Thứ ba, 1/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế tư nhân và phát triển

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có một thời chúng ta chỉ nhắc đến kinh tế nhà nước, coi doanh nghiệp nhà nước là trụ cột, là nền tảng của cả nền kinh tế mà xem nhẹ kinh tế tư nhân. Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP. Ảnh: VGP

Trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, ông đã điểm lại thành tựu 40 năm phát triển của Việt Nam, từ thu nhập bình quân đầu người 96 đô la Mỹ/năm vào năm 1989 đến 4.700 đô la Mỹ năm 2024 và khẳng định rằng thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Từng chỉ giữ vai trò thứ yếu sau doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong hai thập niên trở lại đây khu vực kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tổng Bí thư đưa ra các con số ấn tượng: với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% số thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Câu chuyện 300 năm trước

Vai trò của kinh tế tư nhân đã được Adam Smith viết khá kỹ. Sinh ra cách đây 302 năm (1723), ông được cho là người sáng lập ra kinh tế học hiện đại. Ông cho rằng, phồn vinh cộng đồng được phát sinh từ việc theo đuổi lợi ích cá nhân trong môi trường kinh tế thị trường tự do, kiểu “mình vì mình” chứ không phải “mình vì mọi người” một cách chung chung.

Trong cuốn sách “Phồn vinh của các quốc gia” (The Wealth of Nations - An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) xuất bản lần đầu năm 1776, Smith đã giải quyết câu hỏi làm thế nào xã hội có thể phối hợp các hoạt động độc lập của một số lượng lớn các tác nhân kinh tế - nhà sản xuất, nhà vận chuyển, thương nhân, người tiêu dùng - những người thông thường không biết lẫn nhau và họ nằm rải rác khắp nơi trên thế giới.

Lập luận của Smith là, sự phối hợp giữa tất cả các tác nhân này có thể phát sinh một cách tự nhiên, không cần bất kỳ nỗ lực của ai hoặc tổ chức nào để tạo ra hoặc duy trì nó. Ông gọi đó là kinh tế thị trường tự điều tiết.

Câu của Smith hay được trích dẫn nhất là: “Chúng ta không mong đợi bữa ăn ngon của mình từ thiện chí của người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì, mà từ việc họ theo đuổi lợi ích của chính họ”. Ý là, muốn có tiền nhiều thì phải làm cho tốt, thịt phải ngon, bánh mì phải thơm, hãy vì mình trước, còn vì người khác thì... tính sau.

Câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” ý nói khi ăn cơm phải nhớ đến người trồng lúa, nếu đặt trong ngữ cảnh của Smith thì hơi... sai sai. Theo Smith, thì ông trồng lúa không bán được gạo thì ông ta sống thế nào. Ông ta trồng lúa vì chính ông ta và cứ nghĩ thế cho nó... vuông. Nói trồng lúa là vì quốc gia, dân tộc, cộng đồng, thì xa rời thực tế và có lẽ ít nông dân nghĩ đến.

Adam Smith được coi là ông tổ của chủ nghĩa tư bản, nhưng thật tội nghiệp, quyển “The Wealth of Nations” không hề được người Mỹ coi trọng, ông cũng chẳng được tôn vinh, nhưng phải thừa nhận Mỹ cũng như bất kỳ quốc gia nào có kinh tế tư nhân phát triển thực dụng theo kiểu Smith đều phồn vinh hơn.

Việt Nam cũng sẽ cất cánh từ... tư nhân

Với Việt Nam thì trải nghiệm không khác mấy khi vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận lại. Những thất bại trong mô hình kinh tế bao cấp đã giúp thay đổi và xuất hiện từ “Đổi mới” năm 1986. Trong vài mục tiêu “Đổi mới” có mục tiêu “Trao quyền sử dụng đất”, nôm na là nông dân (80% dân số khi đó) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc ra ngoài cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình. Thực chất là thừa nhận vai trò của tư nhân trong phát triển.

Vài năm sau, dù diện tích không đổi, dân số tăng, thế mà từ một nước phải dựa vào viện trợ lương thực lại trở thành quốc gia xuất khẩu gạo. Cú hích về chính sách đã giúp tư nhân làm nên điều kỳ diệu bởi nút thắt thể chế “kinh tế tập trung” được gỡ bỏ.

Việt Nam có ba thế mạnh, đó là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin (IT). Internet chính là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là “cái cày” của người dân trong “đồng ruộng” toàn cầu hóa. Đưa Internet đến với từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân thuở trước. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên “đồng ruộng tri thức” ấy để xuất khẩu loại “gạo” mới. Vai trò của Nhà nước là tạo ra hành lang phát triển. Muốn tiến tới xã hội tri thức phải phát triển IT, công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), ngoài nông nghiệp là thế mạnh thì “ruộng đồng Internet” phải là ưu tiên hàng đầu. Hệ thống shipper hiện nay là một ví dụ về “nông dân” thời đại 4.0.

Singapore hay Trung Quốc dự đoán chính xác về công nghệ nên họ phát triển vượt bậc. Trong những thập niên tới là thời của AI thì họ cũng đã chuẩn bị nguồn lực từ chục năm rồi. Để đạt mục đích Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045 thì cần dự đoán chuẩn về dân số, người lao động dư dôi, công nghệ thay đổi kéo theo ngành nghề thay đổi, bối cảnh toàn cầu và khu vực có nhiều thách thức, để dựa vào đó mà vạch ra chiến lược lâu dài.

Bẫy thu nhập trung bình và tầm nhìn

Trong 25 năm qua, dù Việt Nam phát triển năng động nhưng có lẽ kinh tế tư nhân chưa được dự đoán bài bản, chưa được coi trọng thực sự, nên vẫn bị cái bẫy thu nhập trung bình giam lỏng trong mấy thập niên.

Năm 2002, ông Andrew Steer, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, lúc chuẩn bị rời Việt Nam để sang công tác tại Indonesia, khi được hỏi thách thức của Việt Nam trong thập niên tới là gì, ông có nói rằng “Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của thành công của chính mình, rơi vào cái bẫy mà Indonesia và mấy con hổ châu Á cũng bị rơi vào lúc đó”. Ông nói thêm, điều đó phụ thuộc vào “tầm nhìn lãnh đạo và khả năng điều hành của Chính phủ”.

Hiện nay, với tầm nhìn mới và sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Đảng và Chính phủ, có nhiều hy vọng khối tư nhân sẽ được chú trọng, đối xử công bằng với sự tập trung thực hiện bảy giải pháp mà trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc nhiều đến vai trò của tư nhân, Việt Nam sẽ vươn mình thật sự với công nghệ thời AI lên ngôi.

Khu vực tư nhân được coi trọng thì “mỗi chúng ta không mong đợi bữa ăn ngon của mình từ thiện chí của người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì, mà từ việc họ theo đuổi lợi ích của chính họ” như ông tổ lý thuyết kinh tế thị trường Adam Smith chỉ ra cách đây ba thế kỷ.

Bảy giải pháp được nêu trong bài viết

Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng

(1) Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập;

(2) Bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân;

(3) Bên cạnh việc phải củng cố mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước; cần ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng đỡ thành phần kinh tế hộ, kinh tế hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược của đất nước;

(4) Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới;

(5) Cải cách thể chế, kiến tạo nền hành chính “phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước”;

(6) Giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển cho kinh tế tư nhân, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ;

(7) Phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới