Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế xanh không ở đâu xa

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước năm 1990, khi còn nhỏ sống ở nông thôn miền Trung, nhà tôi nhận khoán được 7 sào (3.500 mét vuông) đất lúa 2 vụ theo “khoán 10” của Nhà nước. Tới đầu vụ làm đất, cày bừa trước khi gieo sạ, tôi nhớ đụn phân heo, phân bò sau nhà mà sách vở gọi là phân chuồng đã ủ hoai, được tôi đánh xe bò kéo ra đồng.

Bảy sào đất tôi nhớ không lầm là phải chở ra đồng 2-3 xe bò phân chuồng. Ba mẹ tôi và hàng xóm ai cũng thi nhau hết gánh phân, tới chở bằng xe bò phân chuồng, nhờ vậy mà lúa tốt tươi, xanh um, chỉ còn bón một ít phân đạm u-rê hay phân lân, kali lúc lúa làm đòng cho bông lúa chắc hạt, thân cứng.

Trong những năm 2000, khi ra Đồng Nai công tác, đến các hộ chăn nuôi heo, tôi vỡ òa khi nhìn thấy chuồng heo nhà họ bớt hôi (trong các loại phân chuồng thì phân heo hôi kinh khủng) dù họ nuôi từng đàn hàng chục, hàng trăm con heo chứ không phải nuôi một vài con “bỏ ống tiết kiệm”, dùng cơm thừa canh cặn như quê tôi.

Khá đơn giản, lúc ấy các hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi làm mô hình ủ phân heo trong túi nhựa, trong bể kín, hay còn gọi là biogas, và lấy khí biogas đó để đun nấu như dùng bếp gas ở thành thị. Vậy là người nuôi được lợi kép, vừa có khí gas để đun nấu, vừa có phân hữu cơ sau ủ sẽ hoai mục, lại bớt hôi thối, để bón cho vườn cây trái.

Nhưng, điều đáng buồn là những hình ảnh như tôi vừa kể ngày càng ít dần. Mẹ tôi ở quê bây giờ không còn nuôi heo hay nuôi bò nữa, chuồng trại đã phá bỏ và hàng xóm đa phần cũng vậy, do nuôi quy mô nhỏ lẻ không còn hiệu quả so với chăn nuôi trang trại, công nghiệp.

Chuyện bể khí hay bao nhựa lớn chứa phân heo làm biogas ở nông thôn vùng Đông Nam bộ cũng ít dần khi mua bình gas cho đun nấu tiện lợi hơn nhiều.

Cũng 7 sào đất của mẹ tôi ngày trước nhưng nay vào vụ làm đất lại hiếm khi có chút phân chuồng làm tơi xốp đất, cung cấp dưỡng chất hữu cơ cho cây trồng. Mọi thứ đều được xe máy chở từng bao phân hóa học đưa sát tới ruộng lúa, mà bà con nông dân cho là “mau lẹ, hiệu quả, mau thấy”.

Những đụn phân chuồng sau chuồng heo, chuồng bò nhà tôi ngày ấy hay các hầm biogas mà tôi thấy ở Đông Nam bộ tưởng chừng bình thường ở nông thôn nhưng nay thành “quý hiếm”. Có lẽ vậy mà trong Quyết định “phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong giải pháp thực hiện có chi tiết nhỏ: “Phổ biến rộng rãi công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas và phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính”.

Trong chúng ta, có lẽ mỗi khi nghe tới kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, ai cũng nghĩ nó là những vấn đề to lớn, phải ứng dụng khoa học phức tạp, thậm chí lắm người còn nghĩ chỉ các nước phát triển may ra mới có kinh tế xanh.

Té ra kinh tế xanh, tăng trưởng xanh không ở đâu xa, thật gần gũi và có khi nó là đụn phân heo phân bò được ủ hoai mục bón cho cây trồng, là tận dụng phân chuồng làm khí biogas mà lắm người dân ở nông thôn đã từng ít nhiều biết tới.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thế giới hiện nay dường như đang sa đà khi đề cập đến kinh tế xanh, với những lời lẽ quá hoa mỹ/ mục tiêu quá hùng vĩ/ nhưng hành động thì có vẻ kỳ bí, nói vậy mà không phải vậy ? Xanh, thực chất là những gì thuộc về tự nhiên, theo nguyên lý những gì của tự nhiên hãy trả lại cho tự nhiên. Đó là phương thức tồn tại và phát triển bền vững nhất. Mọi thứ phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ, từ những gì luôn ở quanh ta thường ngày, nhưng phải chính từ trong tâm mà ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới