Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều bất ổn từ Covid

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Khi thế giới đang dần thoát ra khỏi đại dịch Covid-19 và khởi động lại các hoạt động kinh tế thì Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại đang phải đối mặt với làn sóng dịch được coi là tồi tệ nhất trong vòng hai năm qua. Điều này được dự báo sẽ gây áp lực lên nền kinh tế của nước này, dẫn tới sự giảm tốc tăng trưởng.

Mối đe dọa đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại đang phải đối mặt với một thách thức mới, khi làn sóng dịch bùng phát tại nhiều khu vực trên cả nước, bao gồm cả trung tâm tài chính và thương mại quốc tế Thượng Hải.

Từ chỗ phong tỏa từng phần, Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, đã phải tiến hành phong tỏa toàn phần từ hôm 1-4 sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 liên tục gia tăng. Những đợt phong tỏa như thế này được dự báo có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, với hậu quả tương tự như đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi năm 2020.

Các chuyên gia của Moody’s Analytics nhận xét “Việc phong tỏa thành phố lớn nhất Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong quí 2”.

Theo công ty chứng khoán Everbright Securities, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì chiến lược zero Covid như hiện nay có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị giảm tới 10 điểm phần trăm hàng quí.

Một ước tính khác của Ngân hàng Natixis (Pháp) cho biết, việc hoạt động giao thông sụt giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại có thể khiến GDP của Trung Quốc giảm 1,8 điểm phần trăm trong quí đầu năm.

“Điều có vẻ rõ ràng hiện nay là việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra giờ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. GDP của Trung Quốc trong quí 1 sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn so với dự kiến trước đó, và nhiều yếu tố bất ổn có thể xuất hiện trong các quý tiếp theo”, các chuyên gia của Natixis nhận định. “Đó là chưa kể đến việc môi trường quốc tế cũng đang xấu đi. Điều này có lẽ đã không được giới chức Trung Quốc tính toán đầy đủ, khi đặt ra các mục tiêu kinh tế hàng năm”.

Phải đến ngày 18-4 Trung Quốc mới công bố dữ liệu kinh tế quí 1. Tuy nhiên những dấu hiệu khó khăn đã xuất hiện từ hôm thứ Năm tuần trước, khi Cục Thống kê quốc gia nước này công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 3. Chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất đã giảm từ mức 50,2 trong tháng 2 xuống còn 49,5 trong tháng 3 – mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số PMI của lĩnh vực phi sản xuất cũng giảm từ mức 51,6 của tháng 2 xuống còn 48,4 trong tháng 3 – mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Nếu tình hình tại Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung không sớm được cải thiện, sự rời đi của các doanh nghiệp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khoảng 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho biết đang cân nhắc giảm đầu tư hoặc dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, nếu các biện pháp phong tỏa kéo dài vẫn tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới.

Đáng chú ý đây là lần đầu tiên trong hơn hai năm qua, cả hai chỉ số này của Trung Quốc đồng thời bị sụt giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm – biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động kinh tế. Lần gần nhất cả hai chỉ số PMI đồng thời ở dưới ngưỡng này là vào tháng 2-2020, khi kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì đại dịch Covid-19 mới bùng phát.

Đánh giá về kết quả này, Julian Evans Pritchard, chuyên gia cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết “điều này cho thấy nền kinh tế đang co lại với tốc độ nhanh nhất kể từ đỉnh điểm của đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên hồi đầu năm 2020”.

Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) ước tính, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí đầu tiên của năm 2022 có thể đã giảm mạnh xuống mức 2-3%, so với mức 6,6% của quí 4-2021.

Bắc Kinh đối mặt với bài toán khó

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác lại tin rằng, ngay cả khi chi phí kinh tế của việc duy trì chiến lược zero Covid ngày càng gia tăng, sẽ khó có chuyện Trung Quốc sớm thay đổi lập trường của mình. Trao đổi với SCMP, ông Gu Su, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh cũng lưu ý tính thời điểm. Theo ông, việc kiểm soát dịch hiệu quả và duy trì zero Covid như hiện nay là cần thiết khi chỉ còn vài tháng nữa là đến đại hội thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một bài xã luận của Tân Hoa Xã hôm thứ Tư tuần trước đã tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với chính sách chống dịch cứng rắn, và nhấn mạnh rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân chỉ đạo các biện pháp phòng dịch.

Chuyên gia kinh tế trưởng Gao Ruidong tại Everbright Securities cho biết: “Việc mở cửa đất nước để chung sống với Covid-19 không chỉ cần xem xét các nguồn lực y tế và ứng phó khẩn cấp, mà còn phải đánh giá kỹ lưỡng cả mức độ ảnh hưởng đối với tăng trưởng. Cần có các chính sách vĩ mô tích cực để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tuần trước đã tái khẳng định, nước này sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng cả năm bất chấp những thách thức mới. Tại một cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết chính phủ nước này sẽ ưu tiên tăng trưởng ổn định và soạn thảo các kế hoạch dự phòng để đối phó với khả năng xảy ra những bất ổn lớn hơn. Nhà lãnh đạo này nhận định, các chính sách để ổn định tăng trưởng cần được triển khai càng sớm càng tốt, đồng thời tránh các biện pháp có thể làm giảm kỳ vọng của thị trường. Tại Thượng Hải, một gói giảm thuế phí trị giá 22 tỉ đô la và nhiều biện pháp hỗ trợ, chủ yếu dành cho người lao động và nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng đã được triển khai.

Hồi đầu tháng 3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay kỳ hạn một năm ở mức 3,7%, một động thái đi ngược lại kỳ vọng của thị trường. Ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ UBP nhận định, quyết định này phản ánh sự thận trọng của giới hoạch định chính sách PBoC.

PBoC hiện cũng đang cảnh giác cao độ trước khả năng về những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao kỷ lục có thể làm gia tăng xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi – một động thái cũng có thể làm suy yếu đồng nhân dân tệ.

Các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại

Trong khi Trung Quốc vẫn đang loay hoay với các biện pháp phong tỏa, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại nước này đang ngày càng tỏ ra lo ngại về tình hình dịch bệnh và khả năng Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách zero Covid lâu hơn dự kiến.

Đợt phong tỏa tại Thượng Hải hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn. Hãng sản xuất xe điện Mỹ Tesla đã phải kéo dài thời gian ngừng hoạt động của siêu nhà máy ở khu vực ngoại ô Thượng Hải. Trong khi đó, liên doanh của hãng xe hơi Đức Volkswagen với đối tác địa phương cũng phải đình chỉ hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải và một cơ sở khác ở phía Đông Bắc thành phố Trường Xuân, do không thể có đủ nguồn cung linh kiện.

Chia sẻ với SCMP, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) cho biết, “trong khi phần lớn các nước G20 đã thoát khỏi tình trạng phong tỏa phòng dịch, Trung Quốc dường như vẫn đang mắc kẹt với các phương thức cứng rắn. Chúng tôi lo ngại về việc các doanh nghiệp của mình sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng omicron tại Trung Quốc”.

Theo giới chức EUCCC, việc phong tỏa hiện nay sẽ tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với lĩnh vực dịch vụ, trong khi chuỗi cung ứng phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng. Bà Bettina Schoen, Chủ tịch phân hội Thượng Hải của EUCCC đánh giá, đây là một tình huống tồi tệ với đủ loại bất ổn, đặc biệt là với những công ty châu Âu có hạn chế về năng lực sản xuất, vốn chỉ có thể lập kế hoạch theo ngày. “Nhìn vào những gì các doanh nghiệp báo cáo, có thể thấy tình hình rất khó khăn. Việc thời gian phong tỏa kéo dài bao lâu sẽ có ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp trong những tháng tới”.

Giới doanh nghiệp Mỹ cũng chia sẻ nỗi lo tương tự. Ông Eric Zheng, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết những biện pháp phong tỏa là có thể chấp nhận được nếu chỉ diễn ra trong một vài ngày, nhưng sẽ là không bền vững nếu áp dụng trong dài hạn. “Ngay cả khi nhân viên của bạn sống và làm việc theo mô hình bong bóng ở các nhà máy, vẫn cần phải có các xe tải đến và đi, để vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu. Việc phong tỏa hoàn toàn trong thời gian dài là không thể. Tôi hy vọng đây chỉ là biện pháp quyết liệt mang tính tạm thời”.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Phòng thương mại Mỹ tại Bắc Kinh và Thượng Hải cho thấy, gần 75% trong số 167 doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh thu của họ dự kiến sẽ giảm trong năm nay; hơn 50% số doanh nghiệp đang ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi có tới 82% số doanh nghiệp bị giảm khả năng tuyển dụng và giữ chân nhân viên có năng lực do các biện pháp phong tỏa.

Nếu tình hình tại Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung không sớm được cải thiện, sự rời đi của các doanh nghiệp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khoảng 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho biết đang cân nhắc giảm đầu tư hoặc dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, nếu các biện pháp phong tỏa kéo dài vẫn tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới.

Nguồn: SCMP, CNN Business, Reuters, CNBC, Nikkei Asia

1 BÌNH LUẬN

  1. Học thầy không tày học bạn. TQ là bậc thầy về kinh bang tế thế. VN là bậc thầy về linh hoạt thích ứng. Nên học hỏi lẫn nhau thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới