(KTSG) - Về cơ bản, hiện mọi thứ vẫn mới chỉ đang dừng ở mức kỳ vọng và vẫn cần khoảng hai tháng nữa để có quyết định cuối cùng từ phía Mỹ đối với vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
- Xuất khẩu cá tra sang EU nối dài đà giảm
- Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh về lượng lẫn giá trị
Chờ đợi quyết định vào tháng 7-2024
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, vào ngày 8-5-2024, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trên thực tế, những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc đáp ứng sáu tiêu chí để được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường đã được thực hiện từ khá lâu và được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26-7-2024. Hiện các ý kiến bình luận và phản biện lên Bộ Thương Mại Mỹ trước khi diễn ra phiên điều trần vẫn đang khá trung lập.
Có thể nói, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp mình trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường, trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và quyết định chấp thuận từ Mỹ (nếu có) sẽ tạo tiền đề giúp Liên minh châu Âu (EU) có quyết định công nhận tương tự đối với Việt Nam.
Kỳ vọng hỗ trợ cho nhóm ngành xuất khẩu
Cũng theo Công ty Chứng khoán SSI, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu có vị thế quan trọng trên thế giới, xuất khẩu chiếm 82% GDP năm 2023, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Đồng thời, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Nếu Mỹ công nhận quy chế trên vào tháng 7 tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện. Lưu ý rằng giá tôm của Việt Nam đang cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khi mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đang thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ bị áp mức 4,36-7,55%).
Nhìn chung, việc Mỹ đang xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ không có tác động tức thì trong ngắn hạn đối với các ngành liên quan. Tuy nhiên, về dài hạn, lợi ích lớn nhất, như đã nói ở trên, là việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp mình trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá, từ đó có thể giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai và giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn tại thị trường này.
Ảnh hưởng của sự kiện trên tới từng nhóm ngành và doanh nghiệp cụ thể sẽ tương đối phân hóa.
Đối với một trong những nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ là dệt may, hiện các doanh nghiệp như TNG, MSH, TCM đang không chịu thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp nên việc Việt Nam được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ có tác động không quá lớn đến các doanh nghiệp ngành này. Tương tự là ngành thép với các doanh nghiệp như HPG, HSG, NKG, ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ không nhiều, vì hiện các doanh nghiệp thép cũng không bị đánh thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, việc Mỹ công nhận quy chế nêu trên có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam thuận lợi hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá (nếu có) trong tương lai, vì các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp trong trường hợp điều tra thuế chống bán phá giá, thay vì phải sử dụng giá tại các thị trường khác (như Indonesia) để tham khảo.
Với ngành thủy sản, dựa trên POR 19, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như VHC và ANV sẽ là 0 đô la/ki lô gam, trong khi với IDI sẽ là 0,18 đô la/ki lô gam (giảm từ mức 2,39 đô la/ki lô gam). Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng sẽ không chịu nhiều tác động. Tuy vậy, Mỹ lại đang điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm về khả năng vi phạm chống trợ cấp, mà kết quả cuối cùng sẽ có vào ngày 5-8-2024.
Do vậy, nếu Mỹ công nhận quy chế trên vào tháng 7 tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện. Lưu ý rằng giá tôm của Việt Nam đang cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khi mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đang thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ bị áp mức 4,36-7,55%).
Đối với nhóm ngành gỗ, một số sản phẩm gỗ của Việt Nam như gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, nội thất phòng ngủ, ghế khung gỗ hiện đang bị điều tra chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Do vậy, việc Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ có hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.
Về cơ bản, hiện mọi thứ vẫn mới chỉ đang dừng ở mức kỳ vọng và vẫn cần khoảng hai tháng nữa để có quyết định cuối cùng từ phía Mỹ đối với vấn đề trên. Do vậy, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư chỉ nên giữ một vị thế hợp lý với những cổ phiếu của các nhóm ngành xuất khẩu nhằm chờ đợi những diễn biến rõ ràng hơn.