Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 5,2% trong năm 2023, cao hơn mục tiêu 5% nhưng được ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập niên qua (trừ 3 năm phong toả vì Covid-19). Cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin người tiêu dùng suy yếu đã giáng đòn nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất chấp Bắc Kinh đã dỡ bỏ tất cả các lệnh phong toả nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch Covid-19.

Khủng hoảng bất động sản và niềm tin suy yếu của người tiêu dùng kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc trong năm ngoái và dự kiến tiếp tục gây áp lực lên nên kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay. Ảnh: Financial Times

Theo dữ liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 17-1, GDP của nước này tăng 5,2% trong cả năm 2023. Nếu không tính ba năm Trung Quốc đóng cửa với thế giới bên ngoài trong đại dịch, nền kinh tế nước này tăng trưởng trong năm ngoái với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3%, trong khi năm 2020, năm đầu tiên xảy ra Covid-19, chỉ tăng trưởng 2,2%. Kết quả tăng trưởng năm 2023 cao hơn nhờ so sánh với mức cơ sở tương đối thấp của năm 2022, khi các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch kìm hãm các hoạt động kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng 5,2% của năm ngoái vượt mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là tăng trưởng khoảng 5%. Triển vọng duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức tương tự trong năm nay có thể khó khăn hơn, bởi các nhà hoạch định chính sách vẫn do dự trong việc đưa ra các gói kích thích lớn.

Dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay của một số ngân hàng đầu tư toàn cầu dao động từ 4-4,9%. Trung Quốc dự kiến công bố mục tiêu tăng trưởng chính thức tại kỳ họp quốc hội thường niên diễn ra vào tháng 3.

Động lực tăng trưởng trong ngắn hạn của Trung Quốc chưa rõ ràng. Nhu cầu xuất khẩu đang yếu đi do nền kinh tế toàn cầu được dự đoán chậm lại trong năm nay. Các hộ gia đình Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nhiều năm hạn chế vì đại dịch và không nhận được hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ. Điều này khiến họ trở nên thận trọng chi tiêu trong bối cảnh thị trường việc làm yếu kém. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã ngừng đầu tư mới trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn ra khỏi quốc gia này.

Nỗ lực của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới từ các lĩnh vực như xe điện và năng lượng tái tạo mang lại đôi chút kết quả. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những lĩnh vực này khó có thể để bù đắp những điểm yếu về khởi tạo việc làm và tốc độ tăng trưởng chung do sự sụt giảm nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản.

Dữ liệu của NBS công bố vào cùng ngày cho thấy, trong tháng 12, giá nhà thương mại tại 70 thành phố lớn giảm 0,45% so với tháng 11, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2-2015. Giá nhà trên thị trường thứ cấp cũng không khá hơn khi giảm 0,79% trong tháng 12, bằng tốc độ giảm của tháng trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (không bao gồm sinh viên) trong tháng 12 ở mức 14,9%. Con số này cải thiện cho tỷ lệ thất nghiệp thanh niên 21,3% (bao gồm sinh viên) mà Trung Quốc công bố lần gần đây nhất, vào tháng 6-2023.

“Tính tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ không bao gồm sinh viên, có thể phản ánh chính xác hơn tình hình việc làm của thanh niên”, Kang Yi, người đứng đầu NBS, cho biết trong một cuộc họp ở Bắc Kinh.

Về lâu dài, Trung Quốc đối mặt với một loạt thử thách, từ dân số sụt giảm cho đến môi trường chính trị bên ngoài ngày càng xấu đi.

Dữ liệu công bố hôm 17-1 cũng chỉ ra những dấu hiệu mới về tình trạng nhân khẩu học tồi tệ của đất nước. NBS cho biết, dân số Trung Quốc giảm 2,08 triệu người vào năm ngoái, xuống còn 1,409 tỉ người, sau khi giảm lần đầu tiên sau nhiều thập niên vào năm 2022.

Các nhà kinh tế lo ngại, Trung Quốc có thể rơi vào một vòng luẩn quẩn, trong đó giá cả giảm nhưng nhu cầu yếu, giống như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản vào thập niên 1990. Việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc do dự với các kích thích khiến nhiều nhà kinh tế bối rối.

Thay vào đó, Bắc Kinh tung ra một loạt các biện pháp nhỏ hơn, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất chủ chốt, giảm chi phí vay thế chấp cho người mua nhà. Đồng thời thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn. Tuy vậy, những biện pháp đó hầu như không có tác dụng đáng kể để giúp đảo ngược áp lực suy giảm đối với nền kinh tế.

Hồi tháng 10, Trung Quốc cho biết sẽ phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 137 tỉ đô la, biện pháp kích thích lớn nhất mà Bắc Kinh thực hiện cho đến nay. Các nhà kinh tế cho rằng điều đó vẫn chưa đủ để vực dậy nền kinh tế.

Hôm 16-1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên lần thứ 54 tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tiết lộ trước mức tăng trưởng 5,2%, con số này là nhờ các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc “tăng cường các động lực bên trong”, thay vì tung ra các biện pháp kích thích lớn khi nền kinh tế Trung Quốc thoát ra khỏi đại dịch.

“Tôi tự hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có nhận ra rủi ro lớn đến mức nào nếu áp lực giảm phát ngày càng gia tăng hay không”, Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng châu Á của ngân hàng đầu tư Natixis, nói.

Theo dữ liệu của NBS công bố vào cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này giảm 0,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

“Đây là đợt giảm phát sâu nhất và dài nhất ở Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Giảm phát càng kéo dài thì cần có chính sách kích thích lớn hơn”, Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Morgan Stanley, bình luận.

Theo WSJ, Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới