Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kỷ luật công!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỷ luật công!

Thiên Di

(TBKTSG) - Những than vãn trên báo chí về việc lạm dụng xe công đi lễ hội, lạm chi cho lễ hội... là “chuyện dài nhiều tập” năm này sang năm khác, bất chấp các lệnh cấm từ mọi cấp, là những điểm chấm phá thêm vào bức tranh bi hài về kỷ luật công! Chưa bao giờ kỷ luật công lại nhẹ tựa lông hồng như bây giờ!

Không phải cố tình hỏi cắc cớ, song hãy bình tâm cùng nhìn lại mọi việc. Liệu có thể đếm được trên thế giới có mấy thủ đô mà người đứng đầu phải ra lệnh kiểu “các cơ quan phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật công vụ, đảm bảo giờ làm việc, các giao dịch hành chính, dân sự của nhân dân; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ hội trong giờ làm việc”. Có mấy nước phải có lệnh cấm sử dụng ngân sách nhà nước vào việc tổ chức lễ hội? Có nước nào phải ra quy định cho công chức rằng mở tiệc cưới cho con chỉ được mời bấy nhiêu khách mà thôi?... Vậy mà những lệnh cấm đó cứ như không hề có!

Tỷ như lệnh cấm đốt pháo, địa phương nào để xảy ra đốt pháo sẽ “chịu trách nhiệm”! Đã có tỉnh, thị đốt pháo đỏ vỉa hè hôm mùng một Tết Giáp Ngọ, nay đã qua rằm mà có “anh” nào bị “nghiêm trị” đâu! Có thấy “anh” nào bị bắt quả tang “cúp cua” đi lễ lạt ở đây, ở kia bằng xe biển số xanh? Chẳng qua, do không quyết tâm trừng phạt thích đáng, nên bất tuân kỷ luật đã thành thói tật mãn tính nơi từng cá nhân.

Trở lại với thói tật ăn cắp giờ công đi lễ chùa, có lẽ cũng cần nhắc lại rằng để ngăn chặn một tệ nạn, phải quy định rõ làm gì thì bị xem là vi phạm, vi phạm như thế nào sẽ bị xử lý với từng mức phạt cụ thể. Và không chỉ nói suông, cơ quan quản lý cần nghiêm minh.

Ai cũng khen rằng đảo quốc Singapore là một đảo quốc sạch, sạch cả ngoài đường lẫn trong tinh thần. Trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hàng năm, đảo quốc này ba năm liền xếp thứ 5 thế giới. Nguyên tắc vàng của họ, có thể đọc được trên trang web của CPIB (cơ quan bài trừ tham nhũng khét tiếng hữu hiệu trên thế giới) là “áp dụng một chính sách trừng trị mạnh mẽ như là một sự răn đe cản phá”. Ấy vậy mà tháng 8 năm ngoái, chính giám đốc cơ quan bài trừ tham nhũng CPIB đã bị cách chức vì “để cho” một trợ lý thụt két khoảng 1,7 triệu đô la Sing. Còn đương sự thụt két bị truy tố những 21 tội danh và tù mọt gông!

Nếu biết rằng “cánh tay phải” bảo vệ đảng PAP cầm quyền ở Singapore từ mấy mươi năm qua chính là cơ quan bài trừ tham nhũng CPIB này chớ không phải cảnh sát hay quân đội, thì sẽ nhận ra rằng họ không xem việc cách chức viên giám đốc CPIB là “đau”, mà trái lại đó là phương thức “sống còn” để bảo vệ uy danh của đảng cầm quyền nhằm bảo đảm chế độ “thủ trưởng chịu trách nhiệm”. Ở đảo quốc “sạch sẽ” đó, người ta răn đe công chức còn hơn cả răn đe dân chúng, và không chỉ “đe” suông!

Thành ra, chuyện “cúp cua”, lấy xe công đi “lễ bái”, cấp ngân sách vô tội vạ cho các hoạt động lễ hội cùng các trò khác... có lẽ sẽ không trường kỳ nan giải nếu xứ ta cũng kiên quyết như Singapore. Nhân đợt giảm biên chế sắp tới, liệu có thể mạnh tay sa thải các công chức dùng xe công đi “lễ bái” hay không? Dù cho tài ba, thanh liêm hay mẫn cán đến đâu thì hành vi đó cũng đã “lồ lộ” cả rồi. Liệu đến mỗi cuối năm, sở tài chính các tỉnh có nhớ công lệnh cấm sử dụng ngân sách chi cho lễ hội để dứt khoát không duyệt chi các khoản đó? Muốn, thì sẽ làm được! Người Sing cũng một óc, một tim, hai mắt, hai tai, hai tay, hai chân, cũng ăn gạo và ba bốn chục năm trước cũng từng “ăn như hạm”... chớ chẳng phải thần thánh gì!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới