(KTSG) - Đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn đã dần chững lại, nhưng việc mức lãi suất cao tiếp tục được duy trì trong thời gian dài hơn vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
- Fed báo hiệu duy trì lãi suất cao trong thời gian dài
- Fed chịu áp lực tăng lãi suất cao hơn dự kiến vì lạm phát còn ‘nóng’
Nền kinh tế Mỹ vừa bùng nổ mạnh mẽ trong quí 3, với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên khắp thế giới, lạm phát đang dần hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp hầu như vẫn ở mức thấp và các ngân hàng trung ương lớn có thể đã ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngay cả Trung Quốc - quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản, cũng đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, theo The Economist, thật không may là bầu không khí tích cực này có thể sẽ không kéo dài. Nền tảng cho sự tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế là không mấy ổn định, và có rất nhiều mối đe dọa đang dần xuất hiện phía trước.
Những rủi ro kinh tế từ mức lãi suất cao kéo dài
Chính sự mạnh mẽ của nền kinh tế khiến nhiều người tin tưởng rằng, lãi suất dù không còn tăng nhanh như trước, nhưng cũng sẽ không bị cắt giảm quá nhiều.
Trong những tuần gần đây, lần lượt các ngân hàng trung ương lớn đã quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng không có ngân hàng trung ương nào tuyên bố kỷ nguyên tăng lãi suất đã kết thúc.
Lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn cũng vì thế mà tăng mạnh. Chính phủ Mỹ hiện phải trả mức lợi suất 5% cho trái phiếu kỳ hạn 30 năm, tăng mạnh so với mức chỉ 1,2% trong thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19.
Chính sự mạnh mẽ của nền kinh tế khiến nhiều người tin tưởng rằng, lãi suất dù không còn tăng nhanh như trước, nhưng cũng sẽ không bị cắt giảm quá nhiều.
Ngay cả những nền kinh tế vốn nổi tiếng với mức lãi suất thấp giờ đây cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ. Cách đây không lâu, chi phí đi vay của Đức ở mức âm; hiện nay lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này là gần 3%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng gần như đã từ bỏ cam kết chốt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 1%.
Một số người, trong đó bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, cho rằng lãi suất cao hơn như hiện nay là một điều tốt, bởi nó phản ánh nền kinh tế thế giới đang ở trạng thái mạnh mẽ. Tuy nhiên, The Economist không nghĩ vậy và cho rằng, đây là điều nguy hiểm vì lãi suất cao kéo dài sẽ khiến các chính sách kinh tế hiện hành thất bại và làm đứt gãy đà tăng trưởng.
Để biết tại sao những điều kiện thuận lợi hiện nay không thể được duy trì, hãy cùng xem xét lý do khiến nền kinh tế Mỹ nói riêng trong thời gian vừa qua lại hoạt động tốt hơn mong đợi.
Động lực chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới đến từ chi tiêu tiêu dùng. Các số liệu cho thấy, tiêu dùng quí 3 tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 4%, mạnh nhất kể từ quí 4-2021. Bất chấp những áp lực từ lạm phát cao, lãi suất tăng và thị trường lao động hạ nhiệt, người dân Mỹ tiếp tục sử dụng số tiền mà họ tích lũy được trong thời kỳ đại dịch.
Ban đầu số tiền này được cho là đã sớm cạn kiệt, nhưng các số liệu gần đây cho thấy, các hộ gia đình vẫn còn khoảng 1.000 tỉ đô la.
Tuy nhiên, khi những khoản tiết kiệm này rốt cuộc cũng sẽ cạn kiệt, lãi suất cao hơn sẽ bắt đầu cho thấy tác động tiêu cực buộc người tiêu dùng Mỹ phải chi tiêu ít hơn.
Những rắc rối cũng sẽ dần xuất hiện tại nhiều nơi khác khi lãi suất được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Tại châu Âu và châu Mỹ, tình trạng phá sản trong kinh doanh đang ngày càng gia tăng.
Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global, tính đến tháng 9 đã có 516 doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản, vượt qua số doanh nghiệp phá sản trong năm 2021 và 2022. MarketWatch nhận định, với tốc độ này, năm 2023 hoàn toàn có thể trở thành năm tồi tệ nhất với các doanh nghiệp Mỹ kể từ năm 2010 - giai đoạn có 827 công ty phá sản.
Còn tại châu Âu, theo phân tích của Scope Ratings, số lượng công ty vỡ nợ đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2015 trong quí 2 và con số này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại trong quí 3. Các điều kiện tài chính khó khăn hơn và lãi suất cao hơn được dự báo sẽ khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cho tới nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Giá nhà được dự báo sẽ giảm - ít nhất là trong điều kiện được điều chỉnh theo lạm phát, khi lãi suất vay thế chấp tăng cao hơn. Các ngân hàng nắm giữ chứng khoán dài hạn - được hỗ trợ bởi các khoản vay ngắn hạn, bao gồm cả từ Fed - sẽ phải huy động vốn hoặc sáp nhập để bịt lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của họ do lãi suất cao hơn.
Sức ép nặng nề đối với ngân sách công
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Anh, Pháp, Ý và Nhật Bản đều có khả năng đối mặt với mức thâm hụt ngân sách tương đương khoảng 5% GDP trong năm 2023. Còn tại Mỹ, trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 9, thâm hụt ngân sách đã lên tới 2.000 tỉ đô la, tương đương 7,5% GDP. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, việc vay mượn như vậy là hành động liều lĩnh đến mức đáng kinh ngạc.
Khi lãi suất ở mức thấp, thậm chí ngay cả những khoản nợ cao ngất ngưởng cũng có thể được xử lý một cách ổn thỏa. Nhưng giờ đây, khi lãi suất tăng lên, các khoản thanh toán lãi suất đang làm cạn kiệt ngân sách. Do vậy, lãi suất cao hơn trong thời gian dài có nguy cơ khiến các chính phủ phải xung đột với các ngân hàng trung ương - vốn đang ưu tiên mục tiêu chống lạm phát.
Tại Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh sẽ không bao giờ cắt giảm lãi suất vì lý do giảm bớt áp lực lên ngân sách chính phủ. Tuy nhiên, bất kể ông Powell nói gì, lãi suất cao kéo dài sẽ khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về các cam kết của chính phủ trong việc duy trì lạm phát ở mức thấp cũng như trả nợ.
Tại châu Âu, nỗi lo ngại ngày càng gia tăng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm đã tăng gấp 10 lần trong hai năm qua, và chạm mốc 5% trong tháng trước. Việc thanh toán các khoản nợ đang ngày càng trở nên khó khăn trong bối cảnh núi nợ công của quốc gia Nam Âu này đã lên tới 2.840 tỉ euro trong tháng 8.
Tại Nhật Bản, ngay cả khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản chỉ ở mức thấp 0,8% vào năm ngoái thì 8% ngân sách của nước này vẫn phải dùng để trả lãi.
Nhiều rủi ro chờ đợi phía trước
Nếu áp lực tiếp tục gia tăng, một số chính phủ sẽ phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, dẫn đến tổn thất lớn về kinh tế.
The Economist dự báo, nhiều khả năng kỷ nguyên lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ tự kết thúc bằng cách làm suy yếu nền kinh tế, buộc các ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất mà không khiến lạm phát tăng mạnh.
Một kịch bản sáng sủa hơn là tăng trưởng năng suất tăng vọt, có lẽ nhờ vào trí tuệ nhân tạo sáng tạo (AI). Điều này sẽ giúp nâng cao doanh thu và lợi nhuận, qua đó khiến mức lãi suất tăng cao trở nên dễ chấp nhận hơn với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng lạc quan đó là một thế giới bị rình rập bởi các mối đe dọa đối với tăng trưởng năng suất. Ông Donald Trump đã thề sẽ áp dụng các mức thuế mới nếu ông trở lại Nhà Trắng. Các chính phủ đang ngày càng bóp méo thị trường bằng các chính sách công nghiệp phi toàn cầu hóa.
Ngoài ra, chi tiêu công đang ngày càng tăng trong tỷ trọng của nền kinh tế giữa lúc dân số đang dần già hóa. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và các cuộc xung đột trên khắp thế giới đòi hỏi phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, cũng gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước. Đối mặt với tất cả những vấn đề này, The Economist cho rằng bất kỳ ai đặt cược rằng kinh tế thế giới có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ đều đang đánh cược vào một canh bạc lớn.
Nguồn: The Economist, Reuters, MarketWatch, Washington Post