Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn dự báo nhưng rủi ro vẫn bủa vây

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - GDP của Trung Quốc phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến ​​trong quí 3, nhưng các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt, khủng hoảng bất động sản ngày càng lan rộng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang thách thức những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy kinh tế hồi sinh mạnh mẽ trong năm tới.

Hôm 24-10, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 3,9% trong quí 3, cao hơn mức dự báo 3,4% của các nhà phân tích được Reuters khảo sát và cải thiện rõ rệt so với tốc độ 0,4% trong quí 2.

Dữ liệu GDP ban đầu dự kiến công bố hôm 18-10 nhưng bị trì hoãn trong bối cảnh Đại hội Đảng Cộng sản đang diễn ra. Đại hội đã kết thúc hôm 22-10 và một ngày sau đó, ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi và tiềm năng rất lớn. Các yếu tố cơ bản mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thay đổi và sẽ nằm trên quỹ đạo tích cực trong thời gian dài”, ông Tập nói với các phóng viên hôm 23-10 khi công bố đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ mới.

Container tập kết ở cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải. Trong tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,7% so với một năm trước đó nhưng là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4 - Ảnh: Reuters

Nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi khu vực sản xuất, với dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 9 đã tăng 6,3% so với một năm trước đó, cao hơn mức 4,5% theo dự báo. Dù xung lực phục hồi đã trở lại, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt, trong lẫn ngoài nước.

Chiến lược ‘zero Covid’ của Bắc Kinh và cơn khủng hoảng bất động sản đã làm trầm trọng thêm áp lực bên ngoài liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và rủi ro suy thoái toàn cầu do làn sóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3,2% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%, đánh dấu một trong những mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua.

Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục chịu sức ép bao gồm xuất khẩu tăng 5,7% so với một năm trước đó trong tháng 9, cao hơn dự báo nhưng là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 2,5% trong tháng trước, thấp hơn dự báo và giảm so với tốc độ tăng 5,4% trong tháng 8, cho thấy nhu cầu trong nước vẫn ảm đạm.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị tăng lên mức 5,5% vào tháng 9, cao nhất kể từ tháng 6, với tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động từ 16 đến 24 tuổi ở mức 17,9%. Đáng chú ý, giá nhà đã giảm trong tháng thứ mười ba liên tiếp trong tháng 9. Đầu tư vào bất động sản đã giảm 8% trong chín tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường, nhiều chủ đầu tư bất động sản vẫn đang chật vật để hoàn thành các dự án, trong khi đó, niềm tin của người mua nhà đối với giá nhà trong tương lai đã giảm xuống mức thấp nhất kỷ lục.

Một dự án chung cư đang được thi công ở Thượng Hải. Giá nhà ở Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ mười ba liên tiếp trong tháng 9. Ảnh: Bloomberg

Một điểm sáng hiếm hoi là trong tháng 9, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tăng gần gấp đôi so với tháng trước và vượt xa kỳ vọng, nhờ những nỗ lực của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhằm vực dậy nền kinh tế.

Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, nói: “Chính sách tổng thể của Trung Quốc sẽ vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải có thêm động lực chính sách để thúc đẩy kinh tế phục hồi, nhưng việc cắt giảm thêm lãi suất là khó có thể xảy ra trong thời kỳ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất mạnh mẽ”.

Điều lớn nhất rút ra từ dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong quí 3 là “Covid-19 vẫn đang tác động đến nền kinh tế”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ING, nói đồng thời lưu ý rằng sự phục hồi của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư và sản xuất công nghiệp. Bà Pang cho biết thêm, việc giảm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đã góp phần thúc đẩy sản lượng công nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong nước bị sụt giảm do các biện pháp kiểm soát Covid-19.

Michelle Lam, nhà kinh tế tại Ngân hàng Societe Generale, nói: “Đối với phương hướng chính sách, việc thoát khỏi chính sách ‘zero Covid’ và giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản vẫn quan trọng nhất”.

Dữ liệu tần suất cao trong tháng này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn yếu ớt, với doanh số bán nhà mới ở 30 thành phố hàng đầu giảm 21% so với năm ngoái trong tuần kết thúc vào ngày 18-10, theo Ngân hàng Citigroup. Tuần trước, lượng khách sử dụng tàu điện ngầm thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch và về cơ  bản, không thay đổi so với mức cuối tháng 9, trong khi giá hàng hóa xuất khẩu giảm thêm, cho thấy nhu cầu toàn cầu suy yếu. Doanh thu du lịch từ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần vào đầu tháng này giảm 26% so với năm ngoái.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới