(KTSG) - Những ngày này, câu chuyện về trí tuệ nhân tạo (AI) và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) thu hút sự chú ý của giới công nghệ và sáng tạo nghệ thuật...
- Một góc nhìn về tương lai của trí tuệ nhân tạo
- Khi trí tuệ nhân tạo giúp chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Rõ ràng là các sản phẩm do AI tạo ra không ngừng tăng lên mỗi ngày và đặt ra thêm những cơ hội và cả những thách thức mới. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có luật quốc gia nào hay công ước quốc tế nào được thông qua liên quan tới việc bảo hộ sản phẩm sáng tạo của “tác giả” AI cả.
Chính vì thế, việc diễn giải luật hiện hành áp dụng cho sáng tạo của AI thuộc về các cơ quan đăng ký SHTT quốc gia, cũng như của tòa án. Nhìn chung, khuynh hướng hiện nay là từ chối công nhận AI như tác giả sáng chế, hoặc từ chối công nhận sáng tạo của AI như tác phẩm được luật về bản quyền bảo hộ. Tuy nhiên cũng tồn tại những “ngoại lệ” cho khuynh hướng chung này.
Trong lĩnh vực bằng sáng chế
Năm 2020, Cục Sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) từ chối cấp bằng sáng chế (patent) cho hai phát minh do hệ thống AI mang tên Dabus tạo ra, bao gồm hệ thống khóa đan xen các container cho phép máy dịch chuyển hàng dễ hơn, và hệ thống đèn cảnh báo tự động khi nhịp thở có dấu hiệu bất thường.
Người tạo ra Dabus, nhà vật lý học và nhà nghiên cứu AI Stephen Thaler, là người nộp đơn xin cấp bằng, nhưng ông không muốn đứng tên là nhà sáng chế, vì đây là “sáng tạo” do Dabus tạo ra. Theo USPTO, bởi vì luật Mỹ dùng cụm từ “bất cứ người nào” (whoever) khi nói về khái niệm “nhà sáng chế”, nên chỉ có con người được coi là nhà sáng chế. Những sáng tạo do máy móc làm ra, vì thế, không thể được cấp bằng. Đầu năm 2023, Tòa án Tối cao Mỹ cũng từ chối xem xét đơn phản đối của ông Thaler đối với quyết định của USPTO.
Ông Thaler cũng tìm cách đăng ký bằng sáng chế cho Dabus tại Anh, châu Âu và Nam Phi. Theo Cục SHTT Anh (UKIPO), Dabus sáng chế ra hai phát minh nói trên. Tuy nhiên, theo luật của Anh, Dabus là một “cỗ máy” chứ không phải là một “người”, vì thế không thể nào đứng tên là nhà sáng chế. Không chỉ thế, một vấn đề pháp lý khác xuất hiện: vì Dabus là một cỗ máy, nên không thể chứng minh được làm cách nào quyền sở hữu bằng sáng chế được chuyển giao từ máy sang tên người nộp đơn là ông Thaler.
Một điều khác cũng quan trọng không kém, đó là làm thế nào để xây dựng luật về SHTT có tác dụng thúc đẩy đổi mới công nghệ, khuyến khích sáng tạo, cho dù đó là sáng tạo của AI.
Cùng chọn phương án này, cơ quan Bằng sáng chế châu Âu (EPO) cũng từ chối cấp bằng sáng chế cho các phát minh của AI Dabus. Cơ quan này cho rằng các phát minh của Dabus “không đáp ứng được quy định của Công ước Bằng sáng chế châu Âu mà theo đó nhà sáng chế được chỉ định trong đơn đăng ký phải là một con người, chứ không phải là một cỗ máy”. EPO đã đưa ra quyết định này dựa trên điều 81 và điều 19 của công ước nói trên.
Dường như Nam Phi là nước duy nhất chấp nhận đơn cấp bằng sáng chế cho Dabus. Vào tháng 7-2021, Cục SHTT của Nam Phi đã ra quyết định này, trên cơ sở rằng luật của Nam Phi không có định nghĩa nào về “nhà sáng chế”, vì thế chỉ cần sáng chế đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật thì sẽ được bảo hộ. Có thể thấy, quyết định công nhận AI là nhà sáng chế, cho đến giờ, vẫn rất hiếm hoi trên thế giới.
Trong lĩnh vực quyền tác giả
Đầu năm 2022, Cục Bản quyền Mỹ (USCO) từ chối bảo hộ bức tranh “A Recent Entrance to Paradise” do AI tạo ra (cũng do ông Steven Thaler đứng tên đăng ký cho tác giả là “Máy sáng tạo”) bởi vì tác phẩm này không do con người tạo ra. Vào năm 2023, USCO cũng đưa ra kết luận tương tự đối với tác phẩm Zarya of the Dawn - một cuốn tiểu thuyết đồ họa bao gồm phần nội dung do tác giả Kris Kashtanova viết và phần minh họa do AI Midjourney tạo ra.
Theo kết luận này, tác phẩm Zarya of the Dawn là một tác phẩm đáp ứng tiêu chí bảo hộ của Luật Bản quyền, nhưng riêng phần hình ảnh do AI tạo ra sẽ không được Luật Bản quyền bảo hộ. Theo hướng dẫn của USCO đưa ra vào tháng 3-2023 thì USCO sẽ xem phần đóng góp của AI có phải là kết quả thuần túy của máy móc, hay là kết quả của công việc trí não của tác giả.
Không có câu trả lời chung cho mọi trường hợp, mà tùy vào từng tình huống cụ thể USCO mới có thể quyết định cho phép đăng ký bản quyền hay không. Hiện nay, USCO vẫn giữ khuynh hướng không công nhận quyền tác giả của AI.
Trong khi đó, một tòa án ở Trung Quốc đã công nhận một bài báo do AI viết là tác phẩm có tính sáng tạo. Theo các thẩm phán của tòa án Nam Sa, nội dung bài báo thể hiện khả năng chọn lựa và phân tích thông tin, hình thức trình bày hợp lý, rõ ràng, và rõ ràng là có một sự “sáng tạo”. Đối với tòa án này, việc AI không phải là con người không đặt ra cản trở cụ thể nào với luật về bản quyền.
Động thái mới từ tòa án Mỹ
Sau khi bị USCO từ chối bảo hộ tác phẩm “A Recent Entrance to Paradise”, ông Thaler đã phản đối quyết định này trước một tòa án quận Columbia, vì ông cho rằng quyết định của USCO là “độc đoán”, “vượt quá thẩm quyền” và “không phù hợp với pháp luật”. Không mấy ngạc nhiên, đầu tháng 8-2023, tòa án quận Columbia cũng bác bỏ đơn của ông Thaler.
Tuy nhiên, điểm thú vị là tòa án công nhận rằng trong suốt chiều dài lịch sử, Luật Bản quyền đã linh hoạt đáp ứng với những thay đổi về công nghệ và vì thế, kết luận rằng “Luật Bản quyền được xây dựng để phù hợp với (những thay đổi) thời đại”. Tuy nhiên, Luật Bản quyền chưa bao giờ “đi quá xa” tới mức công nhận quyền tác giả của công nghệ mà không có sự can thiệp của con người. Sự sáng tạo của con người là nền tảng cơ bản của Luật Bản quyền.
Nhìn chung, khuynh hướng hiện nay là từ chối công nhận AI như tác giả sáng chế, hoặc từ chối công nhận sáng tạo của AI như tác phẩm được luật về bản quyền bảo hộ. Tuy nhiên cũng tồn tại những “ngoại lệ” cho khuynh hướng chung này.
Rõ ràng là chúng ta đang đi vào một giai đoạn mới của xã hội loài người và của luật về SHTT. Càng ngày các nghệ sĩ càng quen hơn với việc sử dụng AI trong công việc sáng tạo, và hiển nhiên, điều đó sẽ dẫn đến khả năng mức độ sáng tạo của con người giảm đi trong các tác phẩm được AI hỗ trợ nói trên.
Tòa án quận Columbia, vì thế, cũng cho rằng điều này đặt ra những thách thức pháp lý, và các nhà làm luật cần sớm trả lời câu hỏi sự can thiệp của con người cần ở mức độ nào để thừa nhận người sử dụng AI để sáng tạo là tác giả tác phẩm được bảo hộ, cũng như phạm vi bảo hộ và cách thức đánh giá tính sáng tạo của tác phẩm.
Một điều khác cũng quan trọng không kém, đó là làm thế nào để xây dựng luật về SHTT có tác dụng thúc đẩy đổi mới công nghệ, khuyến khích sáng tạo, cho dù đó là sáng tạo của AI.