Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng và hoài nghi ở dự án đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỉ đô la của Indonesia

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự án tuyến đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỉ đô la kết nối hai thành phố lớn nhất của Indonesia sẽ vận hành vào tháng 10 tới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Công trình hạ tầng giao thông này có thể cải thiện năng suất kinh tế và kinh doanh tổng thể của Indonesia. Tuy nhiên, những lợi ích đó có thể bị lấn át bởi gánh nặng nợ tăng vọt của Jakarta do chi phí dự án tiếp tục tăng cao.

Một đoàn tàu dự kiến sẽ sử dụng ở tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km kết nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung. Ảnh: Tân hoa xã

Tàu chạy tuyến đường sắt cao tốc 142 km từ thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung dự kiến di chuyển với tốc độ 350 km/giờ, chạy bằng điện và không phát thải carbon trực tiếp trong quá trình vận hành. Khi tuyến đường sắt hoàn thành, đây sẽ là công trình đầu tiên thuộc loại hình này ở Đông Nam Á.

Là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, dự án được tài trợ bởi một liên danh nhà đầu tư gồm các công ty nhà nước của Indonesia và Trung Quốc có tên gọi PT KCIC. Ban đầu, dự án được lên kế hoạch hoàn tất vào năm 2019 nhưng sau đó bị trì hoãn do sự chậm trễ trong nhiều hoạt động và đội vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la.

Tuyến đường sắt này sẽ vận hành thử nghiệm trong tháng 9 trong khi quá trình kiểm tra an toàn đang diễn ra. Các quan chức Indonesia đang xem xét liệu có nên mở rộng tuyến đường sắt đến thành phố Surabaya hay không.

Đường sắt cao tốc là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Kể từ khi nhậm chức, ông đã tìm cách thu hút các hợp đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như tuyến đường sắt trên cao và tàu điện ngầm do Nhật Bản tài trợ ở Jakarta.

Arief Anshory Yusuf, giáo sư kinh tế của Đại học Padjadjaran ở Bandung, giải thích: “Đường sắt cao tốc sẽ mở rộng tính quy mô và tăng hiệu quả của nền kinh tế nhờ cải thiện khả năng di chuyển nguồn nhân lực tài năng giữa hai thành phố (Jakarta và Bandung)”.

Ông cho rằng, việc chia sẻ kiến thức và ý tưởng sẽ giúp tăng năng suất kinh tế ở Jakarta và Bandung.

Tuy nhiên, chi phí đội lên của dự án đường sắt cao tốc này có thể khiến nợ nần của chính phủ Indonesia tăng cao và làm lu mờ mọi lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Ban đầu, dự án đường sắt cao tốc được tài trợ bởi PT KCIC, một liên danh gồm các công ty từ Trung Quốc và Indonesia được giao nhiệm vụ xây dựng dự án. PT KCIC đã nhận được khoản vay 4,55 tỉ đô la từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Nhưng với chi phí ngày càng tăng cao, Tổng thống Widodo đã đồng ý sử dụng ngân quỹ của nhà nước để hỗ trợ tài chính cho tuyến đường sắt này. Đây là điều mà các chuyên gia cảnh báo sẽ làm tăng thêm chi phí tài chính công vốn đã tăng lên cao do các chi phí liên quan đến đại dịch Covid-19.

Reuters đưa tin hồi tháng 4, Indonesia tìm kiếm khoản vay bổ sung 560 triệu đô la từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

“Việc sử dụng ngân sách nhà nước làm tài sản thế chấp có thể dẫn đến tổn thất và cuối cùng sẽ gây gánh nặng nợ nần cho người dân Indonesia”, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật (CELS), có trụ sở tại Jakarta cho biết trong một bài bình luận đăng trên The Conversation hồi tháng 5.

Họ cho rằng nếu không muốn gặp phải vấn đề nợ nần với những nước khác, Indonesia cần có một chiến lược rõ ràng.

Họ đề cập đến dự án phát triển cảng Hambantota thất bại của Sri Lanka và dự án mở rộng sân bay quốc tế Entebbe của Uganda. Cả hai dự án này, đều nhận vốn tài trợ từ Bắc Kinh, đôi khi được mô tả là ví dụ về ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ lâu đã bác bỏ những cáo buộc như vậy.

Hồi tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc “chưa bao giờ ép buộc bất kỳ bên nào vay tiền hoặc ép bất kỳ quốc gia nào phải nhận nợ”. Bà khẳng định Bắc Kinh không gắn các điều kiện chính trị vào các thỏa thuận cho vay hay tìm kiếm lợi ích chính trị.

Các nhà nghiên cứu của CELS cảnh báo: “Indonesia nên tận dụng vị thế chiến lược là quốc gia sáng lập và chủ tịch ASEAN năm nay để đàm phán lại với Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ vướng vào tình trạng vỡ nợ và thiệt hại nặng nề hơn”.

Nếu tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung gây tốn kém chi phí trong dài hạn và gây thâm hụt ngân sách nhà nước ngày càng tăng thì đây có thể được coi là một khoản đầu tư kém hiệu quả, theo giáo sư Arief Anshory Yusuf.

Một bài xã luận gần đây trên tờ báo địa phương Kompas cho biết, nếu tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung có trị giá 108,14 nghìn tỉ rupiah Indonesia (7,3 tỉ đô la), điều đó có nghĩa là mỗi km đường ray cần khoản đầu tư khoảng 758 tỉ rupiah.

“Số tiền này rõ ràng là cao hơn so với chi phí xây dựng đường thu phí, chỉ 90-110 tỉ rupiah/km”, bài xã luận cho hay.

Các nhà quan sát nhận định, nếu không có đủ hành khách, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung sẽ suy giảm các lợi ích về môi trường.

Tàu chạy điện giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm so với ô tô và tàu chạy bằng diesel. Nhưng nếu đoàn tàu chạy điện không được sử dụng đúng mức, chúng có thể kém hiệu quả về mặt chi phí hơn.

Putra Adhiguna, trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ năng lượng khu vực châu Á tại Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng, giải thích: “Với mỗi km di chuyển, nếu chở đông đủ hành khách, tàu điện dự kiến sẽ giúp giảm 50-75% mức tiêu thụ năng lượng so với ô tô và tàu chạy bằng dầu diesel”.

Tuy nhiên, ông lưu ý, tỷ lệ lấp đầy thấp ở các đoàn tàu điện sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng thấp đồng thời gây gánh nặng cho chi phí vận hành đường sắt và ngân sách công.

Vì Jakarta và Bandung có khoảng cách tương đối gần nhau, chỉ cách nhau khoảng 150 km nên các tuyến đường bộ thu phí hiện tại có thể khiến tàu cao tốc kém cạnh tranh hơn so với ô tô và các tuyến đường sắt khác.

“Với mức giá vé dự kiến cao ở tuyến đường sắt cao tốc này và sự cạnh tranh của các phương thức vận chuyển khác, nguy cơ tỷ lệ lấp đầy thấp trên các tàu chạy điện là rất thực tế và cần được giải quyết”, Adhiguna nói.

Theo CNBC

2 BÌNH LUẬN

  1. Khi tôi có công tác ở Pháp, tôi thường đi từ Paris tới Marseilles và ngược lại. Thường tôi đi máy bay vì giá vé rẻ hơn và nhanh hơn tàu TGV, tính cả thời gian check in và lấy hành lý chỉ mất 2h30 cho đoạn đường 660 km, nhưng nếu không mua được vé máy bay thì đành phải đi TGV thời gian khoảng 4 h. Đi máy bay thì lúc nào máy bay cũng đầy khách, còn đi TGV thì toa tàu chỉ có khoảng chục khách. Dù đi tàu tốc độ 350 km/h nhưng 660 km đi mất 4 h vì nhiều quan chức của tàu TGV nói nhiều đoạn phải chạy dưới 200 km/h vì lý do an toàn. Làm một tuyến tàu cao tốc cần phải tính đến giá vé và thời gian có cạnh tranh được với hàng không, chớ làm xong mà không có khách đi vì giá vé đắt hơn và thời gian chậm hơn hàng không thì chỉ tốn tiền mà không ích lợi gì. Theo tôi làm tàu cao tốc chỉ nên làm các đoạn ngắn dưới 400 km và tốc độ 200 km/h là tốt nhất, vì lúc đó khách sẽ đi nhiều do giá vé sẽ rẻ hơn hàng không và nhanh hơn hàng không vì không mất thời gian check in và lấy hành lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới