Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kịp thời ứng phó bão Noru, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, chiều nay 25-9 đã chủ trì cuộc họp khẩn chỉ đạo ứng phó với bão Noru – dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tương đương bão Sangxane 2006, Ketsana 2009 và Molave 2020.

Ảnh đồ họa cơn bão Naru – Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia chiều 25-9

Hiện vị trí tâm bão đang đi qua đảo Luzon (Philippines) về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cuối cấp 15 (167-183 km/giờ), giật trên cấp 17. Đây là cấp bão rất mạnh, sát với cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên).

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các trung tâm dự báo bão của Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông đánh giá bão Noru ở cấp siêu bão (cấp 16 trở lên). Dự báo trong khoảng đêm nay, bão Noru sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong mùa mưa bão năm nay.

Sau khi vào biển Đông, bão có quá trình mạnh trở lại, có khả năng đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa với gió giật cấp 13 – cấp 14; giật trên cấp 16; dự báo khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 – cấp 13, giật trên cấp 14 và tác động trực tiếp đến các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25-9, ở vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8 m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10 m, biển động dữ dội. Dự báo khi đổ bộ vào đất liền khu vực Trung bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, ghi nhận các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão đã chủ động kiểm đếm, hướng dẫn hơn 57.000 tàu với hơn 300.000 lao động, trong đó khu vực bắc biển Đông, giữa biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu với hơn 7.400 người…

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát và lên phương án sơ tán dân với tổng số hơn 213.000 hộ với 868.000 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, các tỉnh này đã sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93.000 hộ với gần 370.000 người tùy theo diễn biến của bão.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo, trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất, kịp thời ứng phó trước khi bão đổ bộ, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới