Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng hoàn tất chuyển giao Dong A Bank và GPBank trước Tết

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NNHNN) đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao hai đơn vị là Ngân hàng TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank) Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), với kỳ vọng có thể hoàn tất chuyển giao trước thời điểm Tết Nguyên đán 2025 để hoàn thành kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém đã đặt ra.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 2024 diễn ra chiều 7-1, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao Ngân hàng TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank).

"Nếu được thông qua, NHNN mong muốn hoàn tất chuyển giao trước Tết Âm lịch để hoàn thành kế hoạch chuyển giao bốn ngân hàng yếu kém đã đặt ra", ông Tú nói.

Toàn cảnh họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Đ.K

Với riêng SCB, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định, duy trì ổn định đảm bảo tiền gửi, tiền tiết kiệm của người dân đến hạn. Đồng thời, xử lý những tồn tại, yếu kém và phối hợp cùng các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp luật, để xử lý những sai phạm của các cá nhân gây ra những thiệt hại cho ngân hàng.

Hoàn thành những phần việc trên, NHNN sẽ trình phương án xây dựng, tái cơ cấu tích cực đối với SCB trong thời gian sớm nhất, để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dù chưa có thông tin chính thức về việc ngân hàng nào sẽ nhận chuyển nhượng Dong A Bank và GPBank, nhưng ngoài có hai ngân hàng từng nhiều lần xin ý kiến cổ đông và được thông qua chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém là VPBank và HDBank.

Ngoài ra, tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng giám đốc GPBank vào tháng 9-2022, cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.

Về phía HDBank, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông đã thông qua chủ trương góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỉ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu. Đến năm 2023, vấn đề này tiếp tục được đưa ra thảo luận, và cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan, nhằm thực hiện việc HDBank nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần.

Trước đó, giữa tháng 10-2024, CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về Vietcombank) và MB.

Ngay sau khi nhận chuyển nhượng, MB đã bổ nhiệm loạt nhân sự chủ chốt trong Ban điều hành cho Oceanbank nhằm thể hiện rõ mục tiêu của ngân hàng trong việc tăng cường đội ngũ lãnh đạo, bảo đảm sự ổn định, khả năng thích ứng nhanh chóng với những thách thức và yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi.

Ngoài ra, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng tại OceanBank được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. MB cam kết ưu tiên nguồn lực về phát triển kinh doanh, vốn, công nghệ và nhân sự để hỗ trợ OceanBank.

Trong khi đó, Vietcombank cho biết, việc chuyển giao bắt buộc nhằm mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém và đưa CBBank trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động liên tục. CBBank sẽ tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ.

CBBank vẫn là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng mẹ. Vietcombank cũng để ngỏ khả năng sẽ bán hoặc chuyển nhượng CBBank cho nhà đầu tư mới trong tương lai, đồng thời khẳng định sẽ không góp vốn vào ngân hàng này trong thời gian còn lỗ lũy kế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới