Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế thế giới năm 2023: Khó khăn cũ cộng thêm thách thức mới

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nền kinh tế toàn cầu vừa trải qua một năm 2022 đầy biến động. Tuy nhiên, nhiều khó khăn của năm cũ có thể sẽ không khép lại mà tiếp tục kéo dài sang năm mới 2023, cùng với những thách thức mới xuất hiện.

Lạm phát và lãi suất tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế

Lạm phát và lãi suất của các ngân hàng trung ương chắc chắn vẫn sẽ là những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong năm 2023, bởi điều này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2023, tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ đạt mức 6,5% - một con số khá cao, dù đã giảm đáng kể so với ước tính 8,8% của năm 2022. Trong báo cáo triển vọng tháng 11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình 6% cho nhóm các nền kinh tế G20, cao hơn nhiều so với mức từ 1-2% tại các nền kinh tế lớn trước đại dịch Covid-19.

Do vậy, ngay cả khi các dấu hiệu cho thấy lạm phát đạt đỉnh đã bắt đầu xuất hiện tại các nền kinh tế phát triển trong những tháng cuối năm 2022, có vẻ như các ngân hàng trung ương sẽ không quá vội vàng trong việc chấm dứt các chính sách tiền tệ thắt chặt hiện hành.

Các tuyên bố gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều nhấn mạnh rằng, giới hoạch định chính sách có ý định tăng lãi suất lên cao hơn so với mức dự kiến trước đó, mặc dù tốc độ tăng có thể chậm lại đôi chút so với năm 2022.

Tại Mỹ, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất lên mức đỉnh 5,25% vào cuối năm 2023 - tăng đáng kể so với mức 4,75% trong kế hoạch công bố hồi tháng 9.

Mức tăng tiền lương mạnh mẽ và thị trường lao động vững mạnh hơn dự kiến đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Bất chấp những áp lực từ các đợt tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nền kinh tế lớn vẫn được giữ ở mức thấp lịch sử.

Việc thị trường lao động không được hạ nhiệt một cách hiệu quả có thể khiến tiền lương tiếp tục tăng nhanh, làm gia tăng áp lực lạm phát, và buộc các ngân hàng trung ương như Fed phải đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Tại Mỹ, tốc độ tăng lương sẽ giữ cho lạm phát tiếp tục cao hơn mức mục tiêu, buộc Fed phải đẩy lãi suất lên mức 5%, và giữ như vậy cho tới quí 1-2024”, chuyên gia Scott Johnson của Bloomberg Economics dự báo.

“Còn tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát sẽ giảm nhanh hơn, đồng nghĩa với mức lãi suất thấp hơn, và có khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào giai đoạn cuối năm 2023”.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tiến hành những đợt tăng lãi suất nhỏ hơn trong nửa đầu năm 2023, và giữ nguyên trong phần còn lại của năm để đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát.

“Có thể sẽ diễn ra một hoặc hai đợt tăng với quy mô 0,25 điểm phần trăm khi chúng ta bước vào quí đầu tiên của năm mới”, Steve Cochrane - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s Analytics nhận định.

Triển vọng tăng trưởng ảm đạm

Việc lạm phát vẫn ở mức cao và lãi suất tiếp tục gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này sẽ dẫn đến sụt giảm trong cả đầu tư, tiêu dùng cũng như thị trường nhà ở. Các thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung.

Chuyên gia Scott Johnson của Bloomberg Economics nhận định, năm 2023 sẽ là một trong những năm khó khăn nhất mà kinh tế thế giới từng phải đối mặt với mức tăng trưởng chỉ đạt 2,4% - giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 3,2% của năm 2022.

Cũng theo chuyên gia này, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2023, trong khi tại Eurozone suy thoái sẽ diễn ra ngay từ đầu năm.

Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nhà kinh tế tại IMF đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết khu vực, với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm từ mức 3,2% trong năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023.

Rủi ro từ núi nợ tăng cao

Khi lãi suất tăng, chi phí trả nợ cũng sẽ tăng lên. Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính tổng nợ toàn cầu của các chính phủ, công ty và hộ gia đình đã lên tới 290.600 tỉ đô la tính đến cuối tháng 10-2022, tăng 28% so với năm 2020.

Lãi suất cao hơn làm suy yếu khả năng chi tiêu của các cá nhân, công ty và chính phủ, đồng thời khiến thị trường bất động sản trên khắp thế giới trở nên tồi tệ hơn. Với việc lãi suất chưa thể giảm xuống trong thời gian ngắn, thu nhập sẽ phải tăng lên để có thể bù đắp cho chi phí vay mượn gia tăng.

Tuy nhiên, việc tạo ra nguồn thu nhập cao hơn trong một nền kinh tế suy yếu cũng là điều cực kỳ khó khăn.

Trong bối cảnh đó, khối lượng nợ lớn cùng với lãi suất cao có thể gây ra vỡ nợ dây chuyền và khủng hoảng tài chính. IMF dự đoán 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang ở trong một cuộc khủng hoảng nợ hoặc tiệm cận một cuộc khủng hoảng. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ước tính rằng số nợ của các nước kém phát triển cần được điều chỉnh lên tới 200 tỉ đô la.

Biến số từ Trung Quốc

Việc xoay trục chính sách chống dịch của Trung Quốc được dự báo sẽ không dễ dàng trong giai đoạn đầu năm khi số ca lây nhiễm tăng vọt, gây sức ép lên hệ thống y tế. Tuy nhiên, một khi quá trình này được hoàn tất, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi và tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Theo các nhà phân tích tại Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale, Trung Quốc sẽ có từ ba đến bốn quí tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quí 2 hoặc quí 3-2023. Nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023.

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm sau lên 5,4%, cao hơn so với mức dự báo trước đó là 5%. Theo Morgan Stanley, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bắt đầu cải thiện từ đầu tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc cũng có thể trở thành một yếu tố khó lường đối với cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu dầu thô, hàng hóa, vật liệu thô, đồng thời kích thích nhu cầu vé máy bay, phòng khách sạn và bất động sản ở nước ngoài.

“Chắc chắn lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên nếu Trung Quốc mở cửa trở lại”, bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục tại Ngân hàng ING, nhận định.

Bloomberg Economics dự báo, trong trường hợp Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, giá năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 20%. Theo Bloomberg Economics, điều này có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 5,7% vào cuối năm sau. Châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, bởi theo UBS, 43% lạm phát tại Eurozone được thúc đẩy bởi giá năng lượng, cao hơn nhiều so với mức 18% tại Mỹ.

Những biến động trên thị trường dầu mỏ

Sau những biến động lớn trong năm 2022, thị trường dầu mỏ được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với những kịch bản khó lường trong năm 2023. Nhiều dự báo về giá dầu đã được đưa ra tùy thuộc vào các diễn biến kinh tế và địa chính trị trên thế giới.

Yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường là việc Nga sẽ duy trì nguồn cung dầu mỏ như thế nào sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giá dầu vẫn có thể xuống thấp hơn nếu Nga không thể tránh được lệnh áp giá trần của các nước phương Tây, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia vẫn mua dầu từ Nga có thể đàm phán về khoản chiết khấu cao hơn.

Tuy nhiên, nếu Nga hiện thực hóa lời cảnh báo giảm nguồn cung dầu mỏ để đáp trả lệnh áp giá trần, giá dầu có thể tăng mạnh trở lại.

Diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường dầu mỏ trong năm 2023. Ngay cả trong trường hợp căng thẳng tạm lắng dịu, dòng chảy thương mại dầu mỏ cũng chưa thể quay trở về mức trước khi xung đột nổ ra, tuy nhiên, điều này sẽ giúp loại bỏ nhiều rủi ro nguồn cung ra khỏi thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia không mấy lạc quan về khả năng này. Ông Jay Hatfield, Giám đốc điều hành Infrastructure Capital Advisors dự báo “xung đột tại Ukraine sẽ tiếp diễn, đẩy giá dầu lên khoảng 80-100 đô la/thùng”.

Trong khi đó, Ngân hàng ING dự báo, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế sản lượng để giữ cho giá dầu ở mức mong muốn. JP Morgan dự báo, các nỗ lực cân bằng thị trường của OPEC+ sẽ giữ cho giá dầu Brent ở trên mức 90 đô la/thùng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu trong năm 2023 được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy giá dầu. ING dự báo, nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng trong khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Gần 50% mức tăng trưởng này dự kiến sẽ đến từ Trung Quốc với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi. Hiện ngân hàng này dự báo dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 104 đô la/thùng trong năm 2023.

Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global thậm chí còn dự báo giá dầu có khả năng tăng lên 121 đô la/thùng vào năm tới, khi Trung Quốc mở cửa trở lại. “Việc Trung Quốc vượt qua được dịch bệnh sẽ tạo ra rất nhiều nhu cầu cho thị trường”, ông nói.

Chia sẻ quan điểm trên, Baden Moore, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB) nhận định, “Khi nhìn vào năm 2023, chúng tôi thấy việc Trung Quốc mở cửa trở lại và nhu cầu xăng cho máy bay toàn cầu có khả năng tiếp tục tăng đều đặn, hướng tới mức của năm 2019. Điều này sẽ thắt chặt thị trường dầu thô toàn cầu và đẩy giá lên cao hơn nữa”.

Nguồn: Bloomberg, Reuters, CNBC, ING, Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới