(KTSG Online) - Cần sớm phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng và cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào số hóa, công nghệ cao và những lĩnh vực mang lại nhiều giá trị giá tăng cho nền kinh tế trước khi lợi thế dân số vàng (dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi nhiều gấp đôi dân số phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) của đất nước không còn. Giai đoạn thu hút đầu tư nhờ lao động chi phí thấp đã qua. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc vì có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Dù vậy, các doanh nghiệp nước này cũng đang thể hiện sự lo ngại khi cơ cấu dân số vàng hấp dẫn đầu tư hiện nay của Việt Nam sẽ dần biến mất trong hai thập niên tới. Điều này sẽ góp phần dẫn đến những hệ lụy, trong đó việc tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn và lương của người lao động ngày càng tăng cao.
Không chỉ doanh nghiệp Hàn Quốc, nhà đầu tư các quốc gia khác cũng có chung mối quan tâm về tương lai của Việt Nam thời kỳ hậu "dân số vàng": liệu rằng ở giai đoạn đó môi trường đầu tư có còn năng động và hấp dẫn?
Hơn 30 năm qua, một trong những lợi thế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào, chi phí rẻ, môi trường đầu tư ổn định. Tuy nhiên, đất nước đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc trước năm 2040, thậm chí sớm hơn.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho thấy đến năm 2037, số người trên 60 tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% dân số. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang rất nhanh so với một số nước khác.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần chuẩn bị đối diện tình trạng lực lượng lao động giảm sút, khả năng cạnh tranh ngày càng khó khăn hơn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho nền kinh tế trong việc cải thiện năng lực lao động, đổi mới công nghệ và thu hút FDI chất lượng hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn thu hút đầu tư để sử dụng lao động chi phí thấp đã qua. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo GS.TS. Giang Thanh Long, Giảng viên Khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, cần thay đổi trình độ, kỹ năng người lao động cùng với đó là thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật cần những lao động có trình độ cao. Việc đào tạo, tạo cơ chế cho lĩnh vực này phát triển sẽ là bước đệm giúp thu hút vốn FDI chất lượng và đất nước phát triển trong thời gian tới.
Cho rằng để ứng phó với việc già hóa dân số thì phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng cần tập trung vào những lĩnh vực công nghệ tự động, số hóa, những lĩnh vực mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
“Với định hướng này, chúng ta cần xây dựng chính sách và quy hoạch phù hợp để thu hút FDI, như phát triển các khu công nghiệp có kết nối hạ tầng tốt với tiêu chí rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư đúng mục tiêu; cung cấp các chính sách ưu đãi như mặt bằng, thủ tục, hạ tầng…”, ông nói và cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực cũng vậy, ngân sách cần ưu tiên đầu tư mạnh vào đào tạo, nghiên cứu và trao học bổng cho sinh viên theo học các ngành mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư.
Tương tự, theo GS.TS. Giang Thanh Long, dân số có “cơ cấu vàng” kéo dài đến năm 2039, duy trì gần 45 triệu người. Đây là những nhóm năng động, thích ứng nhanh với công nghệ nên sẽ là nguồn lực tiềm năng cho việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng số hóa. Nguồn lao động trẻ này cũng là nguồn lực để thu hút FDI vào Việt Nam.
Theo Long, cần tận dụng tối đa “cơ cấu dân số vàng” là cơ hội chuẩn bị tốt cho dân số “già”. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy cần đồng bộ nhiều chính sách từ ngành giáo dục, đầu tư và tài chính.
Dân số tạo cơ hội nhưng cơ hội ấy không tự đến mà phải được hiện thực hóa bằng các chiến lược và chính sách cụ thể cho từng giai đoạn trong tầm nhìn dài hạn. Ví dụ, chính sách cần chuyển đổi vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất/giá trị toàn cầu, hướng tới những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn.
Là người từng thu hút các dự án công nghệ cao, theo TS. Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, một trong những yếu tố then chốt thu hút FDI chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục và đào tạo, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật, và quản lý. Các chương trình đào tạo nghề, hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp nước ngoài cũng là một hướng đi hiệu quả”.
Chia sẻ câu chuyện Intel hợp tác với chính quyền địa phương để thiết lập một chương trình đào tạo kỹ thuật cao cấp, bao gồm việc cử giảng viên sang Mỹ học tập và về triển khai chương trình tại Việt Nam. Chương trình này đã giúp Intel nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, và trở thành một bài học kinh nghiệm quý báu.
Mặt khác, theo các chuyên gia, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh và người cao tuổi tiếp tục làm việc... “Khi độ bao phủ các chương trình an ninh thu nhập còn chưa cao, việc khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc phù hợp với kiến thức, kỹ năng và sức khỏe sẽ tạo hiệu ứng tích cực về cả thu nhập và sức khỏe”, TS. Long nói.
Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân nhà đầu tư thì cần phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ, giảm phụ thuộc nguồn linh kiện nhập khẩu. Đáng chú ý, trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung ứng để sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI chia sẻ rất cần có nguồn cung linh phụ kiện tại chỗ để giảm chi phí và thời gian vận chuyển nhưng rất khó tìm.
Chính sự thiếu hụt của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã khiến cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời sức lan toả của khu vực FDI vào nền kinh tế trong nước bị đánh giá thấp.
Do đó, theo TS. Lê Hoài Quốc thay vì chỉ thu hút đầu tư, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.
“Mục tiêu là không chỉ thu hút công nghệ cao, mà chính sách còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ FDI, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, chính sách ưu đãi và sự phối hợp giữa các bên liên quan”, ông nói.
Tương tự, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, với lĩnh vực công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp… doanh nghiệp trong nước chưa đủ trình độ và nguồn lực để theo đuổi, cần mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Cùng với đó là cần hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng, dần dần có thể tiếp thu học hỏi công nghệ.
Chiến lược thu hút FDI hướng đến chuyển giao công nghệ, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò là những doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, lan tỏa và tạo thành chuỗi giá trị để trở thành vệ tinh, sản xuất các khâu phụ trợ.
Muốn vậy, không thể ngồi chờ nhà đầu tư tìm đến mà cần chủ động hơn. “Chúng ta cần những nhà đầu tư chất lượng thì nền kinh tế, môi trường đầu tư, doanh nghiệp Việt cũng phải chất lượng”, ông nói. Bên cạnh ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục thì việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước sẽ giúp tăng tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.
Báo cáo mới nhất với tựa đề “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng mô hình sản xuất hàng hóa chủ yếu thâm dụng lao động giá rẻ hiện nay là chưa đủ để đưa Việt Nam lên nhóm nước thu nhập cao.
“Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn”, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói.
Trước làn sóng đầu tư lớn đang đổ vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng với những vận hội từ sự chuyển dịch lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo những bước phát triển nhảy vọt.
Và để không lỡ nhịp cuộc chơi lớn, Việt Nam cũng phải kịp thời làm mới nguồn nhân lực. Sự chuẩn bị kịp thời và toàn diện sẽ là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục vươn lên trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội.