Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ ra sao?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể cao hơn 6,5% nếu lạm phát trên toàn cầu được kiểm soát, lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) diễn ra đúng kỳ vọng và các nền kinh tế tiến tới mở cửa quốc tế.

Phục hồi trên nền tảng vĩ mô ổn định

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi và lấy lại mức tăng trưởng đã đạt được trong giai đoạn trước dịch bệnh nhờ duy trì nền tảng vĩ mô ổn định năm 2021.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, sản xuất – kinh doanh được triển khai. Ảnh minh hoạ: TL.

Cụ thể, lĩnh vực xuất – nhập khẩu đã tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu hàng hoá với kim ngạch 336,31 tỉ đô-la trong cả năm 2021, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 91,09 tỉ đô-la, tăng 14,2% và chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việc kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng tốt, theo ông Ánh, đã tác động tích cực đến cán cân thương mại, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán.

Với hoạt động điều hành giá cả, ông Ánh cho rằng việc duy trì ổn định nền tảng giá cả của các mặt hàng thiết yếu, trong bối cảnh các chuỗi sản xuất và cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh, đã giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 2%.

Ngoài ra, mức dự trữ ngoại hối hơn trên 100 tỉ đô la Mỹ và việc đồng Việt Nam tăng giá khoảng 1% so với đô la Mỹ cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh.

Với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, ông Ánh cho biết việc triển khai đồng thời các chính sách, gồm: giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ an sinh xã hội với giá trị hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng vẫn nỗ lực kiểm soát nợ công, kiềm chế thâm hụt ngân sách và quyết liệt thúc đẩy đầu tư công là những nền tảng quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và phục hồi sau khi dịch được kiểm soát.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho biết việc kiên trì áp dụng chính sách tài khóa thận trọng và tăng cường hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp qua các chính sách tiền tệ đã giúp Việt Nam duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong năm 2021.

“Chính sách tiền tệ tăng cường hỗ trợ như vậy nhưng các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát hoàn toàn ổn định, khác hẳn so với những gì Việt Nam từng trải qua cách đây 12 năm”, ông Thành nói tại hội thảo “Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022” ngày 22-1.

Còn GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng tốc độ tiêm chủng thần tốc và quyết định thay đổi chiến lược chống dịch đúng thời điểm đã giúp Việt Nam duy trì các hoạt động kinh tế – xã hội ở trạng thái tương đối bình thường trong bối cảnh vẫn còn hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, qua đó giúp nền kinh tế phục hồi trong quý cuối năm từ mức tăng trưởng âm.

“Năm 2021, chúng ta vẫn đảm bảo mức thu ngân sách khá – thu đủ chi, không để thâm hụt quá lớn, làm đủ ăn. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp có một năm thành công khi được mùa được giá. Còn nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định với các chỉ số đều được kiểm soát trong giới hạn. Những yếu tố này đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam, giúp nguồn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng”, ông Cường phân tích.

Kỳ vọng từ xuất khẩu, FDI và gói phục hồi kinh tế

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.

Lý giải điều này, ông Thành cho rằng Việt Nam ở một vị trí rất thuận lợi về mặt cơ cấu xuất khẩu và có thị trường đa dạng với nhiều đối tác trên toàn cầu.

Ngoài ra, nước ta sẽ hưởng lợi nhờ bối cảnh khan hiếm hàng hoá trên toàn cầu do sự đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng.

“Cứ sản xuất được thì sẽ xuất khẩu được. Điển hình là năm ngoái khi xuất khẩu vào tất cả thị trường của Việt Nam đều tăng”, ông Thành nói.

Tương tự, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, dự báo sự phục hồi của một số bạn hàng lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng thích ứng, duy trì sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh. Điều này, theo ông Bình, được thể hiện qua chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỉ đô-la trong năm 2021, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 19%, còn kim ngạch nhập khẩu tăng 26,5%.

Về triển vọng xuất khẩu năm 2022, ông Thành ước tính kinh ngạch xuất khẩu cả năm tăng 14% so với năm trước nếu kinh tế thế giới vẫn khan hiếm hàng hoá trong 6 tháng đầu năm. Sau đó, hoạt động xuất khẩu sẽ khó khăn hơn khi lộ trình thắt chặt tiền tệ được áp dụng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Tân Cảng. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Lê Duy Bình cho biết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam khi nhìn vào nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư.

Trước đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ đô-la tính đến ngày 20-12-2021 – tăng 9,2% so với năm 2020, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh hai động lực tăng trưởng trên, các chuyên gia kỳ vọng gói phục hồi kinh tế – xã hội được Quốc hội thông qua sẽ tạo tác động tích cực với nền kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) có giá trị thực tế rất cao. Việc ban hành và áp dụng chính sách ngay lập tức cũng ảnh hưởng ngay đến đời sống người dân.

“Chính sách nào đưa ra mà không tạo ra gánh nặng sẽ đi ngay vào cuộc sống, ngoài ra, khi chính sách này không tạo ra nhiều điều kiện với đối tượng áp dụng thì sẽ phát huy tác dụng rất nhanh”, ông Thành nói.

TS Vũ Đình Ánh cho biết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT với nhiều mặt hàng đang chịu mức thuế suất 10% sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường.

Theo đó, nhà sản xuất và phân phối sản phẩm sẽ không phải tăng giá bán trong bối cảnh sức ép về chi phí gia tăng.

Còn người tiêu dùng sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu trong bối cảnh chịu sức ép giảm thu nhập, qua đó có điều kiện tốt hơn để tiếp tục chi cho nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày .

“Khả năng tiêu thụ theo đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và thực tế với chính sách này”, ông Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, chính sách giảm thuế GTGT sẽ góp phần kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu, gồm: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía hai phía là sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng; ôn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Ánh cho rằng đây là một cách tiếp cận mới khi các cơ quan quản lý chỉ quy định những đối tượng không được thụ hưởng chính sách, thay vì xác định đối tượng được thụ hưởng.

“Đây là một cách làm hay của chúng ta. Không chỉ giúp chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn mà còn giúp việc triển khai các gói hỗ trợ thuận lợi hơn, giảm bớt những sai phạm trong thực hiện”, ông Ánh nói.

Còn ông Hoàng Văn Cường dự báo chính sách sách này sẽ tác động rất rộng, rất mạnh với doanh nghiệp vì Chính phủ chỉ bỏ ra 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất nhưng lại tác động đến 2 triệu tỉ đồng tiền vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý các cơ quan xây dựng chính sách chú ý tới các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng không thể phục hồi, phát triển nếu không nhận được hỗ trợ về vốn và tín dụng.

“Những đối tượng này thường không thể đáp ứng các điều kiện tín dụng truyền thống, không có tài sản bảo đảm hoặc đang có khoản vay chưa thanh toán. Nếu đặt ra các điều kiện không vi phạm tiêu chuẩn cho vay thì nhóm này nhiều khả năng sẽ bị loại”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, các cơ quan xây dựng chính sách cần chuyển từ hình thức kiểm soát bằng các điều kiện tín dụng sang hình thức ngân hàng phải đồng hành với doanh nghiệp. Cụ thể, phải xem doanh nghiệp vay tiền với mục đích gì.

“Nếu doanh nghiệp mua hàng, mua nguyên vật liệu thì ta có thể trả tiền trực tiếp cho bên mua để họ nhận nguyên vật liệu về sản xuất. Sau đó, tiếp tục theo dõi quy trình sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm để thu ngay đồng tiền bán hàng đó để quay trở lại”, ông Cường đề xuất.

Phương án này, theo ông Cường, giúp ngân hàng quản lý các khoản vay thông qua việc quản lý dòng tiền, thay vì tài sản hay thế chấp. Điều này giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực sự có hoạt động phát triển, phục hồi được thụ hưởng chính sách.

Còn các đối tượng dùng tiền đó để quay vòng, gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản sẽ sớm được kiểm soát.

Ba kịch bản tăng trưởng GDP

Về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng mức tăng trưởng có thể cao hơn 6,5% nếu lạm phát trên toàn cầu được kiểm soát, lộ trình tăng lãi suất của FED diễn ra đúng kỳ vọng và các nền kinh tế tiến tới mở cửa quốc tế.

Thậm chí, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7,5% nếu kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng tăng lần lượt 14% và 7%.

Ngược lại, tăng trưởng GDP có thể dưới 5% nếu lạm phát toàn cầu gia tăng, tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu tiếp diễn, còn lạm phát trong nước vượt mức 4% và có thể đạt mức 5,6% khiến Chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới