(KTSG) - Mùa mưa bão đến và chuyện sạt lở bờ sông bờ biển đang “nóng” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính quyền địa phương và cả người dân đang rất lo lắng, không phải chỉ bây giờ, mà đã từ nhiều năm trước đó. Nhưng xem ra câu hỏi “vì sao ở bờ sông bờ biển nguy hiểm là vậy mà người ta vẫn cứ chọn?” thì chưa được giải thích một cách rốt ráo.
- Cần có những dự án lớn, lâu dài để chống sạt lở vùng ĐBSCL
- Bắc Trung bộ, Tây Nguyên khả năng còn xảy ra lũ quét, sạt lở do mưa
Dĩ nhiên là một khi chưa hiểu được cặn kẽ nguyên nhân thì cách hành xử của chúng ta cũng chỉ mang tính đối phó tình thế là chính. Như vậy, điệp khúc cứ đến mùa mưa bão lũ lụt thì chuyện sạt lở bờ sông bờ biển sẽ còn tiếp tục bàn thảo lâu dài.
Giải thích nguyên nhân vì sao người ta thích sống ở bờ sông bờ biển thì có vô số: Nào là do có sẵn nguồn nước, nguồn cá tôm, thuận tiện cho việc giao thông và trao đổi hàng hóa. Nhưng nếu làm một thống kê nghiêm túc xem có bao nhiêu hộ còn sử dụng trực tiếp nguồn nước trên sông rạch? Có bao nhiêu gia đình còn bắt tôm bắt cá cho bữa ăn hàng ngày? Hay còn bao nhiêu hộ có ghe xuồng để mà đi lại đây đó? Thì e rằng cách lý giải trên chưa được thuyết phục cho lắm.
Rồi người ta tiếp tục diễn giải là vì nghèo quá nên không còn đất để cất nhà. Nhưng lạ thay là ngay cả những khu tái định cư, người dân được hỗ trợ nền thì họ cũng không chịu cất nhà ở đó. Lại giải thích là do những nơi này chưa có hạ tầng điện nước, không có trường học, nhà thương, nhà trẻ. Nhưng xem ra các điều kiện hạ tầng đó thì ở bờ sông bờ biển cũng đâu có!
Lạ lùng hơn là ngay cả những người rất giàu, thì họ cũng “xí” những vị trí bờ sông bờ biển mà đầu tư. Ở vùng duyên hải thì hàng loạt khu nghỉ dưỡng (resort) chiếm sạch bờ biển đến nỗi người dân địa phương không còn đường đi xuống biển. Ở trong các thành phố thì bờ sông là nơi của các nhà hàng khách sạn mọc lên chen chúc. Đi dọc theo các dòng sông thì người ta chỉ còn cách “ngắm” các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp hay nhà hàng, khách sạn mà thôi.
Cái cảnh bờ sông dập dềnh lục bình, dừa nước, bần chua, mái dầm, ô rô, cóc kèn xen lẫn với điên điển, nga, nghễ xem ra đã không còn. Thế nên tìm cảnh cô gái ở miền Tây mặc áo bà ba, bơi xuồng hái bông điên điển trổ vàng cả hai bên bờ sông vào mùa gió chướng thì chỉ còn trong ký ức!
Xảy ra những chuyện như vậy là vì người ta đã quên là dòng sông còn có chức năng khác, rất quan trọng, đó là cung cấp gió! Nghe thì thấy lạ, nhưng quả thật sông rạch làm cho việc trao đổi không khí của một hệ sinh thái hay thành phố trở nên tốt hơn rất nhiều. Gió khi thổi trên các dòng sông thì nhiệt độ giảm thấp hơn nhiệt độ không khí nên rất mát mẽ; gió đi qua dòng sông mang theo hơi nước và phân tán vào các ngóc ngách của thành phố; gió tiếp xúc với mặt nước nên bụi bặm bị giữ lại và làm cho không khí sạch hơn. Nói cách khác là nhờ dòng sông mà tiểu khí hậu hai bên bờ sông mát mẻ và sạch hơn không khí trên đất liền rất nhiều.
Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mỗi con sông đều có nước ròng nước lớn mỗi ngày, nước rong nước kém mỗi tháng và mùa nước nổi nước cạn mỗi năm. Một con sông “khỏe mạnh” thì trước tiên phải có dòng chảy tốt, tức là nguồn nước phải thay đổi theo thời gian, nếu nguồn nước “lình bình” không chảy thì chắc chắn là con sông đó đang bệnh. Dân ở ĐBSCL ai cũng biết “bắt mạch” cho một con sông bằng cách nhìn xem dòng nước có chảy hay không? Màu nước son nước bạc thay đổi ra sao? Mà khỏi cần dùng đến dụng cụ máy móc đo đạc mắc tiền.
Con sông khỏe mạnh thì bao nhiêu chất thải từ trên đồng ruộng, đất liền đổ xuống đều được dòng nước pha loãng, nhóm thực vật ven bờ hấp thu một phần và con nước lớn nước ròng tẩy rửa hoàn toàn phần còn lại. Vì vậy mà môi trường hai bên bờ sông luôn luôn sạch hơn môi trường ở bên trong đất liền. Chính nhờ bầu không khí mát mẻ, trong lành và môi trường sạch sẽ này đã hấp dẫn mọi người, bất chấp hiểm nguy sạt lở, để họ luôn chọn bờ sông bờ biển.
Do có giá trị to lớn như vậy nên ai ai cũng tìm cách cơi nới bờ sông bờ biển càng nhiều càng tốt. Người ít vốn thì cũng ráng đóng dăm ba cây cọc gỗ, tấn vài tấm tôn, đổ đất đổ rác lấn ra sông; người khá giả hơn thì xây kè kiên cố cũng ráng nới ra thêm vài mét; khủng khiếp nhất là các “đại gia” lấn ra sông ra biển thành cả một hòn đảo! Rồi các dự án “chỉnh trị dòng sông” cũng tìm cách bê tông hóa hàng mấy chục cây số để bảo vệ không ít vị trí của các resort hay nhà hàng khách sạn đã có sẵn hoặc sẽ mọc lên trong nay mai; các chương trình ngăn mặn, chống lũ với hàng trăm cống đập lớn nhỏ ngăn chặn dòng chảy làm mất tiêu con nước lớn - ròng nên làm cho các con sông ở ĐBSCL đang “thở thoi thóp” từng ngày.
Khi thấy cả xã hội ứng xử thô bạo với một con sông, thì chúng ta có thể đoán chắc là “bất ổn” đang xảy ra trên đất liền, đặc biệt đó là chất lượng không khí. Ai cũng biết là các con sông hiện nay không còn “lớn” thêm được nữa, cả về chiều rộng lẫn chiều dài, nên nó chỉ còn cách tự làm sâu thêm để có thể chứa đủ lượng nước đang có. Chưa kể là con người còn tận thu cát nền đáy sông để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Và rồi khi lòng sông bị làm sâu thêm, thì “sông sâu, bên lở bên bồi” là điều rất tự nhiên mà cha ông đã từng căn dặn.
Có sông nhỏ thì mới có sông lớn. Có sông lớn thì mới có biển cả. Quy luật tự nhiên rất rõ ràng và vi diệu. Tiếc thay, con người, không rõ cố ý hay vô tình, dần dần bức tử hết dòng sông nhỏ này đến dòng sông lớn khác. Cuối cùng thì biển cả sẽ ra sao? Khi biển cả không tồn tại cũng có nghĩa mọi sinh linh sẽ kết thúc.
Bên lở, bên bồi. Là câu chuyện thường tình, đã và đang diễn ra kể từ khi quả đất khai thiên lập địa đến nay. Điều quan trọng là hiện tượng này tuân thủ theo quy luật tự nhiên, có thể dự báo và có thể cùng chung sống được. Nhưng quá trình lở, bồi hôm nay, hoàn toàn khác so với trước đây. Không thể kiểm soát và cùng chung sống được nữa. Lý do không phải do tự nhiên, mà hoàn toàn do sự tàn phá của con người.