Ký ức đẹp nhưng... buồn
![]() |
Cảnh chăn trâu ở làng Đông Tiển. Ảnh: TĐT. |
(TBKTSG) - Trên chuyến xe với chủ tịch huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) về các xã miền tây của huyện hôm khởi công hồ chứa nước Đông Tiển, giữa chúng tôi đã xảy ra một câu chuyện. Ban đầu là chuyện đùa nhưng cuối cùng mọi người trên xe đều yên lặng bởi những bùi ngùi nhớ tiếc...
Anh Phan Thăng An, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, mới ngoài 30 tuổi, nhưng lại có máu hoài cổ. Anh thường nói về cái nghèo của trên 20 vạn dân quê mình. Một huyện Đông giáp biển, Tây gặp núi; hết cát khô khốc đã đến rừng cằn cỗi luôn thiếu đói.
Thời chiến tranh, cả huyện từng nổi tiếng với những địa danh Chợ Được, Bình Dương, Phú Cang, Bình Lâm đẫm máu và anh hùng. Thời bình, chỉ được cái không còn súng đạn, nhưng nghề nông vẫn là hoạt động kinh tế chính. Muốn làm một con đường qua thị trấn Hà Lam cho khang trang, muốn xây thêm cái hồ thủy lợi Đông Tiển để có nước tưới cho chưa đầy một ngàn héc ta đất canh tác cũng phải vận động từng người dân hiến đất, góp công. Mà đâu phải ai cũng đồng tình...
“Thăng Bình muốn giàu thì đâu có khó...”, một anh nhà báo đi cùng xe nói. Mọi người yên lặng chờ đợi. Anh ta làm giọng nghiêm: “Ở đây có giống khoai lang Trà Đõa nổi tiếng ở xã Bình Đào. Nhà nông Trà Đõa là những nghệ sĩ trên đồng ruộng. Khoai lang Trà Đõa củ to, chỉ cần một chục khoai đã cho một gánh nặng.
Đến đây thì ai cũng im lặng ngồi nghe, nhưng anh ta lại bắt đầu đùa: “Tôi nghĩ nên mời các nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng về Thăng Bình dự một hội thảo khoa học. Ta sẽ vận động họ đưa ra kết luận rằng trong 100 gam bột khoai lang Trà Đõa có chứa bao nhiêu phần trăm protein, vitamin... Chừng đó thôi, khoai lang Trà Đõa sẽ là loại đặc sản và chẳng mấy chốc Thăng Bình sẽ giàu lên...”.
Chị Kim Hiền, từng thoát chết bao bận trong chiến tranh và đi lạc trên núi nhiều ngày giữa bom đạn nay là phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, phụ trách văn xã. Chị là người duy nhất trên chuyến xe đã không cười khi nghe câu chuyện. Chị nghiêm giọng: “Thưa các anh, giống khoai ấy giờ hoàn toàn không còn nữa ở xứ này. Đó cũng là một phần của tuổi thơ chúng tôi bị đánh mất!”.
Chủ tịch Phan Thăng An kể anh là người đã dày công truy tìm giống khoai quý này khắp Trà Đõa, hỏi thăm nhiều lão nông ở nhiều xã vùng cát và đến cả kho lưu trữ gen của viện cây lương thực ngoài Hà Nội. “May ra nó còn được lưu trữ ở đâu đó bên trời Tây chăng, nơi có các viện nghiên cứu của FAO (Tổ chức Lương nông thế giới)! Giống khoai lang quý đó đã mất đi cùng với thời gian vì nó sinh trưởng dài ngày, năng suất không cao hơn những giống mới du nhập về sau này"... An chùng giọng: “Cái nghèo của dân huyện tôi, có lẽ cây khoai lang Trà Đõa là một trong những nhân chứng nhưng đã bị thất lạc!”.
Chuyện vui của một nhà báo đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều người!
Dừng xe bên ngoài chợ huyện Hà Lam, tôi lấy máy ảnh ghi lại cảnh mấy người phụ nữ nông thôn ngồi đếm và sắp từng chục quả mướp hương, bí đao ra phía trước một cách ngay ngắn để chờ người mua trong phiên chợ sớm. Họ đội những chiếc nón lá đã sờn, mặc những chiếc áo đã bạc màu, trông lam lũ như bao người phụ nữ nông thôn khác trong vùng.
Tôi hình dung ra những mảnh vườn tháng tư rợp vàng màu hoa mướp, rẻo đất vườn kín xanh một giàn bí đao thấp lè tè ở đầu xóm trung du. Ở đó, những người đã ngoài ngũ tuần là chúng tôi, ngày xưa đã từng rượt bắt những chú chuồn chuồn ớt một cách thích thú hoặc bỏ chạy ù trước sự uy hiếp (có khi là tưởng tượng) của một chú ong đi tìm mật.
Có thể bên những giàn mướp, giàn bí đao ấy lũ chúng tôi đã say sưa bắn bi, đá kiện trên con đường đất của làng quê và hoàn toàn chưa biết gì đến chiến tranh, chết chóc hay cái nghèo vẫn đè lên số phận của cha ông mình. Cái sắc vàng rực của hoa mướp tháng tư như đánh lừa tất cả những nghĩ ngợi mông lung của đám trẻ, đến nỗi với một chục trái mướp, mấy quả bí đao nặng vai từ nhà ra chợ, những bà mẹ nông thôn bán đi không đủ tiền mua cho cả nhà một vài con cá biển làm tăng “chất tanh” cho những bữa ăn ít gạo nhiều khoai sắn mỗi ngày... cũng chẳng làm bận tâm những mái đầu bé bỏng. Đừng nói chi đến sách vở bút mực để chúng tôi tới lớp...
Những hình ảnh đẹp và buồn ấy theo chúng tôi đến khu vực công trường lúc nào chẳng hay. Câu chuyện của mấy bác nông dân sắp di dời khỏi lòng hồ Đông Tiển sau đó: Ai cũng thấy rồi mai này ruộng khô sẽ có nước, nhà tái định cư ở chỗ mới sẽ đàng hoàng hơn, đường sá đi lại sẽ cao ráo hơn...
Nhưng còn đâu những mảnh vườn họ đã gắn bó từ bao đời nay, còn đâu hình ảnh cái giếng nước xây bằng đá cuội miền trung du sâu hoắm và trong xanh. Những gánh rau, gánh củ kĩu kịt trên đường làng góp cho những buổi chợ Vinh Huy gần đó thêm nhộn nhịp.
Làng tái định cư của gần 1.800 hộ dân vùng dự án hồ Đông Tiển là những khu đất mới san ủi bằng phẳng dọc hai bên con lộ rộng trên 6 mét và sẽ được mở rộng hơn nữa. Có thể hình dung đó là những dãy phố mới với những căn nhà ở liền nhau trên những lô đất khoảng 200 - 300 mét vuông. Người dân lo lắng sẽ thiếu đất để sản xuất, sẽ không đủ tiền và kiến thức để chuyển làm nghề khác. Nhưng cũng có người tiếc nhớ cảnh cũ làng xưa, nhớ những mảnh ruộng bậc thang đã thấm đẫm mồ hôi của bao đời...
Vui và lo lẫn lộn trong suy nghĩ của họ. Cuộc sống nông thôn thay đổi sẽ làm mất đi nhiều thứ mà người ở thành phố không hiểu được. Cũng như một phần tuổi thơ của phó chủ tịch huyện Kim Hiền đã mất đi cùng với giống khoai lang Trà Đõa ở quê chị.
Cũng như những kỷ niệm của tôi với màu vàng hoa mướp và những giàn bí đao ngày xưa đã không còn từ khi bỏ quê ra phố. Chúng không còn hiện hữu nhưng chúng đã tồn tại cùng với con người một thời. Và vì vậy, trong cái vị cay cay trên khóe mắt khi nhớ về, đôi khi cũng cho ta cảm thấy hạnh phúc.
Tôi nói với anh An cảm nghĩ đó trên đường trở về và nghe anh trả lời: “Đó là một cái đẹp buồn đã mất. Nhưng 20 vạn dân quê tôi đã quá cực khổ rồi, chúng tôi đành giữ nó trong ký ức thôi. Ký ức đôi khi cũng giúp ta mạnh mẽ bước tới!”.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG