Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ Lân đang chết!

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những năm trước đây liên tục có tin công ty khởi nghiệp này nhận được hàng triệu đô la vốn đầu tư, công ty khởi nghiệp kia được định giá hàng tỉ đô la trên thị trường. 2023 là năm trái ngược khi thông tin nổi lên là hàng loạt công ty startup như thế phá sản, nhiều công ty được bán tháo với giá rẻ, nhiều công ty khác lặng lẽ biến mất.

Một loạt ví dụ được tờ New York Times đưa ra: Trước đây, WeWork gọi vốn được 11 tỉ đô la; Olive AI trong lĩnh vực y tế thu hút được 852 triệu đô la; Convoy khởi nghiệp trong ngành vận tải gọi vốn được 900 triệu đô la và Veev, một startup khác trong xây dựng địa ốc, được rót 647 triệu đô la… Điểm chung của chúng trong sáu tuần gần đây: tất cả đều tuyên bố phá sản hay tự đóng cửa.

Các nhà đầu tư với túi tiền không còn rủng rỉnh như xưa vì lãi suất tăng cao đã không còn hào phóng rót tiền vô tội vạ. Họ không còn chỉ quan tâm đến lời hứa; họ không còn dựa vào mô hình tăng trưởng liên tục bất kể lời lỗ. Nay họ đang cân nhắc lại chiến lược đầu tư và quyết định công ty khởi nghiệp nào đáng cứu, công ty nào nên để phá sản hay phải tìm cách bán mình.

Việc chuyển hướng này đã diễn ra từ vài ba năm nay nhưng các công ty khởi nghiệp đối phó bằng cách tiết giảm chi phí đến mức tối đa và đến nay tất cả đã ngoài sức chịu đựng. Cơn sóng phá sản của các startup, theo các nhà quan sát, là chỉ mới bắt đầu và ngày sẽ càng lan rộng.

Vào tháng 8-2023, Hopin, một startup gọi vốn được 1,6 tỉ đô la và được định giá 7,6 tỉ đô la phải bán mảng kinh doanh chính của họ với giá chỉ 15 triệu đô la. Tháng trước, Zeus Living, công ty khởi nghiệp trong ngành địa ốc từng được rót 150 triệu đô la vốn mồi, phải tuyên bố đóng cửa.

Plastiq, một startup tài chính, phá sản vào hồi tháng 5-2023 mặc dù trước đó gọi vốn được 226 triệu đô la. Bird, một công ty khởi nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, bị xóa niêm yết vì giá cổ phiếu sụt xuống mức quá thấp. Thị giá 7 triệu đô la của công ty còn thấp hơn ngôi nhà 22 triệu đô la mà nhân vật sáng lập Bird từng mua vào năm 2021.

Tờ New York Times cho rằng khó để có được bức tranh chính xác về sự thua lỗ của các startup vì đa phần chưa niêm yết nên không có nghĩa vụ tiết lộ thông tin tài chính, nhất là khi bị thua lỗ đến mức phá sản hay bán rẻ. Tình hình cũng bị méo mó vì đồng thời các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vẫn còn nóng, vẫn được báo chí ca tụng và hút được nhiều vốn đầu tư.

Tính chung, có chừng 3.200 công ty khởi nghiệp được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn đã chấm dứt hoạt động trong năm 2023. Chúng từng được rót vốn đến 27,2 tỉ đô la. Tuy nhiên số liệu này vẫn có thể chưa đầy đủ vì nhiều công ty khởi nghiệp phá sản trong im lặng, ít ai biết. Chúng cũng loại trừ các công ty khởi nghiệp lớn bị thất bại sau khi đã trở thành công ty đại chúng, nhận vốn từ thị trường chứng khoán.

Từ năm 2012-2022, mức đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tư nhân ở Mỹ tăng gấp 8 lần, lên đến 344 tỉ đô la. Dòng tiền tuôn chảy nhờ lãi suất cực thấp rồi nhờ sự thành công của các mạng xã hội và các ứng dụng di động. Đầu tư mạo hiểm trở thành xu hướng thu hút nhiều quỹ đầu tư nhảy vào tìm đối tác tiềm năng để rót tiền.

Các startup kỳ lân, tức được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên đã bùng nổ, từ vài ba chú kỳ lân lên đến cả ngàn. Nhưng thực tế cay nghiệt hơn mơ mộng, các trường hợp thành công như Facebook hay Google là không nhiều, mô hình dựa vào tiền quảng cáo lại không dễ thực hiện. Các mô hình startup thường thấy chỉ xoay quanh chuyện dùng giá rẻ để thu hút người dùng mới nhằm duy trì tốc độ phát triển - và hệ lụy đương nhiên là sự thua lỗ kéo dài.

Nay cạn kiệt tiền mới bơm vào, thua lỗ vẫn tiếp tục nên các công ty không còn chọn lựa nào khác là tuyên bố phá sản. Nhiều công ty khác rơi vào tình trạng “xác sống” (zombie mode), tức sống sót nhưng vật vờ không phát triển nổi. Chúng sẽ tồn tại kiểu đó trong nhiều năm và sẽ không còn khả năng huy động vốn.

Chẳng hạn, Convoy, công ty khởi nghiệp vận tải từng được nhà đầu tư đánh giá 3,8 tỉ đô la, đã dùng 18 tháng qua để tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, sa thải bớt nhân viên và tìm cách thích nghi với một thị trường khó khăn hơn nhiều. Khi tiền gần hết, Convoy chào bán cho ba nhà đầu tư nhưng cả ba đều rút lui. Cuối cùng công ty chấm dứt hoạt động vào tháng 10-2023.

Nhiều công ty khởi nghiệp khác, biết trước tình hình khó khăn, không thu hút được khách để thỏa mãn nhà đầu tư đã trả bớt tiền cho các quỹ từng rót vốn. Nhiều quỹ đầu tư cũng thúc hối các nhà sáng lập nên quyết định dứt khoát, tránh tình trạng zombie không có lợi cho ai.

Điều khá mỉa mai là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh lý công ty lại ăn nên làm ra. SimpleClosure từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 9-2023 đã phải từ chối bớt khách. Dịch vụ của họ gồm chuẩn bị giấy tờ pháp lý chuyện đóng cửa, giải quyết các nghĩa vụ với nhà đầu tư, người bán hàng, khách hàng và nhân viên.

1 BÌNH LUẬN

  1. Sống/ Chết. Có quy luật cả. Chết vì cạnh tranh/ vì thật giả lẫn lộn… cũng nên xem là tín hiệu tốt, vì nó sàng lọc để kinh tế xã hội tiến lên một cách vững chắc. Cái chết, thực ra không tệ hết cả. Có những cuộc sống, nhưng giống như chết rồi (Zombies). Vậy, sống còn đáng sợ hơn cả chết ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới