Thứ Bảy, 19/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế xanh không thể phát triển nếu thiếu chính sách dẫn dắt

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những chuyển động xanh hiện nay, từ xe điện, điện mặt trời mái nhà, đến kinh tế tuần hoàn chưa thể lan tỏa khi thiếu “cú hích” chính sách. Không một đô thị nào có thể “tự nhiên xanh” nếu chính quyền không chủ động dẫn dắt. TPHCM, đầu tàu kinh tế cả nước cũng không ngoại lệ.

Các tài liệu thống kê cho thấy, 67% rác thải ở TPHCM vẫn được chôn lấp, hệ thống xe máy - xe xăng vẫn thống trị các tuyến đường còn năng lượng tái tạo chủ yếu do hộ gia đình tự đầu tư lắp pin điện mặt trời nhưng hiện vẫn thiếu cơ chế mua bán điện rõ ràng.

Những nỗ lực nhỏ lẻ từ doanh nghiệp và người dân như làm điện mặt trời mái nhà ở văn phòng, nhà xưởng hay nhà ở sẽ khó tạo nên đột phá nếu không được khơi thông bằng đầu tư công định hướng, quy hoạch chung và có chính sách ưu đãi tài chính đúng mục tiêu mang tính khích lệ ban đầu.

Kinh tế xanh là một quá trình chuyển đổi chứ không phải một khẩu hiệu. Thế nên, cũng như mọi chuyển đổi trong phát triển kinh tế đô thị, rất cần một lực đẩy ban đầu từ thể chế.

Trong lý thuyết về “tipping-point” (điểm tới hạn), các chuyên gia cho rằng, một hành vi hoặc mô hình tiêu dùng mới chỉ có thể trở thành chuẩn mực khi có ít nhất 17 - 25% dân số trong cộng đồng làm tiên phong. Tuy nhiên, để có được đủ lượng người tiên phong thì không thể chỉ trông chờ vào thị trường tự điều tiết mà vai trò dẫn dắt ban đầu của Nhà nước là yếu tố quyết định.

TPHCM đã có những chính sách như giao chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà công vụ, ban hành quy định về phân loại rác tại nguồn, khuyến khích taxi xanh, hay gọi vốn cho các dự án công - tư (PPP) trong xử lý chất thải. Thế nhưng, các chính sách này vẫn dừng ở mức “mời gọi”, thiếu sự bắt buộc, theo dõi và đánh giá hiệu quả để tìm kiếm hướng đi đúng. Trong khi đó, doanh nghiệp xanh vẫn loay hoay với thủ tục vay vốn, chưa được tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc ưu đãi thuế thiết thực.

“Nhà nước kiến tạo” trong trường hợp này không chỉ là nơi lập quy hoạch và ban hành văn bản mà phải là nơi tham gia mua dịch vụ đầu tiên (first customer) cho những sản phẩm xanh như điện mặt trời mái nhà công sở, điện của các dự án đốt rác phát điện… Nhà nước cũng có thể là bên bảo lãnh cho các dự án rủi ro cao như giao thông công cộng hay điện mặt trời khu công nghiệp và là người dẫn dắt bằng đầu tư công chiến lược.

Kinh tế xanh sẽ không tự đến bằng mong muốn mà cần có những chính sách được thiết kế bài bản, có tầm nhìn dài hạn và nhất là cần được thể chế hóa bằng các hành động cụ thể.

Không thể có đô thị xanh, kinh tế xanh khi mà cơ quan quy hoạch, tài chính, giao thông, năng lượng, môi trường vẫn vận hành rời rạc; càng không thể trông chờ thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp tự “bơi” mà thiếu đi “cú hích” đủ mạnh để tạo đột phá.

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết dường như đặt toàn bộ trách nhiệm phát triển kinh tế xanh lên vai chính phủ, trong khi thực tế, kinh tế xanh là một nỗ lực đa bên, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, tổ chức quốc tế, và cộng đồng dân cư. Ví dụ, nhiều sáng kiến xanh thành công ở các nước khác (như Hà Lan với các hợp tác công-tư trong năng lượng tái tạo) cho thấy vai trò của khu vực tư nhân và cộng đồng có thể quan trọng không kém chính sách nhà nước. Bài báo chưa đề cập đến việc khuyến khích các sáng kiến từ dưới lên (bottom-up) từ doanh nghiệp hoặc người dân.

  2. Tác giả kỳ vọng Nhà nước đi đầu trong tiêu dùng xanh, đầu tư công trình xanh… nhưng quên rằng ngân sách hiện rất hạn chế. Chính sách có thể hỗ trợ, nhưng không thể thay thế vai trò chủ động, cạnh tranh và linh hoạt của khu vực tư nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới