Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỹ thuật điều trị ung thư ở Việt Nam tiệm cận với các nước tiên tiến

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hội miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay hầu hết phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư của Việt Nam đang tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Các chuyên gia hàng đầu ngành y dược Việt Nam và quốc tế tại tọa đàm về ngành công nghiệp dược do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và Newtechco Group tổ chức.

Gánh nặng ung thư ngày càng tăng

Tại Việt Nam và trên thế giới, số ca mắc ung thư đang ngày càng tăng lên. Dựa vào số liệu của Globocan 2020, mỗi năm, Việt Nam có trên 182.000 ca mắc ung thư mới, hơn 122.000 người tử vong. Nếu tính cả số đã mắc hiện còn sống, nước ta có hơn 354.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

Đây là nội dung được Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, thông tin tại tọa đàm “Công nghiệp dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hoá” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng với Newtechco Group tổ chức tại Hà Nội vào ngày 31-7 vừa qua.

Theo Giáo sư Khoa, ở một số nước phát triển, tỷ lệ tử vong do ung thư hàng năm có chiều hướng giảm ở một số loại ung thư. Tại Việt Nam, số ca mắc mới và ca tử vong đều tăng lên. Thống kê cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân ung thư mắc mới trong một năm là thách thức lớn cho hệ thống y tế, gánh nặng về mặt kinh tế và công tác phòng chống bệnh ung thư ở Việt Nam.

Lý giải về nguyên nhân số ca mắc ung thư tăng, Giáo sư Khoa cho rằng, ung thư không thể do một nguyên nhân mà có rất nhiều yếu tố gộp lại. Trong đó, có nhiều yếu tố khách quan như già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, nhiều yếu tố độc hại có trong môi trường tăng lên như hóa chất, thuốc trừ sâu…

Dù sự ra đời của các phương pháp chẩn đoán hiện đại đã giúp phát hiện ung thư hiệu quả hơn. Thế nhưng, việc nhiều người dân đi khám muộn, phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối và khó khăn trong tiếp cận kịp thời với các liệu pháp điều trị tiên tiến… cũng là những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa công bố thành lập Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Y sinh học ung bướu.

Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều cố gắng về cả chẩn đoán sớm và điều trị ung thư. Theo Giáo sư Khoa, với ung thư quan trọng nhất là vấn đề chẩn đoán sớm và chuẩn đoán chính xác. Trước đây, việc chẩn đoán ung thư chỉ bằng nhìn, sờ, gõ... thì hiện nay nhiều kỹ thuật, công nghệ hiện đại đã có mặt ở Việt Namnhư chẩn đoán ung thư bằng các kỹ thuật nội soi siêu âm, CT, MRI thế hệ mới, đặc biệt là các kỹ thuật ghi hình tích hợp (Hybrid) như SPECT/CT, PET/CT, PET/MRI…đã giúp cho việc chẩn đoán sớm, chính xác. Điều này giúp đưa ra được các phương pháp điều trị ung thư được chính xác, kịp thời, hiệu quả, kinh tế và an toàn hơn so với trước đây.

Bên cạnh các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại đã có tại Việt Nam thì các phương pháp điều trị ung thư mới, hiện đại ngang bằng các nước trong khu vực và một số nước tiên tiến trên thế giới cũng đã được ứng dụng và triển khai thành công tại nhiều bệnh viện trong cả nước, như các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài hiện đại (IMRT, VMAT…), các kỹ thuật cấy hạt phóng xạ…, đặc biệt là phương pháp sử dụng các kháng thể đơn dòng đánh dấu phóng xạ gắn với kháng nguyên đặc hiệu trên tế bào ung thư để chẩn đoán trúng đích đặc hiệu, từ đó điều trị trúng đích đặc hiệu (phương pháp Theranostics) sẽ sớm được ứng dụng tại Việt Nam trong thời gian tới…

Việt Nam có hầu hết các thiết bị điện quang và y học hạt nhân hàng đầu trên thế giới để phát hiện ung thư sớm. Đặc biệt, những phương pháp điều trị của Việt Nam cũng tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Gần đây, hai biện pháp điều trị ung thư mới được biết đến nhiều là điều trị đích và điều trị miễn dịch.

Đơn giản hoá việc phòng ngừa ung thư 

Giáo sư Khoa cho rằng phòng ngừa ung thư là không khó, nếu chúng ta hiểu đúng nguyên nhân gây ra ung thư cũng như được chẩn đoán đúng để từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, chính xác. Các yếu tố nguy cơ gây ra đột biến di truyền để hình thành tế bào ung thư, bao gồm hai nhóm chính là các yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Trong đó có khoảng 75-80% đột biến gen gây ung thưcó liên quan đến môi trường sống và một số yếu tố khác như: ô nhiễm môi trường, các thói quen như hút thuốc, uống rượu, lối sống thiếu khoa học, dinh dưỡng không hợp lý, do bệnh nghề nghiệp… Trong khi đó chỉ có khoảng 15% đột biến gen ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền.

Để phát hiện sớm ung thư, mỗi người dân cần có kiến thức, quan tâm tới sức khoẻ để sàng lọc phát hiện ung thư sớm. Nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm, việc điều trị sẽ trở nên nhẹ nhàng, bớt tốn kém chi phí, cũng như giảm đau đớn về thể xác, tinh thần cho cả người bệnh và gia đình. Cùng với đó, người dân nên thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học; đồng thời cần có sự truyền thông để người dân nâng cao được ý thức chăm sóc sức khoẻ, vị chuyên gia này chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, việc nghiên cứu các phương pháp mới để chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn, cũng như có chi phí tốt cho người bệnh là vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy, sau một hành trình dài nghiên cứu và ấp ủ, Tập đoàn Newtechco và các nhà khoa học với tâm huyết đem lại những điều tốt nhất cho bệnh nhân ung thư đã công bố thành lập Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Y sinh học ung bướu (viết tắt: IRABO) vào ngày 31-7 vừa qua. Giáo sư Mai Trọng Khoa được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Y sinh học ung bướu.

Bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Newtechco Group

Theo bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Tập đoàn Newtechco đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Y sinh học ung bướu cho biết, sự ra đời của Viện này là một trong các hoạt động thúc đẩy công tác xã hội hóa y tế theo chủ trương của Chính phủ. Đây là nơi giao lưu, chuyển giao nghiên cứu khoa học công nghệ y sinh của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Viện cũng là nơi tổ chức thực hiện và ứng dụng các hoạt động khoa học, công nghệ y sinh học về ung bướu và các lĩnh vực liên quan. Cụ thể là các hoạt động về chuyển giao, giới thiệu, tập huấn, phổ biến và ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật, phát minh mới; cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; truyền thông về phòng bệnh; tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị, đào tạo…

Những hoạt động đầu tiên của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Y sinh học ung bướu là ra mắt hệ thống phần mềm ONCOTECH. Phần mềm sẽ tập trung vào công tác tư vấn, chẩn đoán và tầm soát ung thư. Đây là một sản phẩm trí tuệ Việt Nam, kết tinh những nỗ lực không ngừng của đội ngũ chuyên gia hàng đầu với mong muốn mang đến cơ hội sống khỏe cho người bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hệ thống phần mềm ONCOTECH với giao diện thân thiện với người dùng, có thể hỗ trợ khách hàng kết nối trực tiếp với các Giáo sư đầu ngành cũng như các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm mà không mất nhiều chi phí, thời gian và công sức. Khách hàng có thể kết nối dễ dàng với các cơ sở y tế tại nhiều nước, đặt lịch khám và khám - chữa bệnh trực tiếp tại nước ngoài. Ngoài ra hệ thống phần mềm này còn hỗ trợ cho các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp cận, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, tham gia các khóa đào tạo, tra cứu các tài liệu chuyên môn...

Trong thời gian tới, với sự đầu tư bài bản của Newtechco Group, sự hợp tác hỗ trợ của các nhà khoa học, các giáo sư, bác sĩ uy tín trong và ngoài nước, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Y sinh học ung bướu và hệ thống phần mềm ONCOTECH sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong y tế, ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực y sinh, miễn dịch trị liệu ung thư để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới