Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Hà Nội bước đầu làm ‘công nghiệp văn hóa’…

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Các công trình, cơ sở công nghiệp minh chứng cho quá trình phát triển đô thị đang được Hà Nội khai thác để tổ chức các không gian văn hóa sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn cần hết sức cẩn trọng”, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Bài học Singapore

KTSG: Thời gian gần đây, Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã trở thành những điểm đến mới của du lịch Hà Nội, khẳng định rõ hơn khả năng tồn tại của những công trình công nghiệp thế kỷ trước trong đời sống đương đại. Thưa ông, từ góc nhìn của một kiến trúc sư, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

KTS. Đào Ngọc Nghiêm.

- KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Trên thế giới, việc phải quy hoạch, tổ chức lại không gian phù hợp với trình độ phát triển của đô thị là một quá trình đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Sau hàng thập kỷ, Malaysia đã hoàn thành di dời trụ sở các cơ quan công quyền tới một thành phố cách trung tâm Kuala Lumpur chừng 30 ki lô mét về phía Nam, dành toàn bộ không gian đô thị phục vụ các mục đích dân sinh và phát triển kinh tế. Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cũng đang ấp ủ những điều chỉnh thích hợp cho các đại đô thị.

Hà Nội là một trong mười hai thành phố có lịch sử phát triển liên tục suốt hàng ngàn năm, việc quy hoạch đô thị, chuyển đổi chức năng các công trình hạ tầng trên địa bàn càng cần phải cẩn trọng. Nguyên tắc là bảo tồn văn hóa nhưng vẫn không kìm hãm phát triển, đáp ứng các hạ tầng quan trọng để ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân.

Nội thành Hà Nội có hơn 160 cơ sở công nghiệp nhưng trong quá trình phát triển đô thị những năm vừa qua, gần 90 địa điểm đã bị phá hủy hoặc thay đổi chức năng. Vừa rồi, Hà Nội đã có phương án khai thác lại một số công trình nhằm phục vụ cho công nghiệp văn hóa và được dư luận hết sức hoan nghênh.

Tuy nhiên, đó chỉ là những bước đầu. Các cơ quan quản lý cần có tầm nhìn dài hạn, một mặt, đưa ra phương án bảo tồn kết hợp khai thác một số công trình, cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo văn hóa; mặt khác, quy hoạch và phát triển các công trình nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng sống của người dân sở tại như không gian xanh, vườn hoa, sân chơi, công viên...

Hiện nay, trong các khu dân cư ở nội đô thiếu các không gian xanh, các công trình công cộng và các dịch vụ thương mại hiện đại. Tuy nhiên, các công trình mới phải hài hòa với các công trình xung quanh, đặc biệt, phải là các công trình xanh với mật độ xây dựng hợp lý.

Ngoài ra, khi ứng xử với các công trình mang dấu ấn phát triển đô thị, Hà Nội cần hết sức thận trọng. Từ giữa những năm 1960, Singapore bắt đầu thực hiện cải tạo lại khu Chinatown, xây dựng lên một số khu nhà cao tầng. Vài chục năm sau, để phục vụ du lịch, Singapore phá các tòa nhà mới xây, phục dựng lại ba căn nhà kết hợp cửa hàng có thiết kế giống hệt nguyên mẫu vào những năm 1950 của thế kỷ trước.

Để công trình kiến trúc là động lực phát triển kinh tế

KTSG: Muốn thúc đẩy công nghiệp văn hóa, buộc phải có những thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngoài tận dụng tài nguyên từ các công trình, cơ sở công nghiệp thế kỷ trước, các trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất trực thuộc bộ, ngành thuộc diện di dời khỏi nội đô Hà Nội cũng có thể trở thành không gian cho mục tiêu trên. Theo ông, liệu viễn cảnh trên có thể thành hiện thực hay không và làm thế nào để thúc đẩy điều đó?

- Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có diện tích chừng 20 héc ta, nằm ở vị trí đắc địa ở quận Long Biên. Đây là khu vực đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản, có doanh nghiệp dự định xây dựng khu đô thị sau khi nhà máy di dời. Tuy nhiên, Hà Nội đã lựa chọn cải tạo, tu sửa nhà máy trở thành nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Sáng tạo Hà Nội 2023. Nói như vậy để thấy, Hà Nội rất muốn quy hoạch quỹ đất các trụ sở, nhà máy cũ thành không gian cộng đồng, phục vụ văn hóa, du lịch. Vậy vướng mắc ở đây là gì?

Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã bảy lần được phê duyệt quy hoạch chung. Trong mỗi lần như vậy, quy hoạch chung Hà Nội đều có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, quy hoạch chung được duyệt năm 1998 có những điều chỉnh rất lớn, định hướng Hà Nội phát triển sang cả hai bên sông Hồng. Đồng thời, đó là một dịp để rà soát lại các khu chức năng để có sự điều chỉnh hợp lý.

Trong quy hoạch được duyệt năm 2011 sau khi mở rộng địa giới thủ đô, Hà Nội đã xác định phải di dời trụ sở một số bộ ngành, một số cơ sở công nghiệp, một số trường đại học và đã thực hiện được một phần. Tuy nhiên, một số cơ sở công nghiệp và trụ sở bộ ngành vẫn chưa giao trả lại đất cũ cho Hà Nội vì các diện tích này vẫn đang trong thời gian thuê đất của nhà nước. Thậm chí, có hiện tượng chuyển giao đất cũ cho các doanh nghiệp thành viên, các đơn vị trong cơ cấu tổ chức để sử dụng chứ không giao lại cho Hà Nội. Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục vướng mắc này.

Thứ hai, Hà Nội đang trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong luật này, Hà Nội đề nghị chính sách đặc thù để thúc đẩy việc di dời các trụ sở, cơ quan của các bộ ngành. Theo đó, Hà Nội hỗ trợ địa điểm và kinh phí để các đơn vị thực hiện di dời xây dựng trụ sở mới và được tiếp nhận những địa điểm cũ. Đồng thời, thành phố cũng có quyền chủ động trong việc sử dụng diện tích đất của các bộ, ngành đã di dời, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và nhu cầu dân sinh.

KTSG: Những ví dụ có thể còn rất nhỏ nêu trên đã mở ra khả năng văn hóa là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Đi xa hơn, để văn hóa thành động lực cho kinh tế, trong lĩnh vực kiến trúc và di sản kiến trúc đô thị, ông có những chiêm nghiệm và gợi ý như thế nào?

- Trong Quy hoạch chung và đặc biệt là trong Luật Thủ đô, Hà Nội đã xác định rất nhiều khu vực cần phải bảo tồn. Đó là các khu mang tính đặc thù thể hiện vai trò chức năng của thủ đô như khu vực Ba Đình, các di tích đặc biệt như Lăng Bác, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám..., các khu cảnh quan thiên nhiên đặc thù như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, các khu phố cổ, làng cổ, làng nghề, các công trình biệt thự, công trình có kiến trúc đặc biệt xây dựng trước năm 1954, cũng như các di sản phi vật thể của Hà Nội.

Về biệt thự, Hà Nội đã nghiên cứu và xác định 1.216 biệt thự có giá trị cần bảo tồn, phân làm ba loại, loại 1 cần bảo tồn nguyên trạng (222 công trình), loại 2 được cải tạo chỉnh trang (356 công trình), loại 3 được cải tạo chỉnh trang hoặc phá dỡ một phần nhưng phải giữ phong cách kiến trúc (638 công trình).

Hiện đang có một xu thế nữa là cần lựa chọn bảo tồn các kiến trúc tiêu biểu cả trong những năm từ 1954- 1986, chứ không giới hạn ở mốc thời gian trước năm 1954. Trong giai đoạn này, nhiều trụ sở, thiết chế văn hoá, giáo dục... rất có giá trị được thiết kế bởi những lớp kiến trúc sư đầu tiên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài trở về. Các công trình là dấu ấn cho một thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa với kiến trúc có tính kế thừa, học hỏi từ các quốc gia cùng chí hướng. Trong công tác bảo tồn, Hà Nội đã thực hiện được một phần nhưng thành phố vẫn phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Đơn cử, với quỹ di sản phong phú như vậy, nguồn lực sẽ là một bài toán không dễ giải quyết. Hiện Hà Nội đã đề xuất xây dựng quỹ bảo tồn di sản với kinh phí hoạt động được trích một phần từ ngân sách. Phương án huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, kể cả các quỹ bảo tồn nước ngoài, quỹ bảo tồn tư nhân cũng đã được tính đến nhưng chúng ta đang chưa giải quyết được vấn đề hài hòa lợi ích giữa các mạnh thường quân và phía thụ hưởng.

Nhận diện giá trị di sản là một phần nhưng giải pháp cũng là vấn đề quan trọng. Thời kỳ tôi còn đang làm quản lý, tôi đã trao đổi với người Ý, Nhật Bản, Úc, cũng như các chuyên gia của Pháp. Nhìn chung, họ đều thống nhất rằng quỹ di sản của Hà Nội rất phong phú nhưng phải phân loại, lựa chọn. Chẳng hạn, đối với khu phố cổ Hà Nội, trong khi các chuyên gia trong nước đưa ra khoảng 1.200 công trình nhà ở có giá trị, các bạn Nhật lựa chọn hơn 500 cái, các bạn Ý xác định một con số khác. Hà Nội đã nhận ra được một bài học, nhận diện công trình có giá trị nhưng phải tương ứng với nguồn lực để thực hiện.

Xu hướng công nghiệp văn hóa đang ngày càng mạnh mẽ và có nhiều sáng tạo, là một định hướng mới trong phát triển. Song đối với các đô thị có quá trình phát triển lịch sử hàng ngàn năm, vấn đề là phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Có như vậy, các đô thị này mới đạt tới mức phát triển bền vững.

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Thấy gì từ cuộc hồi sinh Tháp nước Hàng Đậu?

Định vị văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, điều đó chứng tỏ xã hội đang trưởng thành. Xác định văn hóa là động lực phát triển, một xã hội đã ở mức trưởng thành. Cuộc hồi sinh Tháp nước Hàng Đậu, biến công trình công nghiệp từ thế kỷ trước thành một không gian văn hóa sáng tạo có thể đặt trong hướng tiếp cận này.

Tháp nước Hàng Đậu là một biểu tượng trong quá trình phát triển của đô thị theo phong cách phương Tây, là dấu ấn về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Thế nhưng, ngay từ thời Pháp thuộc, khi kỹ thuật cấp nước đã cải thiện, người Pháp đã muốn phá tháp nước này đi để dành chỗ cho một công trình khác có giá trị thương mại hơn. Dự định đó đã không thành, tuy vậy, nếu vừa rồi Tháp nước Hàng Đậu không được dùng để tổ chức các hoạt động nghệ thuật, nó sẽ dần mốc meo và tàn lụi.

Vấn đề là Tháp nước Hàng Đậu có một người “anh em song sinh”, cùng thiết kế và cùng hoàn thành năm 1894 là Tháp nước Đồn Thủy, nằm trong khuôn viên Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm trên đường Đinh Công Tráng. Tháp nước Hàng Đậu đã có cuộc sống mới, nên chăng, chúng ta cũng làm điều tương tự với người anh em song sinh của nó? Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là về tương lai các nhà máy cấp nước sạch trong nội đô. Công nghệ khai thác nước ngầm sẽ dần bị thay thế bằng khai thác nước mặt nên hầu hết các nhà máy nước trong thành phố sẽ không còn công năng cũ và buộc phải chuyển đổi. Nếu chúng trở thành cái đích cho các dự án bất động sản thì sẽ chất tải thêm cho đô thị rất nguy hiểm. Chúng đều có tiềm năng trở thành không gian nghệ thuật, không gian công cộng và ngay từ bây giờ, Hà Nội nên tính toán đến khả năng này.

Không chỉ tháp nước hay nhà máy nước, mỗi công trình kiến trúc công nghiệp từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay đều có giá trị riêng của chúng. Chúng là một phần lịch sử không thể tách rời của Hà Nội, giúp các thế hệ sau hình dung về tiến trình phát triển của đô thị này. Bản chất chúng đều là của công, phục vụ cho mục đích công thế nên, nếu phải di dời, chuyển đổi, chúng nên tiếp tục là các công trình công cộng phục vụ dân sinh.

Nhìn ra thế giới sẽ thấy các đô thị phát triển tràn ngập công trình kiến trúc ghi dấu sự phát triển của nền công nghiệp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khi tác động hay chuyển đổi công năng của các công trình này, họ đều cân nhắc vô cùng thận trọng. Cá biệt, đối với sân bay Berlin, cầu hàng không vận chuyển lương thực thực phẩm từ thế giới phương Tây cho Tây Berlin (Đức) trước năm 1991, dù diện tích rất rộng và nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố nhưng vẫn đang được giữ nguyên trạng. Người Đức chưa nghĩ ra ý tưởng tốt nhất để cải tạo không gian này.

Có lẽ ý tưởng tuyệt diệu hơn vẫn chờ đợi họ trong tương lai - đó là sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ mà các nơi khác nóng vội vì những lợi ích trước mắt cần học tập.

Hoàng Hạnh ghi

 

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Hình dung về không gian văn hóa sáng tạo trục cầu Long Biên

Cầu Long Biên vừa là một công trình giao thông, vừa là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Hà Nội muốn giữ lại cầu Long Biên, đồng thời mong muốn cây cầu này tiếp tục được “sống” trong sự phát triển không ngừng nghỉ của đô thị Hà Nội.

Vừa rồi, một cuộc hội thảo về cầu Long Biên đã được tổ chức, trong đó, các chuyên gia trong và ngoài nước đều ủng hộ biến cầu Long Biên trở thành một cầu đi bộ, khai thác không gian trên cầu như một bảo tàng sống. Trục cảnh quan cầu Long Biên sẽ kết nối giữa cây cầu này với các không gian vườn hoa, công viên cây xanh, văn hóa, nghệ thuật bãi giữa sông Hồng. Ở phía bên kia, từ cầu Long Biên đi vào không gian văn hóa kết hợp thương mại ở phố cổ: chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào... hay rẽ vào hướng Tháp nước và vườn hoa Hàng Đậu. Hai tuyến đường này đều kết nối với 130 mố cầu Long Biên, đến tận ga Hàng Cỏ. Đoạn mố cầu ở phố Phùng Hưng đã được cải tạo thành không gian văn hóa sáng tạo thu hút người dân, du khách và hoàn toàn có thể biến những vòm cầu ấy thành những cửa hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống của Hà Nội.

Đối với các công trình kiến trúc, cơ sở công nghiệp tương tự Tháp nước Hàng Đậu hay Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tùy từng trường hợp cụ thể mà đưa ra phương án bảo tồn phù hợp, thay vì dỡ chúng đi. Đó là những không gian giúp bảo tồn ký ức của Hà Nội.

Hoàng Hạnh ghi

1 BÌNH LUẬN

  1. Công thức đầu tiên và cuối cùng: Sạch – Xanh – Chuẩn. Từ nhà ra công sở. Từ đường vô vỉa hè. Từ trên trời xuống dưới đất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới