Thứ hai, 3/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế tuần hoàn: hướng đi tất yếu!

Trần Văn Thọ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ xưa cho đến vài chục năm gần đây, khi bàn về kinh tế ta thường nghĩ đó là quá trình khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa và thải bỏ sau khi tiêu dùng. Quá trình đó được gọi là kinh tế tuyến tính (linear economy, LE). Nhưng như vậy vừa làm cạn kiệt tài nguyên vừa tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường. Để kinh tế phát triển bền vững, cần phải chuyển kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (circular economy, CE).

Vì sao, kinh tế tuần hoàn?

Kinh tế tuần hoàn không phải chỉ là tuần hoàn vật chất (tái sử dụng, tái chế sản phẩm) mà bao gồm phạm vi rất rộng. Tuần hoàn vật chất gồm ba khái niệm hoặc 3R: Reduce (giảm chất thải), Reuse (tái sử dụng), và Recycle (tái chế). Ngoài 3R, phạm vi của kinh tế tuần hoàn gồm thêm 4R: Repair (sửa chữa sản phẩm, linh kiện...), Redistribute (tái bán, tái phân phối linh kiện và vật liệu đã tái chế), Refurbish (cải biến, thay đổi cơ năng sản phẩm tái sử dụng hoặc tái chế), và Remanufacturing (dùng linh kiện và nguyên liệu tái sử dụng hoặc tái chế để tái chế tạo sản phẩm). Như vậy có thể nói nội dung của kinh tế tuần hoàn gồm 7R.

Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn còn một số nội hàm khác nữa làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đáng kể là một số lĩnh vực sau. Thứ nhất, khuyến khích cộng hữu (sharing) thay vì sở hữu riêng một sản phẩm (chẳng hạn tạo điều kiện để nhiều người dùng chung ô tô, xe máy, phòng họp...). Thứ hai, doanh nghiệp thay vì cung cấp sản phẩm thì thiên về cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng hay cho doanh nghiệp khác. Chẳng hạn doanh nghiệp sản xuất bánh xe, lốp xe thay vì chỉ bán các sản phẩm này, họ cung cấp dịch vụ duy trì tính năng của bánh xe, lốp xe. Doanh nghiệp sản xuất máy công cụ không bán sản phẩm cho nhà máy mà cho thuê (lease) và cung cấp các dịch vụ duy trì, bảo dưỡng. Thứ ba, ngoài tái chế, tái sử dụng, sửa chữa sản phẩm, nỗ lực kéo dài tuổi thọ của sản phẩm ngày càng được doanh nghiệp chú trọng khi thiết kế sản phẩm mới. Thứ tư, chế độ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility, EPR) sẽ ngày càng được chú trọng. Theo chế độ này, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phải có trách nhiệm cho đến giai đoạn sản phẩm thải ra sau khi sử dụng và lo việc tái sử dụng, tái chế... Dưới chế độ này, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sẽ đầu tư vào lĩnh vực tuần hoàn sản phẩm hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các đơn vị khác chuyên về các lĩnh vực 7R nói trên.

Công nghệ số phát triển góp phần vào việc thực hiện hiệu quả, hiệu suất các hoạt động của kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt các dịch vụ liên quan cộng hữu hay các dịch vụ duy trì, bảo dưỡng mà nhà sản xuất cung cấp cho khách hàng được theo dõi (monitor), quản lý qua kết nối mạng.

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu của kinh tế nên nhiều nước tiên tiến đã tích cực triển khai các chính sách liên quan. Ellen McArthur Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận ra đời năm 2009, lần đầu tiên đưa ra khái niệm kinh tế tuần hoàn vào năm 2012 và đề xướng ba nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Thứ nhất, hoạt động kinh tế phải nhắm đến việc không gây ô nhiễm và giảm tối đa chất phế thải. Thứ hai, nguyên liệu và thành phẩm cần được dùng càng lâu càng tốt, và hướng vào quy trình tuần hoàn sản xuất - tiêu dùng - tái sử dụng. Thứ ba, hoạt động kinh tế cần hướng đến việc tái sinh và tăng chất lượng vốn tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên.

Sau đó, các nước có chính sách triển khai cụ thể để thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) năm 2015 đưa ra Gói Tuần hoàn (Circular Package) nhằm xác định chiến lược tăng trưởng đến năm 2030 với mục tiêu tối thiểu hóa lượng chất thải phát sinh, bảo trì càng lâu càng tốt giá trị của chế phẩm và nguyên vật liệu, tránh tình trạng cạn kiệt tài nguyên và biến động giá cả ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế... Tại Nhật Bản, Luật Cơ bản thúc đẩy hình thành xã hội tuần hoàn ra đời năm 2000 nhưng chủ yếu bàn về tuần hoàn vật chất (3R). Đến năm 2020, Nhật đưa ra Tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn gồm các hoạt động liên quan phạm vi rộng của kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn tại các nước đang phát triển

Mức độ phát sinh chất thải và cơ cấu chất thải thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như văn hóa, khí hậu. Theo điều tra, phân tích của Ngân hàng Thế giới (năm 2018) thì các nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình ít phát sinh chất thải hơn các nước thu nhập cao (tính theo số lượng chất thải trên đầu người), và hơn phân nửa chất thải liên quan đến thức ăn, rau quả. Còn các nước tiên tiến thì phát sinh chất thải nhiều hơn và cơ cấu thiên về các loại giấy và kim loại. Sự khác biệt về các loại chất thải phản ánh trên cơ cấu tiêu dùng khác biệt giữa nước có thu nhập thấp và thu nhập cao.

Bảng 1 cho thấy các nước có thu nhập cao như Mỹ, Canada và Singapore phát sinh chất thải nhiều hơn các nước thu nhập trung bình. Nhưng tương quan về trình độ phát triển và lượng chất thải không rõ ràng lắm. Chẳng hạn Việt Nam có thu nhập trên đầu người cao hơn Ấn Độ và Myanmar nhưng số lượng chất thải phát sinh trên đầu người ít hơn. Thu nhập trên đầu người của Việt Nam gần bằng Indonesia nhưng số lượng chất thải chỉ bằng phân nửa. Nhật Bản có thu nhập trên đầu người cao hơn Thái Lan và Malaysia nhưng số lượng chất thải ít hơn. Đặc biệt Mông Cổ là nước có thu nhập trên đầu người chỉ cao hơn Việt Nam độ 15% nhưng số lượng phát thải trên đầu người cao hơn cả các nước tiên tiến Bắc Mỹ. Trường hợp Mông Cổ dân số rất ít (chưa tới 4 triệu) nhưng có lẽ vì khách du lịch đông nên lượng chất thải trên đầu người lớn.

Như vậy số lượng chất thải phát sinh tùy thuộc một số yếu tố ngoài trình độ phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung, lượng chất thải tăng trong quá trình phát triển kinh tế. Các nước còn ở giai đoạn phát triển thấp hoặc trung bình cần tích cực ban hành các chính sách liên quan đến việc giảm thiểu chất thải và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế.

Kinh tế tuần hoàn không phải chỉ là tuần hoàn vật chất. Tuần hoàn vật chất gồm ba khái niệm hoặc 3R: Reduce (giảm chất thải), Reuse (tái sử dụng), và Recycle (tái chế). Ngoài 3R, phạm vi của nó gồm thêm 4R: Repair (sửa chữa sản phẩm, linh kiện...), Redistribute (tái bán, tái phân phối linh kiện và vật liệu đã tái chế), Refurbish (cải biến, thay đổi cơ năng sản phẩm tái sử dụng hoặc tái chế), và Remanufacturing (dùng linh kiện và nguyên liệu tái sử dụng hoặc tái chế để tái chế tạo sản phẩm).

Tại các nước đang phát triển, hoạt động liên quan đến kinh tế tuần hoàn mới chỉ trong phạm vi 3R của tuần hoàn vật chất, chẳng hạn thu gom phế thải nhựa, kim thuộc, giải thể đồ điện gia dụng đã qua sử dụng, trong đó một phần chôn lấp, phần khác sửa chữa, tái chế để tái sử dụng. Phế thải từ đồ điện gia dụng như máy giặt, ti vi, điện thoại di động... - gọi chung là e-waste, ngày càng nhiều, tăng theo thu nhập đầu người của một nước và cũng là loại phế thải dễ trở thành đối tượng của sửa chữa, tái chế. Trong khi đó, phế thải từ thức ăn, rau quả chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại phế thải nhưng hầu hết xử lý qua thiêu đốt hoặc chôn lấp.

Tại các nước đang phát triển, việc thu gom vật phẩm phế thải cũng như việc sửa chữa, tái chế hầu hết do các đơn vị cá thể (cá nhân, gia đình) thực hiện. Họ được gọi chung là khu vực phi chính quy (informal sector). Đặc tính chung là kỹ thuật kém, trang bị sơ sài, kỹ năng có giới hạn nên thường phát sinh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân lân cận. Kinh tế phát triển lên giai đoạn thu nhập cao, lao động dần dần thiếu hụt, cơ hội tìm việc làm trong các ngành khác tăng nên khu vực phi chính quy dần dần giảm, nhường chỗ cho những doanh nghiệp có tổ chức.

Việt Nam và kinh tế tuần hoàn

Ở Việt Nam, từ cuối thập niên 2010, thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” bắt đầu xuất hiện trong vài kế hoạch quốc gia, đặc biệt là kế hoạch liên quan đến năng lượng. Khái niệm này lần đầu tiên được chính thức đưa vào các báo cáo về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là tại Đại hội XIII (2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn chung, cũng như ở nhiều nước khác, vấn đề này tương đối mới nên các chính sách chưa được hoàn thiện và việc tuyên truyền, cổ động trong dân chúng về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn còn cần thời gian. Tuy nhiên, do tính quan trọng của vấn đề, Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện chính sách; doanh nghiệp cần đưa yếu tố tuần hoàn vào chiến lược kinh doanh, và người dân cần ý thức góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chất thải trong hành vi tiêu dùng.

Từ phân tích ở hai phần trên ta rút ra được nhiều hàm ý cho Việt Nam để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Có thể tóm tắt mấy điểm sau:

Thứ nhất, một số ngành, địa phương đã bắt đầu thực hiện các mô hình mang biểu hiện của kinh tế tuần hoàn như khu công nghiệp sinh thái, làng nghề tái chế chất thải..., nhưng phần lớn hoạt động thu hồi, tái chế phế phẩm được thực hiện bởi những đơn vị cá thể, phi chính thức. Họ cần được tổ chức hóa và hỗ trợ kỹ thuật, giúp tiếp cận vốn để trở thành các doanh nghiệp có tổ chức, và sau đó được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường. Các doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ kỹ thuật và vốn cho những đơn vị thu hồi, tái chế liên quan đến ngành của mình và dần dần cho tham gia vào chuỗi cung ứng.

Thứ hai, cho đến nay, hoạt động chủ đạo liên quan kinh tế tuần hoàn mới chỉ giới hạn trong phạm vi 3R của tuần hoàn vật chất. Cần sớm xác lập nền kinh tế tuần hoàn đầy đủ, gồm tất cả 7R. Đây là một thách thức lớn, nhưng là hướng đi tất yếu của thế giới, của thời đại nên cần nỗ lực. Các nước tiên tiến đã đi trước một bước, Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng vào bối cảnh xã hội, kinh tế của mình. Đặc biệt với cách mạng kỹ thuật số ngày càng phát triển, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đầy đủ tại các nước đi sau cũng thuận lợi.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp, cần ban hành chế độ tái sử dụng (recycle) trong đó nêu ra nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý”, kể cả quy định “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”, tức là trách nhiệm cho đến giai đoạn sản phẩm thải ra sau khi sử dụng và lo việc tái sử dụng, tái chế như nói ở trên...

Thứ tư, Nhà nước và giới truyền thông cần cổ động dân chúng ý thức về sự quan trọng của kinh tế tuần hoàn và phản ảnh ý thức đó trong hành vi tiêu dùng của mình. Người dân nên có tập quán dùng lại các thứ có thể dùng lại được. Các cửa hàng, siêu thị không cung cấp miễn phí bao bì, giấy gói hàng... Đặc biệt, hành vi liên quan văn hóa ẩm thực có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Như đã nói, tại các nước đang phát triển, thức ăn, rau quả chiếm hơn phân nửa số lượng chất thải mà các chất thải này lại không phải là những thứ có thể tái chế. Ở gia đình, ở nhà hàng, mọi người cần quản lý tốt lượng thực phẩm theo nhu cầu để giảm tối đa thực phẩm phải thải ra. Về điểm này tôi thấy các nhà hàng nên thay đổi cách trình bày các món ăn. Nhiều nơi dùng các đĩa, các tô rất lớn, khách hàng đặt món rất khó và thường bỏ lại nhiều. Tôi thấy cách trình bày theo từng đĩa nhỏ của món ăn Huế chẳng hạn là thích hợp với thời đại kinh tế tuần hoàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới