Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế TPHCM: Từ nốt trầm quí 4-2022 tới triển vọng 2023

TS. Phạm Thị Thanh Xuân và cộng sự (*) - ThS. Võ Phước Trí (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Quí 4-2022 đánh dấu sự đi xuống ở cả lĩnh vực thương mại – dịch vụ và công nghiệp, báo hiệu một năm khó khăn trước mắt. TPHCM cần những động lực từ nội tại để phát huy những điểm sáng của nền kinh tế năng động.

Hoạt động bán lẻ dự báo triển vọng phục hồi khá tích cực, mặc dù sẽ đối diện với cú sốc ngắn ở quí 1-2023. Ảnh: LÊ VŨ

Đo sức khỏe nền kinh tế

Nền kinh tế TPHCM dù có cải thiện sau cú sốc Covid-19 nhưng sức khỏe chưa bằng được với lịch sử từng có ở năm 2019. Tổng cầu bán lẻ hàng hóa vừa chạm đến ngưỡng tăng trưởng từng có ở năm 2019 đã lại tuột dốc. Sức mua hiện dùng dằng ở mức thấp, chỉ xấp xỉ 80% so với năm 2019, dù đã vào mùa cao điểm tiêu dùng.

So với cùng kỳ năm 2019, điểm rơi sâu nhất chạm mức 23,37% ghi nhận ở tháng 11-2022. Mức sụt giảm nghiêm trọng tương đương với mức độ đã từng ghi nhận ở giai đoạn giãn cách toàn thành phố quí 2-2021. Đà phục hồi ở các quí trước bị gãy nghiêm trọng ở quí 4-2022.

Trong điều kiện bình thường, doanh thu bán lẻ có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, hằng tháng tăng tầm 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng năm 2022, kinh tế chưa kịp phục hồi hoàn toàn đã phải đối diện khó khăn, sức mua ở quí 4 chỉ còn xấp xỉ 80% so với cùng kỳ 2019.

Ở quí 4-2022, dấu hiệu đình trệ xuất hiện ở ngay cả những ngành đã từng đạt tăng trưởng doanh thu bán lẻ rất ấn tượng ở quí 3-2022 như đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, đá quý, kim loại quý, phương tiện đi lại, ô tô các loại và hàng hóa khác.

Sự sụt giảm mạnh xuất hiện ở chính những ngành vốn là lõi tổng cầu của kinh tế thành phố như: lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa, giáo dục, gỗ, vật liệu xây dựng và hàng hóa khác. Ở quí 3, kinh tế thành phố xác lập đỉnh tăng trưởng nhưng đáy cũng xuất hiện ở quí 4.

Sức mua của người dân hiện dao động dùng dằng ở mức trung bình, không vượt quá được mức 54.000 tỉ đồng. Đây là điều khá quan ngại nếu xét trong bối cảnh mùa cao điểm tiêu dùng của cả năm đang đến nhưng lực cầu chưa thấy tăng mạnh tương ứng. Khác với các năm, riêng năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm và rất gần với Tết Dương lịch.

Tính cả Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, mùa cao điểm tiêu dùng rút ngắn, sức tăng trưởng theo đó cũng không đáng kể. Kỳ vọng bứt tốc doanh số của các doanh nghiệp bán lẻ trở nên áp lực hơn nhiều so với các năm trước.

Trong điều kiện bình thường, doanh thu bán lẻ có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, hàng tháng tăng tầm 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng năm 2022, kinh tế chưa kịp phục hồi hoàn toàn đã phải đối diện khó khăn, sức mua ở quí 4 chỉ còn xấp xỉ 80% so với cùng kỳ 2019.

Trong mức tăng trưởng chung của kinh tế thành phố, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất, trung bình chiếm 65% GRDP. Sức khỏe ngành này hàm chứa nhiều thông tin dự báo sức khỏe cả nền kinh tế thành phố. Chính vì vậy, giảm tốc ở giai đoạn này gửi tín hiệu không lạc quan cho bức tranh chung.

Điểm sáng tăng trưởng quí 4 tập trung vào nhóm ngành liên quan đến phương tiện di chuyển, với sức tăng trưởng rất vượt trội. Hai trong số ba lĩnh vực thuộc nhóm này có doanh thu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực sản xuất thâm dụng lao động năm 2022 giảm 97,3% so với năm 2019 và giảm 9,7% so với năm 2021. Trong khi đó, sức hút FDI vào khu vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ ngày càng tích cực, riêng năm 2022 tăng gấp 6 lần so với năm 2021 và 1,2 lần so với 2019. Thu hút FDI vào hoạt động kinh doanh bất động sản hạ nhiệt hoàn toàn, quy mô vốn thu hút mới ở năm 2022 chỉ tương đương 0,5% so với năm 2019 và 0,7% so với năm 2021.

Tăng trưởng SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP âm dự kiến bắt đầu từ tháng 12-2022 và có thể kéo dài đến hết tháng 2-2023, THEO nhận định của nhóm nghiên cứu, chịu lực kéo chính từ ba ngành chủ lực: ngành sản xuất điện tử, vi tính đang sụt sâu (-24%); sản xuất khoáng phi kim loại (-15%) và chế biến gỗ (-37,3% ).

Sản xuất công nghiệp tăng kịch trần vào quí 3-2022 và quí 4-2022 không thể phá vỡ kỷ lục này. Diễn biến thực tiễn, không dừng lại ở đó mà tiếp tục xấu đi. Đến tháng 11-2022, hoạt động sản xuất công nghiệp gần như không còn tăng được nữa (tốc độ tăng trưởng xấp xỉ về 0%).

Tăng trưởng âm dự kiến bắt đầu từ tháng 12-2022 và có thể kéo dài đến hết tháng 2-2023, theo nhận định của nhóm nghiên cứu, chịu lực kéo chính từ ba ngành chủ lực: ngành sản xuất điện tử, vi tính đang sụt sâu (-24%); sản xuất khoáng phi kim loại (-15%) và chế biến gỗ (-37,3%).

Sự sụt giảm lần này, nghiêm trọng hơn so với những gì đã diễn ra trong giai đoạn có dịch Covid-19. Rất xấu nếu đối sánh với trạng thái thuận lợi ở năm 2019, trung bình mỗi tháng công nghiệp tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao điểm có thể lên đến mức 12,6%.

Cuộc đua lãi suất đẩy doanh số huy động vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM nóng lên vào tháng 9 nhưng đảo chiều giảm ngay ở tháng 10 và tụt sâu vào vùng âm ở tháng 11.

Tuy nhiên, từ góc nhìn vĩ mô, tổng quy mô vốn huy động tại kinh tế thành phố độc lập tương đối với cuộc đua lãi suất, vẫn duy trì ở mức tăng 8%, mức ổn định từ nhiều năm qua. Quy mô vốn huy động không tăng đột biến, sức hút tiền nhàn rỗi từ dân không cao.

Dòng vốn cơ bản chỉ dịch chuyển giữa các ngân hàng. Nhìn từ góc độ này, cuộc đua lãi suất là biểu hiện cuộc cạnh tranh tái phân bổ thị phần và tối ưu lợi nhuận giữa các tổ chức tín dụng mà thôi. Hệ lụy có thể nghiêm trọng khi chi phí vốn không ngừng leo thang, lạm phát khó kiểm soát và hoạt động kinh tế ở nhiều lĩnh vực đang đình trệ.

Hơn nữa, chênh lệch giữa dư nợ tín dụng và doanh số huy động thu hẹp rất sâu, chưa từng có, vào tháng 11-2022. Cộng thêm, cuộc đua lãi suất đã đủ dài để các ngân hàng xác lập thị phần. Có thể, với diễn biến này, nhóm nghiên cứu nhận định, cuộc đua lãi suất đã gần đến lúc hạ nhiệt và về đích, theo đó lãi suất không tiếp tục tăng mà duy trì ở mặt bằng mới cho đến hết năm 2023.

Nếu diễn biến theo hướng này, việc nới room tín dụng cho năm 2023 mới thực sự phát huy tác dụng, cung vốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó năm nay. Ngược lại, càng nới room, cuộc đua lãi suất sẽ còn tiếp tục.

Triển vọng 2023 từ bán lẻ và công nghiệp

Dù đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế TPHCM được dự báo triển vọng ở một số nhóm ngành.

Thứ nhất, hoạt động bán lẻ dự báo triển vọng phục hồi khá tích cực, mặc dù sẽ đối diện với cú sốc ngắn ở quí 1-2023 tuy nhiên giai đoạn này chỉ là cú sốc chứ chưa rơi vào tình trạng nguy hiểm như suy thoái kinh tế.

Sau quãng thời gian này, doanh thu bán lẻ nhiều khả năng trở về mức bình quân vốn có giai đoạn 2019-2020. Thị trường bán lẻ có tín hiệu cải thiện vào quí 1-2023 – đây cũng là dịp vào mùa Tết Dương lịch, Tết Âm lịch và các ngày lễ khác trong quí 1-2023, và sau đó quay trở lại với mức trung bình vốn có.

Thứ hai, ở nhóm ngành công nghiệp, lực đẩy tích cực dự báo sẽ đến từ những nhóm ngành về phân phối điện, khai thác và xử lý nước.

(*) ThS. Lưu Bích Thu, Trần Thanh Trúc, ThS. Huỳnh Thị Ngọc Lý, ThS. Hồ Hữu Tín – trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(*) Khoa học dữ liệu, Công ty TNHH MTV Công Nghệ Thông Tin Thế giới Di Động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới