Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 44-2022: Bài toán đầu tư công

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong hai năm 2021-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sau 10 tháng đầu năm lần lượt là 64,44% và 55,8% kế hoạch năm. Có tiền mà không tiêu là một nghịch lý theo tư duy phát triển kinh tế thông thường.

Theo tác giả Khánh Nguyên trên KTSG bản in phát hành sáng mai (3-11), những bất cập trong đầu tư công cần phải được nhìn nhận và giải quyết tận gốc rễ để đưa việc đầu tư công đi đúng hướng, đạt hiệu quả tối ưu. Trong bài viết có tựa đề Bao Công và Gia Cát Lượng trong đầu tư công, tác giả cho rằng cần có được quy hoạch có chất lượng với các tham số đầu vào chính xác và tầm nhìn dài hạn; phải lựa chọn được các dự án trọng điểm, có tính chất cú hích cho phát triển kinh tế các vùng miền để tập trung đầu tư.

Cũng trong cụm nội dung về đầu tư công còn có các bài viết:

Chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư là then chốt (An Nhiên phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội): Làm tốt công tác chuẩn bị dự án để đưa ra một kế hoạch thực hiện khả thi sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng chất lượng đầu tư công.

Hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước thấp nhất (Bùi Trinh): Nền kinh tế Việt Nam ngày càng thâm dụng vốn có một phần do hiệu quả đầu tư giảm sút và các quyết định tăng lương hầu như không dựa vào tăng năng suất lao động.

Các đề tài kinh tế - xã hội khác trên cùng số báo:

Tăng lương và lạm phát (Thanh Đào): Có một ý niệm chung rằng tăng chi tiêu chính phủ (chẳng hạn như tăng lương hoặc tăng trợ cấp cho dân chúng và người lao động) sẽ dẫn đến lạm phát. Không phải là vô lý, nhưng cũng không nhất thiết là như thế.

Không phải sân chơi của tất cả (PGS.TS. Võ Đình Trí): Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển là xu hướng tích cực của một thị trường vốn phát triển. Tuy vậy, sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến thị trường bị chao đảo bởi một lượng lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Vì sao nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn? (Đăng Linh): Nhiều doanh nghiệp tăng cường mua lại trái phiếu nhằm giảm áp lực đáo hạn do lo ngại rủi ro thanh khoản, và để giải quyết các lô trái phiếu gặp bất lợi bởi quy định mới tại Nghị định 65/2022/NĐ- CP.

Vẫn còn dư địa để kiềm chế tỷ giá (Thụy Lê): Tiền đồng tiếp tục chịu áp lực trong khi nguồn lực can thiệp đã hao tổn đáng kể. Liệu còn bao nhiêu dư địa chính sách để kiềm chế tỷ giá trong thời gian tới?

Tốc độ tăng lãi suất - bài toán khó của các ngân hàng trung ương (Lạc Diệp): Tình thế đang buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất bất chấp những lo ngại suy thoái kinh tế. Giới hoạch định chính sách đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa: tăng bao nhiêu là vừa, và bao giờ sẽ chấm dứt?

Lại chờ cuộc họp của Fed! (Thanh Thủy): Trong tuần này sẽ diễn ra những cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng ở Mỹ, Anh, Úc và Na Uy với trọng tâm là tốc độ gia tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Fed và nhiều ngân hàng trung ương đang lỗ nặng (Nguyễn Vũ): Nói chuyện lời lỗ, người ta thường nghĩ đến các ngân hàng thương mại. Thế nhưng ngân hàng trung ương các nước cũng đang thua lỗ nặng.

EU tiến thêm một bước để luật hóa tài sản mã hóa! (Lê Thiên Hương): Ủy ban châu Âu, Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận “tạm thời” liên quan tới công nghiệp tiền mã hóa ở Liên minh châu Âu.

Sterling: Quá trình xã hội hóa tín dụng và định hướng kinh tế chỉ điểm (Nguyễn Phán): Giải quyết nợ công bằng tăng trưởng không đơn giản. Với một thế giới tài chính kỹ thuật số như hiện tại, phương án ức chế tài chính có lẽ là phương án tối ưu và khả thi.

Coi chừng cú sốc lãi suất (Tuệ Nhiên): Chứng kiến lãi suất tăng liên tục, khách hàng có xu hướng ưu tiên gửi tiền kỳ hạn ngắn để chờ xem diễn biến tiếp theo. Khi đó, tỷ trọng, cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn của các ngân hàng sẽ thay đổi và ảnh hưởng lên các tỷ lệ an toàn.

Doanh nghiệp thấm đòn chứng khoán (Triêu Dương): Việc đầu tư ngoài ngành cốt lõi chưa bao giờ dễ dàng, nhất là ở lĩnh vực chứng khoán. Ngay cả các tổ chức có đội ngũ phân tích hùng hậu vẫn hoàn toàn có thể phải nếm trái đắng.

Vì sao doanh nghiệp không ngần ngại khai khống vốn điều lệ? (Phan Huy Quyền): Có không ít doanh nghiệp “thổi phồng” số vốn điều lệ. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm này là không đáng kể so với cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ hành vi này. Trong khi đó, việc hình sự hóa hành vi khai khống lại chưa phù hợp trong bối cảnh luật pháp hiện nay.

Nhận tiền để đưa ra “lời khuyên” (mục Ý kiến): Theo dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những người có ảnh hưởng, có uy tín nhận tiền để quảng cáo mà không nói rõ đây là quảng cáo thì sẽ bị chế tài.

“Giăng buồm” pháp lý cho điện gió ngoài khơi (Lưu Minh Sang - Nguyễn Đình Thức): Điện gió ngoài khơi cần hệ thống quy định rõ ràng và đơn giản để triển khai hiệu quả.

Sức hút của bất động sản giảm - tín hiệu tốt cho nền kinh tế (Lê Hoài Ân - Lâm Thái Hoàng Anh): Để phát triển kinh tế bền vững thì cần giá bất động sản rẻ. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, do không bị ảnh hưởng nhiều từ hoạt động đầu tư bất động sản.

Phở Lý Quốc Sư đã được bảo hộ tại Úc sau hơn một năm kiện tụng (Ngân Trần): “Phở Ly Quoc Su & logo”đã nhận được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sau hơn một năm theo đuổi vụ việc cực kỳ phức tạp.

Twitter sẽ thay đổi thế nào dưới thời Elon Musk? (Song Thanh): Sau khi mua lại Twitter, tỉ phú Elon Musk phải đối mặt với thách thức định hình lại cách thức hoạt động của nền tảng và áp dụng những thay đổi mà ông mong muốn.

Rồi trấu và rơm rạ sẽ thành hàng hóa (Hồ Nguyên thảo): Trấu vốn được xem là chất thải nông nghiệp, nhưng hiện một số doanh nghiệp đang sử dụng vỏ trấu chế biến thành củi trấu hay viên trấu nén.

Công nghệ mới thăng hoa cho trấu (Ricky Hồ): Các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam đang có bước tiến xa với công nghệ vật liệu mới từ vỏ trấu, đáng chú ý là trong lĩnh vực máy móc, thiết bị và công nghệ chế tạo củi trấu, viên trấu.

Cà phê : ngất ngư vì rớt giá (Nguyễn Quang Bình): Mấy cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Trung thời gian qua đã làm chậm phần nào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023 tại Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam.

Quyền tự do thông tin, quyền riêng tư và quyền được lãng quên (TS. Thái Thị Tuyết Dung): Đã đến lúc cần ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư nhằm cân bằng giữa quyền tự do thông tin, quyền riêng tư, quyền được lãng quên; đồng thời có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định ranh giới các quyền này.

Không gian công cộng dành cho ai? (TS. Nguyễn Minh Hòa): Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tuyên bố năm 2023 sẽ làm “sống lại tất cả các công viên”. Mục tiêu là để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận.

Khai thác di sản tri thức địa phương (Nguyễn An Nam): Mô hình bảo tàng chuyên đề ở Hội An có thể gợi ý tưởng để các thành phố du lịch học hỏi và tiến hành.

Sự “kỳ thị” đáng giá! (Song Nghi): Cách đây chừng 20 năm, nhiều cô gái mua thuốc lá xịn tặng người yêu như một món quà giúp chàng trai thể hiện bản lĩnh nam nhi. Giờ đây là xu hướng ngược lại: những chàng trai nghiện thuốc lá thường bị các cô loại ngay từ vòng ứng tuyển.

Khi cô giáo bị cưỡng chế ra khỏi lớp (Nguyễn Hoàng Chương): Việc quản trị học đường cần được tiếp cận theo một cách toàn diện trong tác dụng tương hỗ giữa lãnh đạo trường học - tổ (nhóm) - giáo viên - học sinh - phụ huynh, để tạo những cú hích đủ động năng cho chuyển động hướng tâm “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Phiêu lưu về miền ký ức (An An): Có những điều tưởng rất bình thường nhưng lại trở nên long lanh lạ thường khi đã trôi vào quá khứ. Chúng hiện diện trong ký ức, khuấy động tâm hồn một cách sống động, đầy màu sắc, nhưng chẳng còn có thể chạm đến.

Marcel Proust với “Tìm lại thời gian đã mất (Ngọc Trân): Văn phong trong tiểu thuyết A la Recherche du Temps Perdu của Marcel Prous có phần phức tạp, nhưng người đọc có thể sẽ thích sự dày đặc chi tiết của tiểu thuyết…

Cái quần tây (Dương Văn Ni): Lần đầu tiên được mặc quần tây là lúc đậu đệ thất, đến đệ lục thì phải xổ lai xuống và mạng thêm mấy lớp vải cùng nhiều đường chỉ. Cái quần đó đã đưa tôi từ đứa trẻ chăn vịt trở thành người “trí thức”, là “kim chỉ nam” giúp tôi rèn luyện nhân cách để trở thành “người lớn” mỗi ngày.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới