Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng lãi suất tiền gửi tăng cao sẽ kéo theo rủi ro và hệ lụy

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh các kênh đầu tư đều đi xuống, dòng tiền trong xã hội đang có xu hướng dồn vào kênh an toàn là tiết kiệm, khiến cho cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại ngày càng náo nhiệt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại rủi ro khi tâm lý kỳ vọng lãi suất tăng cao đang có xu hướng ngày càng mạnh hơn.

Biểu lãi suất tiết kiệm "cao nhất" đã tăng khoảng 0,7 điểm phần trăm chỉ trong vòng nửa tháng. Ảnh: L.Vũ

Kỳ vọng lãi suất tiền gửi tăng cao

Suốt một tháng nay, chị N.T.Lan (quận Gò Vấp) theo dõi sát sao tin tức về lãi suất huy động của các ngân hàng để tìm kiếm một nơi phù hợp để gửi lại tiền sau khi tất toán một sổ tiết kiệm. Chị kể đã ghi nhận các mốc lãi suất được công bố trên các phương tiện truyền thông từ 8%/năm, lên 9%, 10% rồi cá biệt có trường hợp 11%/năm. Điều này khiến chị Lan phân vân trong việc đưa ra quyết định, vì muốn chờ đợi lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng thêm từ nay đến cuối năm. Đây cũng là tâm lý chờ đợi lãi suất tiết kiệm tăng cao ở nhiều người.

Từ phía các nhà băng, trong bối cảnh các kênh đầu tư đều chững lại, dòng tiền chảy nhiều hơn vào kênh tiết kiệm dường như đã khiến cho cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại ngày càng náo nhiệt hơn.

Lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng đều ở các nhà băng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9. Nhưng ở lần tăng tiếp theo vào cuối tháng 10, các ngân hàng thương mại mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động hơn. Theo đó, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng đa số đều tăng lên mức tối đa quy định. Cuộc đua lãi suất cũng đã có các ngân hàng quốc doanh tham gia, với mức tăng mạnh 1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 12 tháng hồi đầu tháng 11.

Còn mới đây, Techcombank, ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) thuộc nhóm lớn nhất trên thị trường, nâng lãi suất không kỳ hạn tăng từ mức 0,03% lên mức tối đa là 1%/năm (cơ quan quản lý vừa tăng thêm 0,5%/năm) hồi đầu tháng). Tương tự, VPBank cũng vừa thông báo tăng lãi suất lên mức trần 1%/năm.

“Tiền không còn rẻ như trước nữa, mặt bằng lãi suất mới sẽ được thiết lập để phù hợp với tình hình mới”, TS. Nguyễn Hữu Huân, Khoa Ngân hàng Đại học UEH nhận định.

Theo ông Huân, cuộc chạy đua về lãi suất huy động hiện nay cho thấy thanh khoản ngân hàng hệ thống đang khó khăn, do đó các ngân hàng thương mại có động cơ tham gia để đảm bảo thanh khoản cho chính họ và cho cả hệ thống nói chung.

Chia sẻ với cổ đông và nhà đầu tư trong một cuộc họp gần đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank, cho biết diễn biến thị trường phức tạp, cũng như có thêm nhiều sự kiện lớn nên thanh khoản trên thị trường chịu nhiều áp lực từ cuối tháng 9 đến nay.

Do đó, trong giai đoạn này thì việc tăng lãi suất của ngân hàng đi theo mặt bằng chung của thị trường, mặt khác là để “bảo vệ thanh khoản tốt nhất” để đảm bảo nhu cầu tăng trưởng tín dụng được cho là vẫn còn lớn trên thị trường.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của hệ thống đồng loạt tăng vọt từ cuối tháng 9 đến nay. Nguồn: SSI.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng cao, nếu nhà băng nào không tăng lãi suất để thu hút sự chú ý của người dân thì rất dễ “rớt lại” trong cuộc đua thu hút thanh khoản cuối năm, đặc biệt là trong bối cảnh dòng tiền có tham vọng tìm nơi an toàn nhưng lãi suất lại phải đủ hấp dẫn khi kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá đang tăng cao.

Ở thời điểm tuần đầu tháng 11, lãi suất huy động lên mức 10-11%/năm bỗng nhiên xuất hiện phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì mức lãi suất này thực tế có các điều kiện đi kèm theo và không phải ai cũng có thể gửi được.

Chẳng hạn như Ngân hàng Nam Á công bố gói lãi suất 11%/năm nhưng chỉ áp dụng cho ba tháng đầu tiên, còn 6 tháng cuối thì lãi suất áp dụng ở mức 5,95%/năm, đồng nghĩa với việc lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 9 tháng này thấp hơn nhiều so với con số 8%/năm.

Nhưng ngay sau đó, ngân hàng này cũng như vài ngân hàng khác đã đưa biểu lãi suất niêm yết về mức bình thường, không còn những con số khiến dư luận xôn xao nữa.

Tình hình lãi suất huy động trở nên “bình yên” hơn sau cuộc họp thảo luận giữa NHNN với các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 11. Dù vậy, một điểm cần chú ý ngay từ bây giờ là đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của tình trạng “cộng thêm” lãi suất ưu đãi bên ngoài.

Hệ lụy không nhỏ

Lý thuyết kinh tế cho thấy khi kỳ vọng lạm phát tăng, người dân dự đoán lãi suất tăng và điều này phản ánh ngay vào thị trường. Việc can thiệp từ sớm của cơ quan quản lý cũng đã phần nào cho thấy mối lo ngại khi tâm lý kỳ vọng tăng lãi suất của người dân kích hoạt và bắt đầu nóng lên.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, việc thu hút khách hàng tiền gửi bằng lãi suất dẫn đến hệ lụy lớn trên thị trường, tác động không tích cực với chính các tổ chức tín dụng vì chi phí cao, không ổn định và rủi ro thị trường. Mặt khác, điều này còn tạo ra hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo sự xáo trộn không cần thiết và tâm lý không tốt trên thị trường.

“Các tổ chức tín dụng cần công khai minh bạch các mức lãi suất áp dụng, cũng như niêm yết tỷ giá mua bán. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu này, sẽ góp phần đảm bảo phát huy được vai trò của lãi suất, tỷ giá, đồng thời không gây ảnh hưởng đến lãi suất bình quân chung trên thị trường”, ông Lệnh bình luận.

Các ngân hàng đồng loạt nâng mạnh lãi suất tiết kiệm từ đầu quí 4 đến nay. Ảnh: L.Vũ

Dù vậy, theo các chuyên gia, khi áp lực “ngầm” trên thị trường còn lớn mà các giải pháp chỉ tập trung vào can thiệp hành chính thì có thể dẫn đến hệ lụy “đi đêm” lãi suất, chi lãi ngoài. Mặt khác, khi các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động là lãi suất cho vay đầu ra sẽ phải tăng cao theo, kéo theo đó là nợ xấu có khả năng gia tăng.

Những điều này không mới mà từng diễn ra trong giai đoạn 2011-2012. Cũng cần nhắc lại là nhiều khoản nợ xấu trong giai đoạn này cho đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Theo ông Huân, giải quyết bài toán lãi suất hiện nay phụ thuộc vào câu chuyện “bơm” thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán đánh đổi vì lãi suất tiền đồng hiện chịu sức ép không nhỏ từ lãi suất đồng đô la liên tục tăng, tạo áp lực lên cho tỷ giá và lạm phát.

Từ phía NHNN, cơ quan này đánh giá thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn tốt và có dư thừa. “Trong tháng 10 vừa qua, thị trường chủ yếu chịu tác động của yếu tố tâm lý và những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu hồi đầu tháng 11.

Theo Thống đốc, hiện các ngân hàng đều đảm bảo chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định, tuy nhiên cũng cần phải rà soát, đánh giá một cách thận trọng hơn để chủ động có các giải pháp cải thiện, đảm bảo an toàn. “Với vai trò điều hành của mình, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm”, thống đốc cho biết.

Về chính sách ứng phó, một điểm quan trọng mà Thống đốc cũng có nhắc đến là bài toán kết hợp tổng thể các chính sách kinh tế vĩ mô chứ không chỉ riêng chính sách tiền tệ. “Hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, qua đó sẽ giúp giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nói.

Đây cũng có thể xem là một các thông điệp quan trọng của cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng về thanh khoản và định hướng thị trường trong thời gian tới. Giải quyết bài toán lãi suất là việc không hề dễ, nhưng điểm may mắn là “nội lực” của hệ thống ngân hàng hiện nay đã cải thiện đáng kể so với thập niên trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới