(KTSG) - Diễn biến lãi suất đã biến động mạnh khó lường trong quí 4-2022, khi tăng quá nhanh khiến Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp can thiệp mạnh tay, kéo giảm dần trở lại trong những ngày cuối năm. Dù vậy, xu hướng lãi suất năm 2023 sẽ vẫn là một ẩn số.
Sẽ tiếp tục tăng?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có Văn bản 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về tín dụng, lãi suất.
Theo đó, ngoài việc yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cơ quan này cũng nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.
Trước đó, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN cũng đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, từ ngày 12-12-2022, các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho NHNN.
Nhờ những chỉ đạo quyết liệt này, cũng như cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua thị trường mở hoặc hoán đổi ngoại tệ, thị trường chứng kiến một loạt ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động trong những ngày cuối năm này, cũng như giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên, lãi suất được dự báo là một biến số khó lường trong năm 2023, với đà tăng có thể sẽ còn tiếp tục, nhất là khi nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với các yếu tố khó khăn và thách thức hơn.
Có lẽ yếu tố lạm phát mới là áp lực đáng kể nhất lên xu hướng lãi suất từ năm sau.
Trong báo cáo phát hành gần đây, ngân hàng HSBC đã nâng mức dự báo lạm phát của Việt Nam cho năm 2023 từ 3,7% lên 4%, đồng nghĩa với việc NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt.
Cụ thể, tổ chức này cho rằng NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ bản trong quí 1-2023 và quí 2-2023, tức có thể đạt mức 7% vào giữa năm 2023 từ mốc 6% hiện nay.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quí 2-2023, sau đó có thể giảm bớt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn.
Dù nhận định NHNN có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023, nhưng tổ chức này cũng cho rằng lãi suất huy động dự báo có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên 200 điểm cơ bản trong năm 2022.
Áp lực từ đâu?
Cần nhắc lại rằng hồi đầu tháng 12 này, khi đánh giá về hai lần tăng lãi suất điều hành vừa qua, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết việc điều chỉnh lãi suất được tính toán dựa trên một số cơ sở.
Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.
Thứ hai, trong nước, lạm phát chung trong tầm kiểm soát, nhưng chỉ dấu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là lạm phát cơ bản. Xu hướng lạm phát cơ bản tiếp tục tăng.
Thứ ba, đô la Mỹ tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Để giữ cho tiền đồng không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của tiền đồng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các ngân hàng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp các ngân hàng thu hút thêm nguồn vốn.
Ông Hà cũng cho biết định hướng điều hành trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Như vậy, dựa trên những cơ sở nói trên, sẽ phần nào giúp chúng ta nhìn nhận những áp lực lên chính sách tiền tệ cũng như xu hướng lãi suất cho năm sau.
Đầu tiên, với việc lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh tại nhiều quốc gia giúp các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed, tuyên bố sẽ làm chậm lại lộ trình tăng lãi suất từ năm 2023, có thể thấy áp lực này đã phần nào giảm bớt lên chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Dự báo lãi suất của Fed sẽ chạm đỉnh quanh 4,9-5,1% vào giữa năm 2023 từ mức 4,5% hiện nay, tức cơ quan này sẽ chỉ tiếp tục tăng từ 0,4-0,6 điểm phần trăm trong nửa đầu năm sau. Đây có lẽ cũng là cơ sở cho dự báo lãi suất có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm sau của hầu hết các tổ chức.
Khi lộ trình tăng lãi suất của Fed chậm lại, triển vọng của đô la Mỹ cũng không còn quá hấp dẫn như trước, nên mức độ ảnh hưởng lên tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm dần. Vì vậy, áp lực tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của tiền đồng như những tháng vừa qua cũng sẽ không còn quá lớn.
Có lẽ yếu tố lạm phát mới là áp lực đáng kể nhất lên xu hướng lãi suất từ năm sau. Dù Việt Nam trong năm 2022 đã khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát, tuy nhiên với đặc thù nền kinh tế có độ trễ nhất định so với thế giới, áp lực lạm phát trong nước có thể sẽ bắt đầu gia tăng mạnh hơn trong năm sau.
Thực tế là Quốc hội mới đây cũng đã giao mục tiêu cho Chính phủ kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% cho năm sau, tức cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với những năm trước.
Căn cứ các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng; giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới…, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 nằm trong khoảng 4,5%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt qua ngưỡng dự báo 4,5%, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại sau giai đoạn phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 sẽ gây áp lực lên giá cả nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu.
Chính vì vậy, nhằm đối phó với áp lực lạm phát gia tăng, Bộ Tài chính cũng đang tìm cách kéo dài thời gian áp dụng cắt giảm thuế bảo vệ môi trường hiện tại đối với một số nhiên liệu đến cuối năm 2023, trong bối cảnh giá dầu thế giới được kỳ vọng vẫn có thể hạ nhiệt trong năm sau.
Ngược lại, giá năng lượng khác có thể tăng lên trong năm 2023. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã đề xuất tăng giá điện trong năm 2023, đợt điều chỉnh lớn đầu tiên trong gần bốn năm, với lý do chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao.
Được biết theo tính toán của tập đoàn này dựa trên diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm và căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 có thể lỗ gần 65.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý là cũng có ý kiến cho rằng lãi suất thực hiện nay của Việt Nam đã khá cao, hiện xấp xỉ 2%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và 4-5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, do đó lãi suất nếu tiếp tục tăng để điều chỉnh theo lạm phát cũng sẽ không cần phải điều chỉnh quá lớn.
Với áp lực thanh khoản do tăng trưởng tín dụng vượt trội so với huy động vốn như năm nay, vấn đề này cũng được kỳ vọng sẽ đảo chiều trong 2023. Rõ ràng khi mặt bằng lãi suất đã tăng cao như hiện nay, dòng vốn sẽ có xu hướng chạy vào kênh tiền gửi ngân hàng nhiều hơn, ngược lại sẽ làm giảm động lực vay vốn của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhà điều hành có thể sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng trong năm sau để bảo đảm cân đối thanh khoản của toàn hệ thống với mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, hạn chế những bất ổn.
Một yếu tố tác động khác là việc hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và gánh nặng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp có thể tác động làm gia tăng rủi ro nợ xấu từ năm 2023 trở đi, mà cũng sẽ ảnh hưởng lên xu hướng lãi suất khi các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để đảm bảo cho các khoản nợ xấu bị mắc kẹt.
Với việc một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP được đề xuất sửa đổi gần đây và lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024, kênh trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạm thoát khỏi những khó khăn trước mắt và do đó sẽ không gây tác động quá lớn lên hoạt động của các ngân hàng, thị trường bất động sản cũng như xu hướng lãi suất.