(KTSG Online) - Với tốc độ gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu, dư địa để phát triển dịch vụ quản lý gia sản tại Việt Nam, trong đó có sản phẩm chứng chỉ quỹ là lớn. Việc cần làm là tạo điều kiện thuận lợi về chính sách để thị trường có thêm nhiều sản phẩm dễ tiếp cận, dễ đầu tư với người dân.
- Cuộc chơi quản lý tài sản: Cơ hội và thách thức với công ty chứng khoán
- Đừng lao theo thị trường, nhà đầu tư nên tỉnh táo để bảo toàn giá trị thật của chứng chỉ quỹ
Trông người lại ngẫm đến ta
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, bản thân từng dự định đầu tư một số cổ phiếu niêm yết trên thị trường Mỹ để tích luỹ tài sản cho người con trai sắp theo học tại đây. Tuy nhiên, khi biết ông có mục tiêu đầu tư dài hạn và không sống ở Mỹ, người tư vấn đã khuyên nên mua chứng chỉ quỹ vì vừa an toàn lại vừa đúng tiêu chí là có thể kiếm lời.
“Họ đưa tôi tờ giới thiệu ngắn gọn về ba chứng chỉ quỹ khác nhau và dặn có thể tùy chọn, cái nào cũng an toàn. Sau này, con tôi sang Mỹ học và dư tiền đóng học phí”, ông Nghĩa nhớ lại.
Tương tự, ông Trương Quang Tiến (Quận 8, TPHCM) chọn mua chứng chỉ quỹ vì thấy việc đầu tư dễ dàng hơn, không mất nhiều thời gian theo sát diễn biến trên thị trường và thông tin của từng cổ phiếu như trước. Ông được hướng dẫn lựa chọn quỹ theo cách đánh giá mức độ rủi ro là quỹ trái phiếu Chính phủ có mức an toàn cao, quỹ trái phiếu và cổ phiếu có mức an toàn thấp hơn.
“Chỉ cần bỏ tiền vào quỹ, các chuyên gia sẽ thay tôi phân tích, ra quyết định đầu tư” ông Tiến nói và cho biết nhà đầu tư có cơ hội hưởng lãi kép từ dòng tiền đầu tư.
Sở hữu ưu điểm là dễ đầu tư và không tốn nhiều thời gian nhưng kênh chứng chỉ quỹ hiện chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư. Cụ thể, 110 quỹ đầu tư hoạt động trên thị trường Việt Nam chỉ sở hữu giá trị tài sản ròng (NAV) trung bình khoảng 674 tỉ đồng/quỹ tính đến giữa năm 2024. Tỷ lệ tổng giá trị tài sản (AUM)/GDP chỉ đạt mức 5,9%, thấp hơn nhiều so với mức 51,5% ở Malaysia là 51,5%, 33,2% ở Hàn Quốc và 20,4% ở Thái Lan.
Số lượng nhà đầu tư vào kênh này cũng rất thấp, phần nào thể hiện qua con số hơn 260.000 tài khoản chứng chỉ quỹ - tương đương 0,26% dân số, theo thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Lý giải điều này, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings cho biết, nhà đầu tư cá nhân chưa quá mặn mà với kênh chứng chỉ quỹ một phần do văn hóa đề cao tính tự chủ và kiểm soát, thói quen tự bảo vệ, quản lý tài sản đã có từ lâu đời nay.
Nhiều người cũng chưa hiểu rõ lợi ích của việc ủy thác quản lý tài sản cho các chuyên gia. Đồng thời, có tâm lý thiếu tin tưởng vào các tổ chức tài chính, do sự thiếu minh bạch hoặc các vụ việc tiêu cực trong quá khứ.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, đa số người dân chưa biết, chưa hiểu và chưa tận dụng được các cơ hội đầu tư dù Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới. Thậm chí, nhiều người vẫn đánh giá đầu tư tài chính là đánh bạc trong khi đây là kênh đầu tư của người có kiến thức.
“Để tiếp cận được thì phải thông qua người tư vấn am hiểu nhưng điều này chưa phổ biến ở nước ta”, ông Nghĩa nhận xét.
Ngoài yếu tố văn hóac, Vụ Quản lý quỹ thuộc UBCKNN đánh giá, chính sách thuế với hoạt động đầu tư qua quỹ ở Việt Nam chưa có nhiều ưu đãi so với các kênh gửi tiết kiệm, đầu tư bảo hiểm. Cụ thể, thu nhập của nhà đầu tư cá nhân từ tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế TNCN trong khi thu nhập từ quỹ phải chịu mức thuế 5% tính trên số tiền nhận được.
Bên cạnh hai yếu tố trên, khung pháp lý chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của các quỹ đầu tư. Ông Nguyễn Tùng Anh cho biết, các chính sách hiện hành chưa cho phép Việt Nam phát triển đa dạng các loại quỹ đầu tư như các quốc gia phát triển. Với nhà đầu tư, các quy định cũng chưa tạo ra cơ chế giám sát đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của họ và đảm bảo hoạt động minh bạch của các quỹ.
Với riêng quỹ hưu trí tự nguyện, quy định hiện hành yêu cầu 50% tài sản của quỹ phải đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Điều này làm giới hạn khả năng tiếp cận các công cụ tài chính có thể đem lại lợi suất đầu tư tốt hơn cho người tham gia.
Kết quả, toàn thị trường mới có trên 20.000 người tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện dù hành lang pháp lý đã hình thành được 8 năm.
Cần ưu tiên bảo vệ tài sản nhà đầu tư
Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đạt 4.347 đô la Mỹ/người vào năm 2023, các gia dự báo nhu cầu bảo vệ và gia tăng tài sản tích luỹ của người dân sẽ gia tăng thời gian tới.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Lê Xuân nghĩa cho rằng, vai trò của các định chế tài chính trong việc hỗ trợ thị trường là rất quan trọng, phải làm các kiến thức tài chính trở nên đơn giản, dễ hiểu. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm đầu tư dễ tiếp cận với người dân thay vì để người dân đầu tư dựa vào may mắn.
Với đội ngũ tư vấn đầu tư, cần phải bài bản, chuyên nghiệp hơn. Theo ông Nghĩa, người tư vấn tại Mỹ có thể trả lời mọi câu hỏi từ nhà đầu tư một cách nhanh, gọn, đúng trọng tâm, dựa trên nền tảng là thị trường đã có các sản phẩm dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ đầu tư. “Điều này cũng cho thấy ‘dân trí tài chính’ của thị trường này cao”, ông nói.
Nâng cao nhận thức tài chính cũng là giải pháp được bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital khuyến nghị với cơ quan quản lý. Theo đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức cho nhà đầu tư cá nhân, giúp nhà đầu tư hình thành chiến lược đầu tư dựa trên phân tích cơ bản và thận trọng hơn khi sử dụng đòn bẩy tài chính.
Với những người không có đủ thời gian và kiến thức, cần khuyến khích họ gia tăng đầu tư qua quỹ mở. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ chiến lược và hiệu suất đầu tư của quỹ cũng như cách nhà điều hành quỹ vận hành qua các chu kỳ biến động của thị trường để chọn quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro.
“Có thể kết hợp nhiều quỹ để đa dạng hóa danh mục nhưng quan trọng nhất vẫn là chọn đúng nơi để gửi gắm niềm tin”, bà Thu nói.
Về khung pháp lý, ông Nguyễn Tùng Anh cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình quỹ hưu trí tự nguyện và quy định về phân bổ tài sản theo mức độ rủi ro. Việc này không chỉ giúp đa dạng hóa loại hình quỹ đầu tư mà còn tạo ra một kênh huy động vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy quỹ này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn ổn định cho thị trường tài chính.