Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kỷ lục doanh nghiệp rời thương trường cán mốc 100.000 trong nửa năm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn buộc phải rời thương trường chạm mốc 100.000, ghi nhận mức cao kỷ lục về lượng doanh nghiệp đóng cửa trong nửa năm.

Trong số này, TPHCM có hơn 20.000 doanh nghiệp, tức chiếm hơn 1/5 lượng doanh nghiệp trong nước rời thị trường trong 6 tháng.

Tình trạng kinh tế khó khăn, cầu thị trường sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức phải rút khỏi thị trường. Ảnh mặt bằng đóng cửa khắp nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM: L.V

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời gian này có 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, và có 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương ứng tăng 28,9% và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính ra, bình quân mỗi tháng qua có 16.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Dù con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp), nhưng với 100.000 doanh nghiệp rời thương trường là con số cao kỷ lục trong 6 tháng đầu năm.

Trong số này, TPHCM có số doanh nghiệp rời thị trường hơn 20.000 doanh nghiệp, gồm 18.204 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ, và 1.823 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 707,5 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509,9 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng thấp, chỉ đạt 9,3 tỉ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu tính cả 958,7 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25.200 lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666,1 nghìn tỉ đồng, cũng giảm đến 39% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung số doanh nghiệp thành lập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm thì đạt 113.600 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Thực tế trên không chỉ cho thấy nhiều doanh nghiệp đang dần đuối sức, khó có thể chống chọi trước bối cảnh cầu thị trường trong nước và thế giới sụt giảm mạnh kéo dài, mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bởi lẽ việc doanh nghiệp sụt giảm hoặc không có đơn hàng sản xuất đã kéo theo tình trạng người lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề đáng lo ngại. Mặt khác, những tháng đầu năm 2023, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.

Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.

Tổng cục Thống kê cho biết, tình trạng doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn bị cắt giảm đơn hàng kéo dài từ quí 4/2022 đến nay dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.

Dù lao động, việc làm quí 2 năm 2023 có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Thị trường lao động việc làm quí 2 năm 2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quí đầu năm 2022.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của doanh nghiệp trên cả nước trong quí 2/2023 khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quí trước.

Số lao động này đa số thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc lĩnh vực da giày, dệt may, thuộc các địa phương: Đồng Nai, Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Lao động bị mất việc trong quí 2 năm 2023 là 217.800 người, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ...

Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới