27 triệu người Mỹ sẽ phải tiếo tục trả các khoản vay sinh viên sau thời gian tạm hoãn thanh toán kéo dài 3 năm kể từ đại dịch Covid-19.

Trong quí hiện tại, nền kinh tế Mỹ cũng đối mặt với với những cơn gió ngược mới bao gồm cuộc đình công của công nhân ô tô, khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa do các nhà lập pháp bất đồng về các dự luật chi tiêu trong năm tài khóa mới, rủi ro chiến tranh lan rộng hơn ở Trung Đông bắt nguồn tự cuộc xung đột Israel- Hamas.

Lãi suất dài hạn cao hơn có thể gây ra sự hạ nhiệt ở một số khu vực của nền kinh tế Mỹ. Đầu tư nhà ở, vốn suy yếu vào đầu năm, tăng 3,9% trong quí 3. Tuy nhiên, với lãi suất vay thế chấp tăng lên gần 8%, mức cao nhất kể từ giữa năm 2000, nhu cầu mua nhà dự kiến suy yếu. Số lượng doanh nghiệp nhỏ của Mỹ báo cáo tiếp cận tín dụng khó khăn đã tăng cao hơn trong một cuộc khảo sát hồi tháng 9 của Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập quốc gia. Điều đó có thể báo hiệu sự sụt giảm trong đầu tư kinh doanh và tuyển dụng

Nhưng nếu nhu cầu tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh, điều này có nguy cơ khiến lạm phát vẫn duy trì ở mức cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed và có thể buộc cơ quan này phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

“Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quí 3 có thể không khiến Fed phải tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới, nhưng điều đó có nghĩa là các quan chức sẽ báo hiệu họ vẫn dự tính tăng lãi suất. Fed không thể tuyên bố chính sách thắt chặt tiền tệ đã kết thúc với mức tăng trưởng mạnh mẽ này và lạm phát vẫn vượt mục tiêu”, Chris Low, nhà kinh tế trưởng của FHN Financial, bình luận

Theo Bloomberg, WSJ

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới